Học phí tăng phải gắn với trách nhiệm

Dư luận về học phí trường công lập tại các địa phương tưởng chừng đã tạm lắng sau thống nhất của liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo. Nhưng thông tin Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng học phí gấp đôi so năm học 2021-2022 một lần nữa khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên.

Học phí tăng, người học phải được hưởng môi trường học tập tốt.
Học phí tăng, người học phải được hưởng môi trường học tập tốt.

Khảo sát có đáng tin cậy?

Chị Nguyễn Thanh Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất bất ngờ với thông tin đã có đến 72% số phụ huynh trên địa bàn Hà Nội đồng ý với việc tăng học phí lên gấp đôi trong năm học tới. “Thậm chí tôi còn chưa hết bất ngờ với chủ trương tăng học phí, đang còn “chóng mặt” xem lấy thêm nguồn đâu ra để đóng học cho con vậy mà lại có thêm thông tin phụ huynh đã đồng ý. Tôi không biết phụ huynh nào đã thống nhất. Nhưng xét thực tế, như lớp các con chúng tôi, đến ba phần tư số phụ huynh là lao động tự do, buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, làm các nghề dịch vụ… Dịch bệnh vừa mới lắng xuống, thu nhập chưa ổn định thì làm sao có thể “tự tin” đồng ý với việc tăng học phí cho con. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, giá xăng đã tăng cao, các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá, người dân phải thắt lưng buộc bụng…”. 

Còn gia đình anh Lê Văn Thụ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vốn làm công chức, anh mong thành phố cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xem xét chưa tăng học phí, vì ba năm nay, anh chị chưa được tăng lương. Thu nhập gia đình không cao nên tăng học phí thời điểm này là bài toán đau đầu. 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra con số hơn 72% số phụ huynh đồng ý đề xuất tăng học phí năm học 2022-2023. Đứng từ góc nhìn của chuyên gia giáo dục, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích: Tăng học phí phải tính đến điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Trong lúc đang “bão giá”, gần như các chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng mạnh, thì việc tăng học phí thời điểm này liệu có hợp lý?

Trước đó, ngày 13/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. “Do vậy, ở thời điểm này con số khảo sát đưa ra khiến dư luận hoài nghi là đúng. 72% số phụ huynh đồng ý tăng học phí được Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát cần có minh chứng cụ thể. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tính toán những tác động không mong muốn của việc tăng học phí. Bên cạnh tăng học phí, điều quan trọng nhất là ngành giáo dục Thủ đô phải đổi mới công tác quản lý nhà trường, nâng cao hiệu quả tài chính, giảm bớt những hoạt động hội nghị, hội thảo không thiết thực, gây tốn kém trong lúc cần phải tiết kiệm”. 

TS Vinh đóng góp ý kiến: “Đưa ra con số khảo sát nhưng Hà Nội không công bố phương pháp khảo sát ra sao. Thí dụ, trong phiếu khảo sát nếu chỉ có câu hỏi phụ huynh đồng ý tăng học phí hay không sẽ không khoa học? Nếu trong phiếu khảo sát ghi năm học 2022-2023, Hà Nội dự kiến tăng 1%, 5% hay 30% hoặc câu hỏi khảo sát nói rõ tăng học phí đến mức nào thì kết quả khảo sát có ý nghĩa hơn!”.

Qua những phân tích trên, TS Vinh đưa ra đề xuất: “Vấn đề khảo sát tăng học phí nên để cơ quan thứ ba thực hiện. Thí dụ, Sở Tài chính phối hợp với Mặt trận Tổ quốc hoặc HĐND thành phố đứng ra khảo sát. Kết quả khảo sát mới khách quan”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người trực tiếp tham gia góp ý tại Hội nghị Phản biện xã hội với Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về mức học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 đánh  giá, Sở Giáo dục và Đào tạo cần công khai hơn nữa việc khảo sát. 

