Mong mùa hoa bội thu

Tết Nhâm Dần đã cận kề, nhiều người dân tại làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại thấp thỏm, lo lắng cho vụ hoa nhà mình bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Người trồng hoa nóng lòng mong bán được nhiều, bù lại thiệt hại trong năm do dịch bệnh.
Người trồng hoa nóng lòng mong bán được nhiều, bù lại thiệt hại trong năm do dịch bệnh.

Giảm sản lượng, hoa tăng giá 

Làng hoa Tây Tựu là một trong những “vựa hoa” lớn nhất miền bắc. Làng này cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh, thành phố miền bắc. Dịch bệnh đã khiến ngành nghề này lao đao, so năm ngoái, sản lượng hoa phục vụ Tết năm nay đã giảm rất nhiều. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tám trồng hoa ở Tây Tựu, cho biết, năm nay chỉ trồng bốn sào các loại, không dám trồng nhiều như những năm trước. Riêng trong năm ngoái, từ vụ Tết đến tháng 8 đã phải cắt bỏ đi 5 sào cúc và 2 sào ly, trung bình 11 triệu đồng/sào tiền hạt giống, chưa kể công chăm,… “Đầu ra bấp bênh nên chúng tôi không dám trồng nhiều nữa”, ông Tám bộc bạch.

Tương tự, năm nay gia đình ông Lê Anh Hải chỉ trồng 3 sào ly. Vào năm ngoái gia đình nhà ông đã mất trắng hơn 250 triệu đồng. Đợt Tết Dương lịch vừa rồi cũng không gỡ gạc được mấy vì tâm lý lo sợ, nhà ông chỉ trồng có 2 sào cúc phục vụ Tết Dương lịch. Vì vậy, ông Tám, ông Hải cũng như nhiều hộ trồng hoa ở đây vẫn thấp thỏm, lo lắng.  

Theo khảo sát, trung bình các hộ gia đình trồng hoa tại đây đã giảm sản lượng đi gần một nửa so mọi năm, chính vì vậy giá hoa năm nay có thể sẽ cao hơn nhiều. Dự kiến, giá hoa cúc tùy loại dao động từ 4.000 - 8.000 đồng/bông. Với hoa hồng đẹp, giá dao động từ 4.000 - 9.000 đồng/bông. Hoa ly bó 5 cành có giá từ 150.000 - 180.000 đồng,… 

Bên cạnh sản lượng ít, giá vật tư, nhân công, phân bón… cũng là nguyên nhân khiến giá hoa tăng. “Số lượng ít đi mình sẽ tập trung vào chất lượng, chăm bón kỹ càng hơn, lựa chọn những loại phân bón tốt hơn, nếu thế thì chúng tôi mới có lãi”, ông Tám nói. Mọi hy vọng được những người nông dân tại đây dồn cả vào Tết Âm lịch. 

Lo ngại dịch bệnh 

Hầu hết người dân Tây Tựu lo lắng về “đầu ra” của sản phẩm, bởi dịch bệnh đang phức tạp, việc giãn cách xã hội, cách ly phong tỏa tạm thời ảnh hưởng đến việc lưu thông, các chợ hoa phải đóng cửa... Hơn nữa, nhu cầu mua sắm các loại hoa, cây cảnh của các gia đình có thể sẽ giảm so mọi năm do kinh tế và nhu cầu cũng suy giảm do dịch bệnh.  

Theo ông Tám, mặc dù lo lắng nhưng một phần là nghề, một phần miếng cơm chính của cả gia đình nên dù thế nào vẫn phải làm, không thể từ bỏ vụ hoa Tết. Tại các vườn hoa hiện nay, thời tiết những ngày cuối năm rất thuận lợi, bà con bắt đầu tuốt lá, tỉa bớt nụ, kiểm tra cây hằng ngày. Những bông hoa nở sớm được cắt để bán trước. Những cây nụ mới để dành phục vụ Tết Nguyên đán. Để cho ra những sản phẩm hoàn hảo nhất phục vụ nhân dân, hầu hết các ruộng hoa tại làng Tây Tựu cũng đã được trồng trong nhà lưới. Từ đầu tháng Chạp tới nay, các mối buôn đã bắt đầu về liên hệ để đặt hàng nhiều hơn, nếu mọi sự thuận lợi, vụ này gia đình ông sẽ thu được khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Bên cạnh những gia đình giảm sản lượng trồng hoa, nhiều hộ cũng đã phải chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập và hạn chế rủi ro trong mùa dịch. Một số loại hoa không thể bảo quản như hoa cúc vàng, hoa hồng đã phải cắt bỏ, chất đống ngay ven đường thì nhiều hộ đã chuyển sang trồng ly mặc dù tiền giống cao và mất công hơn nhưng lại bảo quản được. Hoặc hoa đồng tiền vì hoa nở và cắt bán liên tục. Nhiều hộ khác thì trồng rau đan xen để bớt nhân công và chi phí.

Qua nhiều năm kinh nghiệm cũng như đã qua nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa… của chính quyền địa phương, người nông dân không còn lo ngại về thời tiết khá phức tạp ở Hà Nội nên có thể tự tính việc hoa nở đúng thời điểm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thay vì trồng hai vụ như trước đây, hiện nay người dân Tây Tựu đã có thể trồng hoa cả bốn mùa và có hoa bán quanh năm. 

Phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) là vùng trồng hoa lớn của thành phố. Diện tích canh tác sản xuất trồng hoa, rau được mở rộng 723,4 ha, trong đó 435 ha thuê ngoài, 284,9 ha trồng hoa là đất địa phương, 3,5 ha trồng rau các loại. Doanh thu sản xuất hoa Tây Tựu hằng năm đạt khoảng 150 tỷ đồng.