Làng Vân ngày ấy... bây giờ

Dưới chân đèo Hải Vân, cách thành phố Đà Nẵng 20km, một ngôi làng được biết đến với quá khứ đau thương và khốn khổ: Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Đây không chỉ đã từng là nơi nương náu của biết bao thân phận “trời đày”, mà còn là chốn mưu sinh cho ngư dân bám biển.

Ngư dân từng mắc bệnh cùi đang gỡ cá.
Ngư dân từng mắc bệnh cùi đang gỡ cá.

Ký ức buồn

Làng Hòa Vân hay làng Vân còn được biết đến với tên gọi khác là làng cùi, từng đau đáu khôn nguôi về căn bệnh phong (cùi, hủi). 

Trong quá khứ, làng Vân là một khu biệt lập với đất tiền và là chốn dung thân cuối cùng của những con người mắc bệnh phong. Vì thế, mới biết căn bệnh cùi vô hình như một bức tường ngăn cách giữa thế giới bên ngoài đèo Hải Vân.

Hành trình đến với làng Vân thật không dễ dàng. Men theo con đường mòn ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với những dốc núi cheo leo, làng Vân hiện ra với nét nguyên sơ và bình dị. Không ai biết đằng sau sự yên ả đó lại ẩn giấu nỗi đau thấu trời.

Khi được hỏi về chuyện trong quá khứ, tất cả mọi người đều chỉ tay về phía hai người đàn ông mắc bệnh cùi đang loay hoay kéo lưới vào bờ. Nhưng khi đến và tiếp xúc với họ, câu trả lời nhận được là sự im bặt cùng cái lắc đầu, xua tay. Bà Hồ Thị Hoa (tên thường gọi là Him), bán tạp hóa tại làng Vân tâm sự: “Nhắc đến làm gì? Chỉ buồn thêm! Tuy là dân gốc làng Vân nhưng vào năm 2011, tôi và gia đình cũng di dân theo chính sách vào sống tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Nghe cha ông kể lại, làng Vân ngày đó bị mọi người kỳ thị. Người nào mắc bệnh, tay chân bị cùi hết, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. Nói về chuyện con cái cũng ứa nước mắt. Đau thương lắm!”.

Có thể nói, làng Vân lúc ấy như tấm phao cứu sinh cho những bệnh nhân cùi khỏi sự kỳ thị và hắt hủi của người đời. Không chỉ vậy, với họ, làng Vân là hy vọng, chốn ở cuối cùng để họ được sống như bao người khác và là nơi nuôi dưỡng khát khao vươn mình bám biển mưu sinh. Bà Him chia sẻ thêm: “Vì cách biệt với đất liền, nên hồi trước có rất nhiều người bị bệnh phong tập trung về đây sống. Thậm chí, Nhà nước còn xây bệnh viện để họ yên tâm ở lại chữa trị. Cuộc sống cũng khó khăn, người dân làng Vân sống được nhờ nghề biển, đánh bắt có gì thì ăn nấy”.

Những yêu thương còn lại

Làng Vân bây giờ đã khỏi bệnh. Những người dân còn sống ở đây chỉ là dân tạm trú. Ông Bùi Tấn Trương (59 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Tôi đến đây làm rồi tầm hai ngày về thăm nhà một lần, có khi được mùa cá thì ở lại cả tháng mới về. Ăn uống tạm bợ qua ngày”. 

Cuộc sống mưu sinh trên biển chưa bao giờ là dễ dàng. Khi các ngư dân phải chạy đua với thời tiết khắc nghiệt để mưu sinh kiếm sống. Ông Bùi Tấn Trung (61 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), ngư dân tạm trú, chia sẻ: “Biển càng động thì thu nhập càng cao. Còn những ngày nắng, sóng yên biển lặng thì chẳng làm được bao nhiêu”. 

Dịch Covid-19 cũng làm cho cuộc sống của họ gặp phải muôn vàn khó khăn. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các ngư dân không ra ngoài được nên không có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Không những thế, ngư dân tạm trú không phải là đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh. 

Những tháng đầu năm 2022, xăng bắt đầu tăng giá. Lại một lần nữa, các ngư dân đứng ngồi không yên khi nhìn thấy số tiền dầu mỗi chuyến mỗi tăng. Mưu sinh bình thường đã khó khăn, nay vì giá nhiên liệu tăng, ngư dân càng thêm túng quẫn. Ông Bùi Tấn Trương chia sẻ: “Ngày thường, tôi đi biển chỉ tốn 100 nghìn đồng tiền dầu. Nay, phải mất gần 200 nghìn mới đi đủ chuyến biển”.

Không chỉ gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, những ngư dân ở làng Vân còn phải chật vật trong những chuyến đánh bắt do nguồn lợi thủy sản thu về không nhiều. Ông Bùi Tấn Trung cho biết: “Mọi năm cứ vào tháng 7 âm lịch nước lên, cá tôm rất nhiều, có ngày kiếm được hẳn bạc triệu. Nhưng năm nay tôi thả năm tấm lưới bạc và ba tấm lưới lừ mà chỉ thu về được 3-4kg hải sản. Chưa bao giờ tôi thấy cá tôm khan hiếm như năm nay”.

Dù là thế nhưng ngư dân ở đây vẫn chỉ mong mỏi một điều giản đơn. Mỗi ngày đi biển có cá mang về, thì khó khăn đến mấy cũng chấp nhận được. Động lực kiếm kế sinh nhai đã thôi thúc họ bám biển ngày đêm mà không nề hà hiểm nguy. Có lẽ vì thế mà nơi này dường như được thiên nhiên ưu ái hơn. Ông Bùi Tấn Trương cho hay: “Những ngày trời trở gió tầm tháng 7 trở đi, tôi càng phải tranh thủ làm việc nhiều hơn. Vì ở đây biển ít sóng, vắng gió, êm hơn so với những vùng biển khác, đi đánh bắt vào mùa đông tôi cũng yên tâm hơn”.

Bây giờ, làng Vân có khoảng 20 người dân tạm trú sinh sống. Họ là những người lao động nghèo với công việc bán tạp hóa, làm lưới lừ, đánh cá và gắn bó với mảnh đất này từ lúc còn trẻ cho đến khi tóc đã lốm đốm chấm bạc. Ông Trung tâm sự: “Có những người rời làng đi vì muốn có điều kiện sống tốt hơn cho con cháu của họ. Nhưng tôi quyết định ở lại và gắn bó với làng Vân, vì đây là mảnh đất mưu sinh của cả gia đình”.

Sau 10 năm, người dân làng Vân thực hiện cuộc di dời lịch sử, chuyển vào sinh sống hòa nhập với dân cư, thuộc tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng), họ đã có một cuộc sống khác. Phó ban Công tác Mặt trận tổ 9 phường Hòa Hiệp Bắc- Đỗ Ngọc Ái cho biết, vào các dịp lễ, Tết, người dân tổ 9 luôn nhận được quà động viên, chia sẻ của chính quyền và cộng đồng chung quanh. Con cháu làng Vân khi vào nơi ở mới có điều kiện để học tập, trưởng thành, nhiều cháu đã là giáo viên, kỹ sư, cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của phường, quận. Nhiều cháu đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố…