Ì ạch công trình phòng, chống thiên tai

Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai. Mùa mưa bão năm nay có thể nói là nhẹ hơn năm 2020, thế nhưng mưa lớn, mưa cực đoan lại diễn biến khốc liệt hơn trong khi vẫn còn rất nhiều công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng từ năm ngoái chưa khắc phục thì lại phát sinh những thiệt hại mới.

Bộ đội hỗ trợ người dân xã Sơn Hòa (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) dọn dẹp sau lũ. Ảnh: TTXVN
Bộ đội hỗ trợ người dân xã Sơn Hòa (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) dọn dẹp sau lũ. Ảnh: TTXVN

Nút thắt từ… thủ tục

Đường Trường Sơn Đông là trục giao thông xuyên suốt bảy tỉnh miền trung và Tây Nguyên, có chiều dài gần 700 km, nhưng đoạn tuyến đi qua Quảng Ngãi thường xuyên ách tắc do sạt lở núi. Tuyến đường này hiện có 15 điểm sạt lở, trong đó có những điểm mới chỉ khắc phục tạm thời cho phương tiện lưu thông qua lại, cá biệt đoạn qua xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây đã bị ách tắc, sạt lở hồi cuối năm ngoái nhưng đến giờ vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục. Để thông tuyến, phải mượn đất sản xuất của các hộ dân để thông tuyến, mở đường tạm cho phương tiện lưu thông. Tương tự, quốc lộ 1 qua các tỉnh miền trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng hư hỏng nặng sau các đợt mưa lũ lớn kéo dài.

Cũng đã sau gần một năm khi xảy ra những trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng khiến 30 người chết và 17 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hệ thống giao thông bị phá hủy, thiệt hại lên đến 11 nghìn tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, các hộ dân ở thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam dù đã nhận được giường tủ mới nhưng vẫn chưa biết dọn về đâu. Huyện Phước Sơn cấp 37 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Thủ tục đấu thầu, xây dựng tốn quá nhiều thời gian. Đây là rào cản lớn nhất trong việc triển khai các dự án tái thiết sau thiên tai ở miền núi. Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: “Khu tái định cư cho bà con ở xã còn rất chậm. Tôi thấy, đây là những việc rất cấp bách, đặc biệt, cần sớm ổn định nơi ăn chốn ở cho bà con để bà con sớm ổn định cuộc sống khi mà mùa mưa bão đến”.

Năm ngoái, các địa phương đã được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách của Trung ương để khắc phục hậu quả bão lũ, nhưng theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ có tỉnh Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành. Bảy tỉnh còn lại thì đã hoàn thành được 2/3 số lượng công trình. Còn 1/3 vẫn triển khai thực hiện, thậm chí một số tỉnh có một số công trình vẫn chưa được phê duyệt hoặc vẫn loay hoay lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu…

Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai nhận định, đã một năm trôi qua, đối với thiên tai phải khắc phục khẩn cấp thì như vậy là quá chậm trễ. Nguyên nhân được chỉ ra là thủ tục đấu thầu xây dựng tốn quá nhiều thời gian trong việc triển khai các dự án tái thiết sau thiên tai. Thí dụ, đấu thầu tư vấn mất hai tháng, đấu thầu xây lắp mất hai đến ba tháng. “Tranh thủ thời gian mùa khô để thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai là rất ngắn. Nếu các thủ tục kéo dài sẽ đẩy đến mùa mưa sang năm. Khi đó, nếu ta chưa kịp làm thì lại xảy ra thiên tai và những công trình bị ảnh hưởng của đợt thiên tai năm trước mà không kịp khắc phục thì có thể lại tiếp tục phát sinh rộng và gây thiệt hại nặng nề hơn năm trước. Như vậy kể cả về kinh phí, thời gian cùng kéo rất dài dẫn đến việc khắc phục rất khó khăn”, ông Luận phân tích.

Áp dụng tình huống khẩn cấp

Nhiều tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ liên tiếp có các đợt mưa lớn kéo dài từ giữa tháng 10 tới nay. Thông tin dự báo thời tiết đều đã nhắc đến nguy cơ sạt lở đất bất cứ lúc nào trong nhiều ngày mưa. Thực tế, thiệt hại sau lũ như vừa qua khiến chúng ta không thể lơ là, chủ quan. Nhiều chuyên gia đóng góp, năm nay chúng ta đã có Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều sửa đổi được coi là nút tháo gỡ, đẩy nhanh cho các địa phương có thể hoàn thành sớm nhất các công trình tái thiết sau thiên tai.

Ông Phạm Đức Luận cho rằng: Luật Phòng chống thiên tai và Nghị định hướng dẫn đã quy định rất cụ thể, thiên tai là tình huống khẩn cấp. Như vậy, các địa phương hoàn toàn có thẩm quyền ban hành tình huống khẩn cấp thiên tai và dự án để khắc phục tình huống khẩn cấp sẽ được phép đẩy nhanh tiến độ. Thí dụ, rút ngắn các thủ tục giao thầu, chỉ định thầu để triển khai kịp thời việc ứng phó. Các địa phương cần mạnh dạn giao thầu, chỉ định thầu cho các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện nhanh nhất, khẩn trương nhất, đồng thời đưa các công trình vào phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, khi địa phương lựa chọn đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm và địa phương chủ động quan tâm đôn đốc kiểm tra thì chất lượng sẽ bảo đảm.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chính sách tái thiết sau thiên tai, chúng ta phải đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn, các thủ tục phải rút gọn hơn. Nay có rất nhiều thủ tục mà các địa phương không dám làm!”.