Hiệu ứng từ thiện nơi “vùng xanh”

Nhiều tháng nay, người dân khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh ấm lòng khi nơi họ đến sinh hoạt văn hóa trở thành điểm tập kết quà từ thiện. 

Đại đức Thích Pháp Như chuẩn bị các phần quà gồm nhu yếu phẩm và thuốc điều trị gửi tặng các F0.
Đại đức Thích Pháp Như chuẩn bị các phần quà gồm nhu yếu phẩm và thuốc điều trị gửi tặng các F0.

Từ vài tuần đến hơn trăm ngày

Từ ngày Đại đức Thích Pháp Như (du học sinh Ấn Độ) liên hệ với địa phương mượn Nhà văn hóa khu phố 5 làm “trung tâm xin - cho”, trưởng khu phố, các cựu chiến binh, hội phụ nữ, thanh niên… tự nguyện đến giúp một tay để vừa bảo vệ “vùng xanh” vừa giúp người khó trong mùa dịch.  

Về Việt Nam thi học bổng Tiến sĩ, vừa đậu, chuẩn bị lên đường du học tại Ấn Độ, Đại đức Thích Pháp Như bị “vướng” lại TP Hồ Chí Minh do dịch bùng phát nhiều đợt. Ông bảo lưu việc học, chuyển sang hỗ trợ người nghèo qua cơn khó khăn. Trên facebook cá nhân, vị Đại đức có hơn 20 năm làm từ thiện chia sẻ nhiều bài viết cảm động về tình đồng bào trong dịch bệnh. Ngay lập tức, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay để ông làm “cầu nối” trong đợt dịch căng thẳng này. Khi đến khu phố 5, ban đầu ông định tổ chức một “Siêu thị 0 đồng” cho dân nghèo nơi đây, nhưng sau khi tính toán lại thì chuyển hướng vì sợ tập trung đông trong mùa dịch. 

Kết nối các tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện, nhiều tháng qua, Đại đức đã tiếp nhận, trao tặng hàng trăm nghìn phần quà gồm nhu yếu phẩm, thuốc men, vật dụng y tế… đến người dân tại các “vùng đỏ” ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố. Tại điểm tập kết nay có thêm mấy chục bình oxy để F0 nào cần là chuyển đến giúp tận nơi. 

Ban đầu tính làm vài tuần rồi ngưng nhưng sau hơn 100 ngày, Đại đức Thích Pháp Như vẫn tiếp tục trong đợt dịch này. Quy mô làm từ thiện ngày càng lớn, nhiều ngày quá tải phải “tăng ca” nhưng ông cùng các tình nguyện viên quyết định không tuyển thêm người. Có khi hàng về trong đêm, rau củ, trái cây lên đến vài chục tấn, đủ loại, mỗi người phải làm việc của ba, bốn người để kịp chuyển đến các bếp từ thiện, những nơi cần gấp. “Nhiều người nhiệt tình liên hệ muốn làm tình nguyện viên nhưng tôi phải từ chối vì họ ở xa, không bảo đảm yếu tố “tại chỗ”. May mắn là đến thời điểm này, tôi và các tình nguyện viên vẫn an toàn, điểm tập kết vẫn là “vùng xanh” chứ mình tập trung đông đúc, có sự cố gì thì khó duy trì lâu dài. Mình phải kỹ lưỡng phòng dịch nếu muốn giúp được nhiều người, nhiều điểm nóng”, Đại đức Thích Pháp Như cho biết. 

Giúp người nhưng phải an toàn

“Trợ thủ” đắc lực của Đại đức Thích Pháp Như trong mấy tháng duy trì chốt từ thiện “xanh” này chính là ông Lê Đức Hòa, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Trưởng khu phố 5. Hẻm nơi chọn làm điểm tập kết hàng từ thiện là “vùng xanh” nhưng sát đó lại là “vùng đỏ” với rất nhiều ca F0. Vậy nên, mọi quy trình vào - ra, vận chuyển, trao tặng hàng hóa đều phải thật kỹ càng. Với những hộ khó khăn, những nhà có F0 trong khu phố cần nhận hàng tiếp tế, ông Hòa xung phong làm người giao hàng tận nơi để bảo đảm cao nhất an toàn cho mọi người. 

Đều đặn mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng, ông Hòa có mặt tại điểm tập kết hàng, hỗ trợ các phần việc đến chiều tối mới về. Nhưng bữa nào hàng đến sớm, 1 - 2 giờ đêm ông vẫn có mặt. Dù lúc bận rộn hay khi ngớt việc, mọi người cũng dặn nhau giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đầy đủ, sát khuẩn thường xuyên. Ông Hòa chia sẻ: “Ít người phụ, thầy Thích Pháp Như cực lắm, anh em chúng tôi cũng vất vả nhưng an toàn cho tuyến hẻm vẫn là trên hết. Chúng tôi đã hứa sẽ giữ “vùng xanh” thì phải nỗ lực bằng mọi cách. Mình giúp được người dân trong giai đoạn này nên thấy vui, mệt một chút cũng chẳng sao. Chúng tôi trực ở đây cả ngày, làm thủ kho bất đắc dĩ, không đòi hỏi thù lao hay chế độ gì, chỉ cần bà con nghèo được giúp đỡ kịp thời và địa bàn mình được bình an”. 

Cũng như ông Hòa, từ ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội rồi tăng cường giãn cách đến nay, bữa nào ông Đoàn Quang Tuyên, Chi hội phó Cựu chiến binh khu phố 5 cũng bận rộn với việc trực chốt, tuần tra nhắc nhở và tuyên truyền người dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Khi nghe khu phố cho mượn nhà văn hóa làm điểm hoạt động từ thiện mùa dịch, ban đầu ông Tuyên cũng trăn trở vì sợ làm không kỹ, bà con lại trách mình. Nhưng thay vì chỉ ngồi lo, ông cùng các tình nguyện viên chia các phần việc rõ ràng, tìm cách làm thật an toàn để giữ “vùng xanh” khi làm từ thiện. Tùy số lượng hàng cần hỗ trợ, mọi người bố trí lực lượng tối giản nhất có thể, làm khẩn trương để kết thúc sớm, tránh tụ tập. 

Thấy xe hàng đứng trước chốt, kiểm tra xong thông tin, ông Tuyên hỗ trợ xịt khuẩn toàn xe rồi mới để mọi người phụ chuyển hàng vào kho. Ông còn phụ trách lái xe chở hàng đi phân phát tại các điểm hẹn quanh thành phố. Ông làm theo danh sách, hẹn trước từng điểm theo khung giờ và chỉ đi một mình để tránh tiếp xúc trực tiếp. Ông Tuyên kể: “Trước khi đến điểm nào tôi đều gọi trước bên nhận xong rồi đẩy các phần quà ra cửa sau xe, mở cửa, xịt khuẩn, di chuyển ra xa. Khi người ta nhận quà xong, đi rồi, tôi lại xịt khuẩn lần nữa, đóng cửa, rửa tay bằng cồn rồi lên xe đi tiếp. Ngay cả lúc cùng nhau bốc hàng, chia quà tại nhà văn hóa, mọi người đều cẩn trọng hết sức. Mình giúp người thì phải an toàn, khỏe mạnh mới bền lâu”.