Khuyến khích tham gia chính sách an sinh

Theo quy định, nếu lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất là 279.000 đồng/tháng thì tổng số tiền đóng bảo hiểm xã hội trong vòng 20 năm (được Nhà nước hỗ trợ trong vòng 10 năm) là 75,2 triệu đồng. Dự kiến, người tham gia có thể hưởng chế độ hưu trí trong 20 năm. Nam giới có thể hưởng 622 triệu đồng, nữ giới gần 739 triệu đồng bao gồm lương hưu hằng tháng, bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám, chữa bệnh và trợ cấp tử tuất. 

Phát tờ rơi vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tại Nam Định. Ảnh: TTXVN
Phát tờ rơi vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tại Nam Định. Ảnh: TTXVN

Chỗ dựa tuổi già

Đến Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy (Hà Nội) nộp hồ sơ đề nghị nhận bảo hiểm xã hội một lần, song được cán bộ bảo hiểm xã hội quận phân tích rõ thiệt hơn nếu rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, nên anh Nguyễn Văn Mạnh (đầu bếp nhà hàng, trú tại phường Quan Hoa) đã quyết định tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến nay, anh Mạnh đã tham gia được nửa năm với mức đóng 754.000 đồng/tháng. Không những vậy, từ nhận thức bản thân, anh Mạnh đã vận động được một người bạn của mình từ bỏ ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần để tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

“Tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội được 15 năm, nên khi nghỉ việc tôi đã nghĩ đến việc nhận một lần để có tiền kinh doanh. Được cán bộ bảo hiểm xã hội quận giải thích, tôi nhanh chóng quyết định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này hưởng lương hưu. Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội rất nhanh chóng, hình thức nộp qua chuyển khoản ngân hàng rất tiện”, anh Mạnh chia sẻ.

Từ năm 2008, khi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt đầu được triển khai, ông Vũ Văn Liêm (xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đã vận động vợ và anh em trong gia đình cùng tham gia. Ông Liêm luôn xác định rõ, đây sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp ông yên tâm hơn khi về già cũng như những lúc ốm đau, bệnh tật. Bản thân ông Liêm hằng ngày chứng kiến bố mẹ mình có lương hưu nên tâm lý lúc nào cũng thoải mái, chủ động kinh tế để lo cuộc sống, thế nên vợ chồng ông cũng mong muốn có lương hưu như bố mẹ và quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện suốt 12 năm qua.

“Tôi mừng nhất là khi đến tuổi về hưu có lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí. Với mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, nhà tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong 20-30 năm nữa cũng là số tiền không nhỏ”, ông Liêm chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Ngọc Lan (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cũng vừa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có lương hưu như chồng. Chị Lan kể, chồng chị là công nhân nên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn chị ở nhà làm nội trợ nên chi tiêu sinh hoạt chủ yếu trông vào tiền lương của chồng. Anh chị có hai con đang tuổi ăn học, kinh tế không khá giả gì, nhưng khi được cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền, giải thích, chị Lan ưng ngay và quyết định tham gia với mức đóng 1 triệu đồng/tháng. “Tôi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có lương như chồng và cũng muốn tất cả thành viên trong gia đình đều được lĩnh lương hưu lúc về già”, chị Lan nói.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, với những ưu điểm của chính sách này cùng sự vào cuộc tích cực của ngành bảo hiểm xã hội và các cơ quan hữu quan, ngày càng có nhiều người dân tin tưởng tham gia, nhất là lực lượng lao động trẻ.

Vốn là lái xe du lịch ở Hà Nội, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh Nguyễn Văn Quý (35 tuổi, trú tại huyện Đông Anh) phải “nằm nhà” hơn hai năm. Cách đây ít ngày, anh Quý đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng 550.000 đồng/tháng. “Thời gian ở nhà do dịch bệnh, nghĩ đến lúc về già, hằng tháng cần một khoản tiền, tôi đã tìm hiểu và quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có cuốn sổ hưu. Cuốn sổ hưu sẽ mang lại cho tôi tâm lý tự tin, yên tâm vì bản thân tự lo được cuộc sống của mình, không sợ phụ thuộc con cái, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, anh Quý chia sẻ.

Bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả cho khoảng gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng). Điều này cho thấy lương hưu là mức thu nhập ổn định, có thể bảo đảm cuộc sống cho người hưởng.

Có thể thấy, mức lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống người hưởng. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong hai năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu vẫn thuộc các trường hợp thấp lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng).

Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình). Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Không những thế, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.

