Mở lối vững vàng vượt qua đại dịch

Kinh tế là sinh kế của người dân. Không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sinh kế, thu nhập của người dân, hạn chế nguồn lực phòng, chống dịch của cả nước. Do đó, dù đặt quyết tâm chống dịch trên tinh thần tất cả vì sức khỏe, sinh mệnh của nhân dân lên hàng đầu, song Việt Nam không chỉ cần vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn bảo đảm duy trì hoạt động SXKD để có đủ nguồn lực mở lối vững vàng nhằm vượt qua đại dịch.

Bảo đảm công tác phòng dịch, nhiều nhà máy ở Bắc Giang duy trì ổn định sản xuất. Ảnh: GIANG ĐÔNG
Bảo đảm công tác phòng dịch, nhiều nhà máy ở Bắc Giang duy trì ổn định sản xuất. Ảnh: GIANG ĐÔNG

Ảnh hưởng của Covid-19

Diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh kinh tế trong bảy tháng đầu năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, đã có 8.740 DN được thành lập mới trong tháng 7/2021 với số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng, giảm 22,8% về số DN, giảm 25,3% về vốn đăng ký so tháng 6/2021. Đây được xem là mức giảm đáng kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát và ngày càng phức tạp với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Đặc biệt, số DN tạm ngừng SXKD có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng cao so cùng kỳ năm 2020, với 79.700 DN. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút khỏi thị trường.

Cũng theo cơ quan này, sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và bảy tháng năm nay đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong bảy tháng qua. Tháng 7/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố trọng điểm phía nam, dù một số khu công nghiệp (KCN) đã quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh với nhiều phương án để duy trì hoạt động SXKD, song cũng đã khiến IIP của nhiều địa phương khu vực này giảm khá mạnh so cùng kỳ, như: TP Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%...

Trong khi đó ở phía bắc, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch bệnh và hoạt động SXKD trong các KCN dần hồi phục. Song chỉ số IIP của hai tỉnh này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.

Cập nhật một số thông tin về thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu NSNN từ đầu năm tới thời điểm ngày 15/7 ước đạt 819.400 tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm. Về chi ngân sách, tổng chi NSNN ước đạt 757.500 tỷ đồng, bằng 44,9% dự toán năm. Sau bảy tháng, ước tính NSNN hiện bội thu khoảng gần… 62.000 tỷ đồng. 

Thế nhưng, nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra như hiện nay nhưng thu NSNN vẫn tăng mạnh thì cần đặt ra dấu hỏi lớn. Số tăng thu NS đạt được trong bảy tháng đầu năm lại không phải từ hoạt động SXKD mà chủ yếu ở những nguồn thu không bền vững khác như: chứng khoán, bất động sản... Do đó chúng ta cần nhìn nhận và cân đối lại nguồn thu NS trong những tháng cuối năm 2021.

Nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp “lọt lưới” hỗ trợ

Thực tế, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ tư với diễn biến phức tạp đã khiến nhiều DN trong tình trạng nợ nần, thậm chí “chết lâm sàng”, dừng hoạt động. Thấu hiểu, chia sẻ với cộng đồng DN và cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn. 

Về nguồn vốn, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 68 (NQ 68) về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động có giá trị 26.000 tỷ đồng với 12 nhóm chính sách, hướng tới DN và NLĐ. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước đó, gói hỗ trợ lần này đã cắt giảm đến hai phần ba các thủ tục hành chính (TTHC) để DN có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, DN vẫn phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đây chính là lý do mà một số DN không thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này.

Theo ông Lê Hoàng Minh, chủ một DN thương mại tại Hà Nội, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, có rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, rất nhiều DN, trong đó có DN của tôi, đã phải hoạt động cầm chừng rồi dừng hoạt động, có đến 85% lao động đã nghỉ việc, số còn lại làm việc cầm chừng, luân phiên.

