Lên hương cà-phê Tây Bắc

Nghe chúng tôi đề nghị thăm vườn cà-phê, ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đáp ngay: “Để mình đưa các bạn đi, mùa này các vườn cà-phê đang vui như hội!”.

Nông dân từ huyện Tủa Chùa tìm về huyện Mường Ảng trong mùa thu hái cà-phê.
Nông dân từ huyện Tủa Chùa tìm về huyện Mường Ảng trong mùa thu hái cà-phê.

Như vàng, như bạc

Trên đường đi thăm vườn cà-phê ở thị trấn và hai xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang, chúng tôi gặp từng tốp hàng chục người với lỉnh kỉnh những túi, những bao bên sườn. Ông nói khẽ, bà con là người dân tộc H’Mông, Thái, Dao ở các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo và Thuận Châu (Sơn La) về đây hái thuê cà-phê. Những ngày chính vụ, cà-phê chín rộ nên nhân công bao nhiêu cũng không đủ, các chủ vườn phải tăng công hái từ 2.000 đồng/kg quả tươi lên 2.200 đồng, thậm chí đến 2.500 đồng/kg để giữ người thu hái. Nhiều chủ vườn hào phóng thuê cả nơi ở cho người hái quả mà chẳng đắn đo gì vì cà-phê vụ này… được nhiều quá! 

Trời thương cho khí hậu thuận hòa, năm nay vườn cà-phê khắp các xã Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao, Mường Đăng, Ngối Cáy và thị trấn Mường Ảng đều trĩu quả nặng cành. Giá còn tăng gấp đôi, gấp ba năm trước. Nhiều ngày giá còn tăng theo… giờ. Còn như lời chị Tống Thị Yến, chủ vườn cà-phê ở Ẳng Nưa thì “cà-phê mùa này quý như vàng, nhân công thu hái hiếm như bạc”!

Trên đường nhỏ dẫn vào vườn cà-phê dưới chân đèo Tằng Quái, ông Hoàng không tiến về phía có tiếng người đang chuyện trò rôm rả mà men theo lối mòn đến mỏm đá sừng sững nơi góc vườn. Đứng ở đó, nhìn khắp cả thung lũng Mường Khoe, rõ từng nương ngô, nương lúa xen giữa những triền đồi xanh thẫm cà-phê. Chỉ về vách núi dưới chân đèo, ông Hoàng rành rọt nhắc từng thông số địa chất, độ cao phù hợp cho việc trồng, chăm sóc, thu hái cà-phê. Và ông bảo, vườn này dù được khuyến cáo không nên trồng cà-phê vì độ dốc quá lớn nhưng người dân không nghe, bởi thời điểm ấy người ta chỉ mong trồng bằng được. 

Ngấm đủ đắng cay thì lên hương

“Thời điểm ấy” mà ông Hoàng nhắc đến chính là quãng năm 2009 và 2010, người từ khắp nơi đổ về săn đất trồng cà-phê khiến diện tích trồng mới của huyện nghèo tăng hàng nghìn ha. Chỉ sau 5 năm phát triển “nóng”, diện tích cà-phê Mường Ảng đã tăng từ 388 ha (năm 2007) lên gần 3.200 ha (năm 2012). Trong khi diện tích trồng mới chưa được thu hái, nhiều gia đình đã tính chặt bỏ các loại cây ăn quả để thêm đất trồng cà-phê. Suốt mấy năm liền người ta “quay cuồng” trong “bão”, và khi cà-phê đến kỳ thu hoạch thì niềm hy vọng lại rơi rụng theo mùa. Năm nào cũng thế, trong cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hay khi được giá lại là khi mất mùa, người ta vơi hết niềm hy vọng từng gửi gắm vào loài cây được mệnh danh loài cây cứu cánh, “cây làm giàu”. 

5 năm liền luẩn quẩn, cực chẳng đã, rất nhiều gia đình trồng đành chặt cà-phê đi trồng cây khác. Cây cà-phê ở Mường Ảng lại chung số phận nhiều loài cây như mắc-ten, thông, dổi… từng có thời được nâng niu, ngợi ca. Hai năm liền, 2014 và 2015, hàng trăm ha cây cà-phê bị chặt phá. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện (khi ấy là Phó Chủ tịch) vẫn nhớ như in những ngày cuối năm 2015, vật vã vì cây cà-phê. Nói thì đơn giản chứ vào việc rất khó khăn. Vận động nhân dân không phá cà-phê thì trả lời thế nào câu hỏi “Giữ cây cà-phê dân sống bằng gì?”. Cà-phê không phải như ngô, sắn, không thể ăn cà-phê thay cơm, trâu, bò cũng không thể ăn cà-phê thay ngô… 

Bàn bạc nát nước, cuối cùng anh em trong huyện cũng tìm được cách giải. Giao nhiệm vụ nông nghiệp, khuyến nông phải tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái để năng suất không phụ thuộc thời tiết và chất lượng quả hái đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thu mua. Huyện cũng đề nghị ngân hàng chính sách ưu tiên cho các hộ trồng cà-phê vay trong thời gian dài hơn, tránh để bà con vì hạn nợ mà bán tống bán tháo hoặc bán quả non khi chưa vào mùa. Với nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyên về sản xuất, chế biến cà-phê, huyện thường xuyên gặp gỡ, thông tin chính sách hỗ trợ, cam kết tạo thuận lợi tối đa về thủ tục, chính sách để họ yên tâm đầu tư lâu dài. 

Dần dần người trồng cà-phê Mường Ảng có niềm tin trở lại. Nhà đầu tư cũng thôi “ngoảnh mặt”. Và hôm nay, trong khi người dân nơi khác đang từng ngày lo thất nghiệp, kiếm từng đồng trang trải qua ngày vì ảnh hưởng dịch Covid, thì ở đây mỗi ngày có gần 700 lao động mải miết làm không hết việc. Chủ vườn cân quả, trả tiền công người hái đã hết ngày. “Vui, vui lắm! Mức giá hiện tại hơn 13 nghìn đồng/kg quả tươi) thì mỗi ha cà-phê được cầm chắc 600 triệu đồng”, chị Tống Thị Yến khoe.

Đợi ly cà-phê đủ ngấm, ông Hiệp mới nói như trải lòng. Giải nghĩa “Mường Ảng” theo tiếng quan hỏa nghĩa là Mường Khoe, ông Hiệp thủng thẳng: Vậy mà mấy chục năm rồi có gì tự hào để khoe đâu! Trước, nhiều cây khác cũng chung số phận trồng rồi phá. Hôm nay, qua đoạn trường đắng cay thì không chỉ người trồng cà-phê, mà cả nhà doanh nghiệp và nhà quản lý đều hiểu, để cây cà-phê “lên hương” thì ở đây, với loại cây này, rất cần sự hợp sức và tấm lòng của những con người canh cánh nỗi lo miếng cơm manh áo, mong cho cuộc sống của người dân bớt nhọc nhằn.

“Nhìn cảnh bà con chặt cây, chúng tôi buồn lòng lắm! Đắng đót trong lòng mà không thể chia sẻ. Vì người trồng cà-phê không những không gặp mà còn chẳng bắt lời khi chúng tôi về từng vườn, xin bà con đừng phá”, ông Hoàng khẽ nhớ.