Khuyến khích tham gia chính sách an sinh -0
Nhân viên bảo hiểm xã hội tư vấn cho người dân tại điểm tư vấn lưu động trụ sở UBND phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Nguy cơ lọt lưới an sinh

Cuộc mưu sinh của người dân trong và sau dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn, không chỉ riêng vấn đề an sinh xã hội trước mắt mà cả lâu dài. Đơn cử, tại xã Thiện Mỹ (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), trong tháng 1/2022 có hơn 1.300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến thời điểm tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 1, chỉ hơn 800 người tiếp tục bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế địa phương này, có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng lao động phi chính thức “rời lưới an sinh” nơi đây là tài chính hộ gia đình khó khăn và mức đóng tăng.

Chị Đ.T.X (trú ấp Mỹ Phó, xã Thiện Mỹ) là một người rất ủng hộ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vì nó giúp người tham gia được hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy, dù mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, thuộc diện hộ nghèo, song chị vẫn tằn tiện thu nhập ít ỏi để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mức tham gia thấp nhất là 700.000 đồng, mức đóng 107.800 đồng/tháng sau khi đã trừ hết các khoản hỗ trợ từ ngân sách). Nhưng mới đây, chị phải nhờ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạm chốt sổ để dốc toàn bộ thu nhập lo chuyện cơm áo gia đình, cùng học phí cho hai con đang tuổi đến trường. Trải lòng với nhân viên đại lý thu, chị X. nói, thời gian trước cả hai vợ chồng đều có thu nhập, nên ngoài chuyện cơm gạo trong nhà và con cái đi học, vẫn dành dụm được khoản nhỏ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhưng nay, chỉ còn mình anh giữ được thu nhập, nên phải ưu tiên đời sống trước mắt, khi nào hết khó thì mới có thể tiếp tục tham gia.

Với anh N.V.K (ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ), trước đó anh cũng hào hứng mong muốn vợ chồng đều có lương hưu khi hết tuổi lao động, nên đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thường nhật, vợ chồng anh K. làm phụ hồ ở các công trình xây dựng dân dụng để mưu sinh. Để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng với mức thấp nhất, vợ chồng anh K. phải dè xẻn chi tiêu, “liệu cơm gắp mắm” mới vun vén tạm ổn cuộc sống gia đình. Song, ngoài câu chuyện khó về việc làm ở thời điểm này, thì mức chuẩn hộ nghèo năm nay đã tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, khiến mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng cũng tăng từ 135.000 đồng/người lên 297.000 đồng/người/tháng. Đuối quá nên vợ chồng anh K. cũng nhờ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạm chốt sổ, dừng đóng, chờ thời gian tới thư thả túi tiền rồi tính tiếp.

Việc nhiều người lao động khu vực phi chính thức rời lưới an sinh, tạm dừng đóng, chốt sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện không chỉ xảy ra riêng lẻ tại xã Thiện Mỹ. Ghi nhận từ một số địa phương khác cho thấy, tình trạng này đang diễn ra, mà “tâm sóng” chính là hệ lụy từ Covid-19 và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện gia tăng. Theo phản ánh từ một số nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội ở các địa phương, qua phân tích thiệt hơn về việc mức tham gia nhiều hơn khi thụ hưởng lương hưu sẽ cao hơn, hầu hết người tham gia đều hiểu và đồng tình. Vì vậy, với người còn ổn định, giữ được mức thu nhập sau cao điểm dịch Covid-19, ở thời điểm này vẫn có thể tiếp tục tham gia. Riêng với người bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề, dù rất hiểu, rất đồng tình, nhưng “lực bất tòng tâm”, họ đành phải tạm dừng đóng. Bởi vậy, tình trạng người lao động tạm chốt sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện để qua thời gian khó khăn trong thời điểm này là phổ biến. “Hầu hết người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp nhất trước đó lấy căn cứ đóng là 700.000 đồng. Vì vậy, khi mức tham gia tăng lên, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó chồng khó, sụt giảm thu nhập gia đình, dù mức hỗ trợ có tăng...”, một nhân viên đại lý thu tiền bảo hiểm phản ánh thực tế.

Trong vòng ba năm trở lại đây, nhiều hình thức truyền thông từ vận động nhóm lớn, nhóm nhỏ, đến cả từng hộ gia đình, qua sự vào cuộc của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, bưu điện và mạng lưới chính quyền cấp cơ sở gần dân nhất, đã giúp người dân rõ hơn tầm quan trọng của lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế khi hết tuổi lao động.