Liên quan đến những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay theo NQ 68, ông Lê Hoàng Minh buồn bã, do gặp rất nhiều khó khăn từ đợt dịch lần trước, gần như toàn bộ nguồn tiền tích lũy đã cạn kiệt từ lâu, phải vay vốn để trả lương và duy trì hoạt động SXKD nên hiện nay DN vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng. Với tiêu chí “cứng” đưa ra trong gói 26.000 tỷ đồng, DN của tôi chắc chắn không thể tiếp cận!

Trên thực tế, DN không có nợ xấu là con số hiếm hoi. Bởi trong suốt thời gian dài bị dịch bệnh hoành hành, sức khỏe của phần lớn các DN, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ đã kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới nên tiêu chí này thật sự không có tính khả thi đối với các DN.

Dù đã cắt giảm nhiều điều kiện, thủ tục thụ hưởng ở lần hỗ trợ này nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để tránh lặp lại tình trạng như gói hỗ trợ trước đó, cần thiết tiếp tục cắt giảm thêm một số điều kiện cho vay, cũng như cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân tới DN nhanh nhất. Ở gói hỗ trợ lần này, điều kiện các DN không được có nợ xấu của ngân hàng là “bậc cửa” quá cao đối với các DN. 

Chủ động thích ứng khó khăn để tồn tại

Mới tổ chức sản xuất trở lại được khoảng hơn hai tháng, sau thời gian DN buộc phải tạm dừng để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, Công ty CP TCT May Bắc Giang (BGG) đang đẩy nhanh tối đa tiến độ sản xuất để bảo đảm thời gian giao hàng. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc trong khâu vận chuyển cả hàng đi và hàng đến đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch của DN, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất hiện hữu, DN khó mà cầm cự. Vấn đề quan tâm nhất của DN lúc này là làm sao duy trì tồn tại, đợi dịch bệnh qua đi.

Thực tế, từ năm 2020 trở về trước, các DN có thể dự báo được xu hướng của thế giới và đưa ra kế hoạch SXKD sáu tháng hay một năm. Nhưng đại dịch Covid-19 xảy ra, DN rất khó khăn để xây dựng một kế hoạch cụ thể. Tất cả các DN đều khó khăn, vấn đề là làm thế nào để xây dựng kế hoạch mang tính bền vững. 

Giám đốc Tài chính Vinamilk Lê Thành Liêm chia sẻ, dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải thay đổi. DN chỉ dám xây dựng kế hoạch trong ba tháng và thường xuyên phải cập nhật. Vinamilk đã có những quyết định thay đổi, thí dụ như kế hoạch đầu tư để tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho… Chuỗi cung ứng hiện tại của Vinamilk dựa vào công nghệ thông tin để có thể vận hành kết nối từ khâu đầu là mua sắm nguyên vật liệu tới khâu đưa sản phẩm đến tay người dùng.

DN chia sẻ với tình hình nguồn lực của Chính phủ còn nhiều hạn chế hơn các quốc gia khác và khó có thể triển khai mọi gói hỗ trợ cho tất cả các đối tượng một cách nhanh chóng. Điều các DN mong mỏi nhất là việc cải cách TTHC, thực hiện nhanh chóng Chính phủ điện tử, rút ngắn, hiện đại hóa các TTHC trong phê duyệt, cấp phép, đầu tư, báo cáo…

Theo ông Lê Thanh Liêm, trong bối cảnh này, điều chúng tôi lo lắng nhất là sức khỏe của đội ngũ NLĐ để hoạt động SXKD mới có thể bảo đảm không bị gián đoạn. Tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp hơn, DN xác định, việc duy trì sự ổn định cho hoạt động SXKD, chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, cổ đông, nhà cung cấp là cách duy nhất để DN tiến về phía trước. 

(Còn nữa)

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Bệnh dịch tác động rất lớn, rất rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta cùng tận sức chống dịch, nhưng cũng phải tận lực hỗ trợ các hoạt động kinh tế của người dân, DN. Bởi kinh tế là sinh kế của người dân. Không duy trì được hoạt động SXKD là tước đi sinh kế, thu nhập của người dân, hạn chế nguồn lực phòng, chống dịch của cả nước.