Ngăn chặn tình trạng “trẻ hóa” người nghiện ma túy

Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) ngày 30-3 đem tới những thay đổi đúng đắn, góp phần ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi nghiện ma túy có xu hướng gia tăng. 

Học viên cai nghiện tại trung tâm cai nghiện số 7 thực hiện lao động trị liệu. Ảnh: VŨ ANH
Học viên cai nghiện tại trung tâm cai nghiện số 7 thực hiện lao động trị liệu. Ảnh: VŨ ANH

Dưới 18 tuổi phải cai nghiện bắt buộc

Qua khảo sát của phóng viên Thời Nay tại một số trung tâm cai nghiện trên địa bàn Hà Nội, quá trình áp dụng luật mới trong gần ba tháng qua đã cho thấy nhiều kết quả bước đầu khả quan.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng thành phố, tính đến ngày 14-5, Hà Nội hiện có 17.528 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 4.537 người so cùng kỳ năm 2020. Đối với các trường hợp nghiện ma túy dưới 18 tuổi, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có quy định về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm nay có 166 người dưới 18 tuổi đang cai nghiện tại năm cơ sở cai nghiện. 

Số người cai nghiện dưới 18 tuổi nhiều nhất tại Trung tâm cai nghiện số 2 (Yên Bài, Ba Vì) với 52 trường hợp. Thứ hai là tại Trung tâm cai nghiện số 7 (Xuân Khanh, Sơn Tây) với 46 người. Cơ sở số 6 (Tân Minh, Sóc Sơn) có 33 người. Cơ sở số 5 (Xuân Phương, Từ Liêm) có 25 trường hợp và cơ sở số 4 (Yên Bài, Ba Vì): tám trường hợp. Giám đốc Trung tâm cai nghiện số 7 Nguyễn Văn Hải cho biết: “Cơ sở chúng tôi có chức năng chính là cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Đầu tháng 6, chúng tôi đã hoàn thành khóa cai nghiện cho nhiều trường hợp dưới 18 tuổi, hiện chỉ còn một em. Ngoài điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, đơn vị hằng ngày tổ chức cho các học viên lao động trị liệu, giúp học viên “cuốn” vào công việc mà quên đi suy nghĩ tiêu cực, đổ mồ hôi để thải bớt các chất độc từ ma túy trong cơ thể. Trung tâm còn phối hợp các đối tác doanh nghiệp thu mua thành phẩm của học viên, tạo động lực và niềm vui, nâng cao nhận thức cho các em về giá trị của lao động”.

Em Mai Lê Bình (17 tuổi), quê ở Thanh Hóa, học viên duy nhất dưới 18 tuổi tại trung tâm số 7 chia sẻ: “Em bị công an phường Giảng Võ bắt khi đang tập sử dụng ma túy của người anh mang từ dưới quê lên. Sau khi vào cơ sở, em được các y, bác sĩ cắt cơn nghiện trong vòng 20 ngày và được chuyển xuống cùng phòng các anh học viên khác trong khu cai nghiện tự nguyện. Gia đình em mới đầu cũng rất sốc khi biết tin em dùng ma túy, nhưng hiện tại bố mẹ cũng động viên cố gắng bồi dưỡng sức khỏe. Các thầy và các học viên lớn tuổi ở trung tâm hay tâm sự, khuyên nhủ và cho em lao động vệ sinh nhẹ nhàng vì còn nhỏ tuổi. Hiện tại sức khỏe em đã ổn định. Hoàn thành nốt bốn tháng cai nghiện, em nhất định tránh xa ma túy và tiếp tục học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động tại Đức”.

Học viên vị thành niên giảm đáng kể 

Có nhiều điểm chung trong hoàn cảnh đưa đẩy trẻ dưới 18 tuổi tiếp xúc ma túy, đa phần từ gia đình có bố mẹ lục đục, ly hôn hoặc hoàn cảnh khó khăn, các em phải ra đời bươn trải từ sớm. Trong số 13 trường hợp dưới 18 tuổi hiện còn cai nghiện ở trung tâm số 2, hầu hết các em đều vì bất mãn, bức xúc chuyện gia đình mà tham gia những buổi tiệc tùng thâu đêm. Qua rủ rê của bạn bè, các em đã dùng nhiều loại ma túy như cần sa, ma túy đá, nấm thức thần… được bán online. “Trước đây, bố mẹ em bỏ nhau khiến em cảm thấy bức xúc, chán nản nên nghỉ học và bỏ nhà đi nhiều tháng. Năm ngoái, do bạn bè cùng lứa rủ rê nên em bắt đầu hút cần sa. Em để ý thấy các bạn hay mua cần sa, thậm chí cả ma túy trên mạng. Khi dùng cần sa, sức khỏe của em đi xuống và đầu óc hay quên. Biết chuyện, mẹ em báo công an và cho em lên trung tâm. Đến trung tâm, em được các thầy, các cô và y, bác sĩ chăm sóc, giúp đỡ rất nhiều. Trong quá trình cai nghiện, em hiểu ra rằng ma túy đã làm hại đến gia đình và sức khỏe của mình. Mong các bạn trẻ khác đừng lặp lại những sai lầm như của chúng em”, em Vũ Thị Thu Trang (16 tuổi) ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bày tỏ. 

Lượng học viên dưới 18 tuổi hoàn thành khóa sáu tháng - 1 năm tại các trung tâm cai nghiện giảm đi là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy tính hiệu quả trong việc cắt cơn, hồi phục sức khỏe cho học viên cũng như số lượng tái nghiện của trẻ vị thành niên đã giảm khi về cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn một thực tế đáng lo ngại là các gia đình thường giấu giếm, né tránh, không cho đi hoặc đưa con em đến các trung tâm cai nghiện quá muộn. “Những trường hợp này thường do bậc phụ huynh dành quá nhiều tình thương, yêu chiều mà xót xa, không nỡ để con đi cai nghiện. Chúng tôi đã thành lập các tổ tư vấn cộng đồng, đến tận các xã, phường, tới từng gia đình có con nghiện ma túy. Việc không tự nguyện cai nghiện để lâu sẽ ảnh hưởng nặng nề sức khỏe các em vì ma túy là hóa chất tàn phá cơ thể. Chúng tôi làm rõ để các bậc phụ huynh thấy, các trung tâm cai nghiện là nơi thích hợp, đầy đủ điều kiện nhất để cắt cơn, hồi phục sức khỏe và ổn định tâm sinh lý cho các em và bắt buộc phải làm càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.