Khởi động mùa tuyển sinh năm 2022

Mùa tuyển sinh năm 2022 đã bắt đầu nóng lên. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo cũng như xác định phương thức tuyển sinh như: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Dự kiến, cuộc đua tuyển sinh sẽ khốc liệt hơn đang chờ ở phía trước.

Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2022 dự kiến sẽ gia tăng áp lực cho các thí sinh. Ảnh: TTXVN
Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2022 dự kiến sẽ gia tăng áp lực cho các thí sinh. Ảnh: TTXVN

Mở thêm nhiều ngành mới để cạnh tranh

Hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Trước sức ép cạnh tranh, nhiều trường có xu hướng mở thêm các ngành học mới. 

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu nhân lực ngành y rất lớn. Xuất phát từ thực tiễn khách quan, nhiều cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe đã dự kiến mở mới một số ngành và tăng chỉ tiêu xét tuyển. Dự kiến năm 2022, Trường đại học Y Hà Nội mở thêm ngành cử nhân Phục hồi chức năng; chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến tăng 5% so năm 2021. 

Trường đại học Y tế công cộng dự kiến phương án tuyển sinh cho các ngành, hệ năm 2022 gồm: Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng chỉ tiêu tuyển sinh 20% so năm 2021; Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng tăng 10% so năm ngoái. Đặc biệt, trong năm 2022, trường mở thêm mã ngành Khoa học dữ liệu. 

Trường đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp và chương trình Kinh doanh số. 

Năm nay, trường khối kỹ thuật cũng tuyển sinh thêm ngành kinh tế. Như Trường đại học Thủy lợi mở thêm sáu ngành đào tạo kinh tế và công nghệ thông tin. Chỉ tiêu cũng tăng đáng kể so năm ngoái. TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Thủy lợi cho biết: “Tất cả những ngành mà nhà trường đang mở mới là vừa bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ nhưng vẫn phục vụ tốt những lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh từ trước tới nay trong khối kỹ thuật, khối nông nghiệp, khối thủy lợi”. 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép Trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đào tạo ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học. TS Nguyễn Duy Quyết, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương cho việc đẩy mạnh nhiệm vụ này. Trong đó, xác định chất lượng đội ngũ giảng viên và lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng là một trong những giải pháp rất quan trọng trong đổi mới giáo dục quốc phòng”.

Tại khu vực phía nam, trong năm học 2022 - 2023, Trường đại học Hoa Sen mở một số ngành học mới, phù hợp nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động như: Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo…

Trường đại học Gia Định mới đây đã thông báo đề án tuyển sinh năm 2022. Theo đó, trường mở thêm năm ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Các ngành mới từ năm 2022 gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.

Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố những thông tin ban đầu về tuyển sinh năm 2022. Nhà trường dự kiến tuyển thêm ngành Dược học với bốn tổ hợp môn xét tuyển A00, B00, D07, D90…

Việc các trường mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi nhiều chuyên gia nhận định, đây là xu hướng tất yếu khi cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm nhất chính là khâu quản lý, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra. 

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2022 -0
Nhiều học sinh vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về phương án tuyển sinh của các trường.
Ảnh: TTXVN
 

Đa dạng phương thức tuyển, gia tăng áp lực

Cùng với việc mở thêm nhiều ngành mới, mùa tuyển sinh năm nay trên tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng các hình thức tuyển sinh đang diễn ra tại nhiều trường đại học lớn trên cả nước. Các phương thức xét tuyển được mở rộng, nên xu thế tất yếu sẽ là giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điển hình như Trường đại học Kinh tế quốc dân chỉ dành 10-15% chỉ tiêu cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, số chỉ tiêu áp dụng cho phương thức này dự kiến là 10-20% tổng chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo. Trong khi đó, năm 2021, phương thức này thường chiếm đến 60% chỉ tiêu của các trường. 

Bên cạnh đó, trong kế hoạch tuyển sinh năm 2022, các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội đã được hàng trăm trường đại học đăng ký sử dụng kết quả bài thi như một trong các phương thức chính để xét tuyển. 

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thành hai đợt và thí sinh chỉ cần làm một bài thi duy nhất. Đợt 1 dự kiến diễn ra vào ngày 27/3/2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7/2022. Năm 2022, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia. 

Còn Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2022 sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Đại học này ước tính mỗi tháng sẽ tổ chức trung bình hai đợt thi trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8/2022 tại các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để tham gia thi đánh giá năng lực nếu bảo đảm yêu cầu dịch tễ. Hiện, đã có 50 trường đại học đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. 

Tham gia kỳ thi năng lực và đánh giá tư duy hiện nay là lựa chọn của nhiều học sinh lớp 12, bởi thực tế nhiều trường đại học tốp đầu sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển thay vì qua điểm thi tốt nghiệp. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, mức độ đề thi đánh giá năng lực sẽ có độ phủ rộng hơn và khó hơn so việc thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, từ việc giảm tải chương trình cho học sinh lớp 12 ở nhiều tỉnh, thành phố phải học trực tuyến nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo nội dung kiến thức được giảm tải chỉ còn ở mức cốt lõi. Vậy học theo chương trình giảm tải liệu có đủ kiến thức để thi đánh giá năng lực và tư duy hay không đang là băn khoăn, lo lắng của nhiều em học sinh lớp 12 lúc này. 

Em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Do các trường cùng lúc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đại học nên song song với việc ôn thi tốt nghiệp THPT em cũng phải chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy. Em rất lo bởi vì tham gia kỳ thi đánh giá năng lực thì nhiều chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt bỏ rồi nên chúng em sẽ phải tự học, tự ôn, tự tìm kiếm thông tin để chuẩn bị cho kỳ thi”. 

Ngoài lo lắng về độ phủ kiến thức thì trước phương thức thi mới, phần đông học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc. Em Lê Tùng Lâm, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ: “Năm 2022 áp dụng nhiều hình thức thi rất mới mẻ với bọn em. Chúng em đang tự tìm các đề để ôn tập và cũng hỏi ý kiến của các thầy, cô giáo bộ môn để cố gắng có được kết quả như mong đợi”. 

Trước những bỡ ngỡ, lo lắng của học sinh lớp 12 hiện nay, thầy giáo Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) bày tỏ: “Rất mong muốn các trường đưa ra phương án tuyển sinh sớm. Đặc biệt, không phải cứ đến tháng 3 hằng năm mới đưa ra, nên đưa ra sớm hơn để học sinh có được sự chuẩn bị tốt”. 

Để hỗ trợ cho thí sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến từ giờ đến hết tháng 8 sẽ tổ chức 16 kỳ thi đánh giá năng lực. GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sau lần thi thứ nhất, các em sẽ được tiếp cận với đề thi đánh giá năng lực. Các em sẽ hình dung được khối lượng kiến thức cũng như phần học tập phải như thế nào và điều đó là cơ sở để các em ôn tập nhằm cải thiện được điểm cũng như kiến thức của mình trong những kỳ thi tiếp theo”. 

Thêm phương thức là thêm cơ hội, tuy nhiên trong điều kiện không được đến trường, lại vừa ôn thi tốt nghiệp vừa lo ôn tập cho các kỳ thi riêng cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với các sĩ tử. Giải pháp quan trọng để vượt qua thử thách này là các em cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ phương án của nhà trường mà mình định lựa chọn để có phương án học tập đúng và trúng.