Học phí là niềm tin yêu

Bà giáo Vũ Thị Thìn, 72 tuổi, ở thôn Hưng Thịnh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã 27 năm liền dạy học từ thiện, không thu tiền học phí của học sinh.

Nhiều lứa học sinh đã trưởng thành từ lớp học từ thiện của bà Thìn.
Nhiều lứa học sinh đã trưởng thành từ lớp học từ thiện của bà Thìn.

1. Sinh trong gia đình nghèo có bốn chị em, học hết lớp năm, cô bé Thìn ngày ấy phải nghỉ học để lao động giúp gia đình. Nghỉ để chị em trong nhà được đi học. Nhưng thi thoảng mọi người vẫn thấy cô bé Thìn đứng cạnh lớp nghe thầy cô giáo giảng bài. Buổi tối, Thìn lại mượn sách của chị em tự học với ước mơ cháy bỏng là được làm cô giáo. 

Được bố mẹ đồng ý, Thìn đi học bổ túc văn hóa. Bận học nhưng mọi phong trào của thanh niên cô gái vẫn tham gia và được khen thưởng như: “Phụ nữ ba đảm đang”, “Dũng sĩ bèo hoa dâu”, bằng chứng nhận cấy chăng dây đạt giỏi, được tặng thưởng “Huy chương chống Mỹ, cứu nước”. Năm 1967, ước mơ cháy bỏng của Vũ Thị Thìn đã thành hiện thực, cô đã thành giáo viên đứng trên bục giảng. Sau khi là giáo viên cấp 1, cô tiếp tục đi học hoàn chỉnh và tốt nghiệp loại khá về dạy ở trường cấp 1 xã Quang Minh, đến năm 1993 thì về nghỉ chế độ.

2. Hôm nay, gia đình bà Thìn được tiếp một người khách đặc biệt đến chơi. Đặc biệt bởi khi người khách đó bắt đầu đi học thì đã 29 tuổi. Đó là anh Nguyễn Văn Diễn, quê ở xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng cách gia đình bà chừng 60 km. Do thất học từ nhỏ nên khi đi làm thuê, Diễn gặp nhiều khó khăn. Nghe tin bà Thìn thường xuyên giúp đỡ học sinh nghèo, Diễn lên đây xin học, được gia đình bà cưu mang vừa dạy chữ vừa bố trí chỗ ăn ở. Qua hai tháng hè học bà sớm tối, Diễn đã biết đọc, biết viết và làm được bốn phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Diễn coi bà như bà của mình và thi thoảng đến chơi.

Ngược thời gian 27 năm về trước, nghỉ hưu, mới đầu cô giáo Thìn khi ấy chỉ dạy con cháu trong nhà và mấy đứa trẻ hàng xóm. Không có bảng, cô phải lấy cánh cửa nhà làm bảng. Các cháu học tiến bộ, tiếng lành đồn xa học sinh (HS) đến học càng đông. Bà phải mượn một ngôi nhà của hàng xóm làm lớp học, tới trường tiểu học, THCS trong xã xin bàn ghế hỏng về thuê thợ sửa lại để cho HS ngồi. 

Hiện nay, bà giáo Thìn dạy năm khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. HS của ba xã giáp nhau là Đại Thành, Hòa Sơn, Quang Minh, có cháu từ thị trấn Thắng cách xa gần chục km cũng được bố mẹ đưa xuống học. Với tổng số 200 HS, có một mình dạy nên bà phải phân ra dạy tám buổi/tuần, mỗi buổi chiều tính là ba tiết, vị chi là 24 tiết… Trước mỗi buổi học, bao giờ bà cũng đến sớm để đón các cháu và sắp xếp chỗ ngồi cho từng cháu một. Những lúc ra chơi, các cháu trai ra sân nô đùa, cháu gái ngồi quanh bà, đứa đấm lưng, đứa bóp vai, bóp chân cho bà, còn bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa…

Để nâng cao thêm trình độ chuyên môn, tiếp cận cái mới, bà Thìn thường xuyên tới trường tiểu học của xã để mượn tài liệu tự học hay xin được theo những buổi học chuyên môn của các thầy, cô giáo trong trường. 

Điều đặc biệt, bà không thu một đồng tiền học phí, thậm chí, bà còn trích tiền lương ra để lấy tiền mua nước uống cho các cháu, thuê thợ sửa chữa bàn ghế, tiền điện, tiền mua phấn, bút sách vở cho HS.

3. Một niềm vui đến với bà và  các cháu HS là nhân dịp khai giảng năm học 2019 - 2020, VTV đã về tận nơi làm một phóng sự về bà cùng lớp học và đã tài trợ cho lớp hơn 10 bộ bàn ghế đủ chỗ cho các cháu ngồi học. Anh Trần Văn Tĩnh trước học ở đây, nay đang công tác ở Hà Nội đã tặng cho lớp 200 cuốn vở. Gặp cháu Lê Gia Bảo tại lớp, cháu nói với chúng tôi: “Cháu rất thích học bà, bây giờ lớp có bàn ghế mới rồi, cháu càng thích hơn”.

Lớp lớp học trò học ở trường rồi qua lớp học của bà đã trưởng thành. Có thể kể ra đây như chị Dương Thị Diệp người cùng thôn nay đã là luật sư công tác tại Hà Nội, hay như anh Dương Cảnh Hưng, kỹ sư xây dựng. Ngay như đội ngũ cán bộ làm việc ở xã, đa số đều qua lớp của bà.

27 năm dạy học từ thiện, tiền công bà nhận được là tình yêu thương, sự quý trọng của những thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh. Cô giáo Huế, Trường tiểu học Quang Minh đã nói về bà: “Bà Thìn là một tấm gương sáng hết lòng vì HS thân yêu cho mỗi giáo viên học tập. Việc dạy của bà đã là “bà đỡ”, giúp nâng cao chất lượng văn hóa của trường. Nhiều em lực học trung bình qua lớp học của bà đã vươn lên khá giỏi”.

Chia tay, tôi hỏi bà thời gian nào thì bà thôi dạy học? Bà bảo: “Còn sức khỏe thì tôi còn dạy. Được bên các cháu, thấy các cháu hát, múa nô đùa, các cháu tiến bộ là tôi vui rồi! Đó là liều thuốc quý giá, nghĩ đến các cháu là mệt nhọc trong tôi lại tan biến hết”.