Do nỗ lực truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nên cộng đồng dân cư đã biết rõ cá nhân mình, người thân của mình, dù không làm ở cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp... vẫn có thể hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế lúc về già. “Bởi vậy, không nhiều người chốt sổ để nhận lại tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lâu nay, mà chỉ tạm dừng, chốt lại để chờ có cơ hội sẽ tiếp tục tham gia. Rõ ràng là người dân đã và hết sức kỳ vọng tuổi già có lương hưu. Nhìn thấy người dân phải tạm dừng tham gia chính sách vì khó khăn, không khỏi cầm lòng”, một nhân viên đại lý thu ở xã Thiện Mỹ chia sẻ.

Trước vấn đề này, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ Bảo hiểm xã hội Việt Nam có kiến nghị: “Các địa phương, trong phạm vi của mình, trong phạm vi ngân sách của mình thì hỗ trợ thêm mức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm thế nào mà người dân đỡ mức đóng đi thì người dân có khả năng tham gia nhiều hơn”.

Khuyến khích tham gia chính sách an sinh -0
Cần tạo điều kiện cho những lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: VĂN HẢI

Nâng cao trách nhiệm người dân tham gia hệ thống an sinh

Công tác an sinh xã hội quốc gia với hai trụ cột chính là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi dịch Covid-19 hoành hành. Trong giai đoạn hiện nay, cao điểm dịch bệnh đã trôi qua, các gói hỗ trợ tài chính giúp hồi phục kinh tế đang được Chính phủ tích cực triển khai.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, thời gian qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn tất việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Lâu nay, ngân sách đã bố trí những khoản giảm trừ giúp người dân đóng tiền ít hơn khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là hình thức khuyến khích, động viên cộng đồng tham gia, chung tay thiết lập nền an sinh xã hội nước nhà. Ở thời điểm hiện nay, trước thực trạng rời lưới an sinh khi thu nhập sụt giảm, mức đóng gia tăng, việc tăng mức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng là cách hỗ trợ người dân thiết thực, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải tạm dừng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cả ba tầng trong chính sách bảo hiểm xã hội mà Nghị quyết 28-NQ/T.Ư đề cập đều rất có ý nghĩa. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân, không chỉ thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mở rộng cả chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhanh chóng đạt độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân (người lao động từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập đều tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội). Khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác là hết tuổi lao động, sẽ có lương hưu - đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chính sách này. “Có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng và Nhà nước, đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Quan điểm này thật sự rất đúng đắn”, ông Lợi khẳng định.

Trong lần cải cách này, chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được thiết kế rất linh hoạt. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội không nhất thiết phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mới được nghỉ hưu. Họ có thể tham gia 15 năm; và đến một lúc nào đó có thể giảm thời gian tham gia xuống còn 10 năm. Trong khi đó, chúng ta cũng đã điều chỉnh phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Điều này hết sức quan trọng, được coi là những điểm hết sức căn cơ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước muốn đẩy nhanh tốc độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

“Rõ ràng, các chính sách của Đảng và Nhà nước đặt ra như vậy có tính chất khuyến khích người lao động tham gia với một tinh thần trách nhiệm. Điều này góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Từ chỗ chỉ có đối tượng có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bây giờ mở rộng cho tất cả để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Qua chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Người dân cũng phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Nói cách khác, đó chính là góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân đối với việc tham gia hệ thống an sinh xã hội, từ đó bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động”, ông Lợi nói.

Đến hết tháng 5/2022, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước là hơn 16,7 triệu người, đạt 33,81 lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 507.000 người so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,4 triệu người và tăng hơn 376.000 người so cùng kỳ năm 2021; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,3 triệu người, tăng 130.734 người so cùng kỳ năm. Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 86,2 triệu người và đạt 87,15% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong thời gian qua, bảo hiểm xã hội các địa phương thuộc Cụm thi đua số 7 (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) gồm bảo hiểm xã hội chín địa phương Tây Nam Bộ: Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, đã có nhiều sáng tạo, phát huy các mô hình, cách làm hay như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập mô hình “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình”, mô hình “Hùn vốn mua thẻ bảo hiểm y tế”, mô hình “Biến rác mua thẻ bảo hiểm y tế “ tại các xã, phường, thị trấn đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Các mô hình xã hội hóa đã vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức tổ, nhóm nhỏ đến trực tiếp vận động tại hộ gia đình là một trong những giải pháp mang tính hiệu quả cao và phù hợp với tình hình của địa phương…

Theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/T.Ư, việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện, không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến người nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là “khoảng trống” vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.