Thầy Tùng Lâm cho biết, để biết con số chính xác người dân đồng ý tăng học phí, những người được hỏi phải là phụ huynh có con đang học tại cơ sở giáo dục công lập. Ở đây, tổng số phiếu phát ra nhiều nhưng lại khảo sát nhiều đối tượng dẫn đến số liệu không chính xác. Bên cạnh đó, tiền học phí, các khoản đóng góp của học sinh được dùng vào việc gì thì phụ huynh cũng phải được tham gia giám sát!…

Cần có sự chia sẻ

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, hiện nay, học phí có hai nhóm: Thứ nhất là học phí của các trường nằm trong quy định của Nhà nước. Các trường này sẽ phải thu theo khung, mức trần học phí. Theo đó, Nhà nước sẽ trực tiếp chỉ đạo việc này. Thí dụ: Học phí của trường phổ thông, các địa phương sẽ quyết định. Với những đại học chưa tự chủ thì các bộ, ngành, cơ quan chủ quản sẽ có vai trò chỉ đạo về học phí.

Thứ hai là với trường được tự chủ, luật đã quy định giao cho những trường này, đặc biệt là trường có chương trình đào tạo đã được kiểm định, học phí không cần tuân theo khung của Nhà nước quy định. Theo đó, các trường có quyền tự xác định mức học phí theo quy định hiện hành.

Thực tế cho thấy, trước đây học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo, vì Nhà nước cấp bổ sung các chi phí khác. Nhưng nay, với những trường đã tự chủ, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách để phục vụ cho chi phí thường xuyên. Như vậy, học phí trở thành phần thu để đủ bù chi, giúp các trường trang trải chi phí đào tạo. Chính vì áp lực đó, nên các cơ sở giáo dục-đào tạo có động thái tăng học phí, nhằm bảo đảm bù đắp chi phí. Đây là xu thế tất yếu và cũng nằm trong quy định của pháp luật, vì thế, các cơ sở đào tạo được phép tăng học phí. 

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng: Việc tăng các loại phí, thuế, trong đó có cả học phí, là áp lực khách quan. Theo đại biểu, cần có sự công bằng trong ứng xử và chia sẻ rủi ro như nhau. Một bên muốn tăng phí vì những tác động khách quan, nhưng bên nộp phí cũng cần được chia sẻ. Người đóng phí cũng chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài. Do đó, phải có lộ trình, mức tăng hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay và cần có sự chia sẻ rủi ro cho cả đôi bên.

Liên quan vấn đề tăng học phí, ông Lê Tuấn Tứ, đại biểu Quốc hội khóa XIV nhìn nhận: Mức học phí được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và nằm trong khung quy định của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, tăng chi phí ở bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống, kể cả học phí thì người dân đều khó chấp nhận và có phản ứng ban đầu. Vì thế, cần sự hợp lý và đúng thời điểm. 

Ông Tứ phân tích: Mới trải qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng, đồng thời chi phí sinh hoạt tăng cao… Vì vậy, phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Song, điều quan trọng hơn cả là sự công khai, minh bạch trong thu, chi của nhà trường, nhất là với hệ thống trường công lập. Trên hết là “chặn” tình trạng lạm thu, bởi thực tế, các khoản chi khác trong năm học còn cao hơn nhiều so với học phí. Ngoài ra, nếu học phí tăng thì chất lượng giáo dục, đào tạo phải nâng lên và người học được hưởng môi trường học tập tốt nhất. “Tôi tin rằng, phụ huynh sẽ đồng thuận nếu vấn đề này được thực hiện tường minh, thấu đáo”, ông Tứ bày tỏ. 

“Trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của dịch Covid-19, người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nên nguồn thu nhập chưa hoàn toàn ổn định. Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn kiểm soát lạm phát nên khuyến cáo với những cơ sở giáo dục - đào tạo, đặc biệt là trường tự chủ là chưa nên tăng học phí ở thời điểm này. Nếu có tăng chỉ điều chỉnh ở mức vừa phải. Qua đó, nhằm thể hiện trách nhiệm với xã hội, người học và cũng là có trách nhiệm cùng với Nhà nước trong kiềm chế lạm phát”, GS, TS Hoàng Văn Cường, bày tỏ quan điểm.