Hãy bảo vệ những đứa trẻ!

Khi những lùm xùm ở Tịnh thất Bồng Lai đang được điều tra làm rõ, thì hình ảnh, thông tin cá nhân, năm sinh thậm chí chi tiết đến từng liên hệ họ hàng huyết thống… của những đứa trẻ đã được chia sẻ tràn lan trên mạng, kèm theo nhiều bình phẩm ác ý. Điều này đang gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc, lâu dài, khó có thể phục hồi cho những đứa trẻ, là nạn nhân trong vụ việc. Thậm chí sẽ dẫn đến những tổn thương suốt đời cho các em.

Môi trường chăm sóc rất quan trọng để phát triển tâm sinh lý cho trẻ. Ảnh: SONG ANH
Môi trường chăm sóc rất quan trọng để phát triển tâm sinh lý cho trẻ. Ảnh: SONG ANH

Tổn thương suốt đời

Ngày 8/1, Cục Trẻ em Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị cộng đồng xã hội giữ bí mật thông tin cá nhân các em tại Tịnh thất Bồng Lai, bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ, trong đó có rất nhiều em nhỏ. 

Đây không phải là lần đầu tiên thông tin cá nhân của trẻ em bị lan truyền tràn lan trên mạng. Trước đó, thông tin một số nạn nhân các vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em cũng bị tung lên mạng. Dù tên nạn nhân có thể được viết tắt, nhưng địa chỉ cụ thể, những mô tả chi tiết vụ việc cụ thể… khiến ai cũng có thể đoán được tên nạn nhân. Rồi hàng loạt bình phẩm ác ý. Thông tin, hình ảnh, một khi đã được đưa trên mạng sẽ như một bản án suốt đời đối với các em.

Theo chuyên gia tâm lý, PGS, TS  Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), chấn động tâm lý thời thơ ấu sẽ gây ra hậu quả tâm lý lâu dài, đặc biệt là với trẻ nhỏ, “thậm chí phá hỏng cuộc đời một đứa trẻ”. Ông Nam so sánh hành động này  tương đương, thậm chí nặng nề hơn gấp nhiều lần so hình thức bạo hành trực tiếp: “Bình phẩm ác ý thậm chí giống như là bạo hành 24/7, vì đứa trẻ không tự có khả năng tách khỏi thế giới số. Và khi phải liên tục đọc những bình phẩm ấy, đứa trẻ sẽ có thế giới quan lệch lạc, sẽ bị ám ảnh và không thoát được cảm giác bị kết tội”. Trong khi, các em lại chưa có đầy đủ năng lực hành vi, chưa có nhận thức, sức khỏe, chưa có khả năng phân tích, chưa có cơ chế tự bảo vệ. Trẻ có xu hướng tin những lời người lớn nói trên mạng là sự thật.

Về ngắn hạn, trẻ bị chấn động tâm lý có thể mất khả năng kiểm soát cảm xúc, có hành vi tiêu cực, luôn bị ám ảnh rằng, mình là người vô dụng, xấu xa, không được xã hội đối xử tốt. Một khi thế giới quan bị lệch lạc, đứa trẻ sẽ khó có khả năng trở lại cuộc sống bình thường.

Cần lộ trình can thiệp tâm lý cụ thể

Chuyên gia quyền trẻ em Nguyễn Hải Anh (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững) cho rằng, luật pháp đã quy định chi tiết đầy đủ về bảo mật thông tin, quy định cả mức phạt, nhưng cần cơ chế thực thi mạnh hơn để bảo mật thông tin cho trẻ em, đặc biệt trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, yếu tố tham vấn tâm lý và các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau các biến cố là cực kỳ quan trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, sự có mặt của chuyên gia tâm lý là bắt buộc trong các vụ việc liên quan đến trẻ em để giúp trấn an, cân bằng tâm lý trong việc điều tra, khai thác thông tin, xét xử, đến hỗ trợ hồi phục sau sang chấn. Thông tin về trẻ em trong các vụ việc gần như được bảo mật thông tin một cách tuyệt đối, không nêu danh tính, thậm chí ở những trường hợp nghiêm trọng, trẻ sẽ được thay đổi danh tính, thay đổi nơi ở, hỗ trợ tâm lý cho suốt quá trình phát triển sau này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các vụ việc liên quan trẻ em cần sự tham gia của các chuyên gia tâm lý trong suốt quá trình xử lý vụ việc, hỗ trợ trẻ đặc biệt trong quá trình hồi phục sau sang chấn. Ông Trần Thành Nam cho rằng, cần có một đánh giá tâm lý tổng thể, để có thể triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các em từng trường hợp cụ thể. Vì khả năng chữa lành tâm lý cho đứa trẻ sau tổn thương phụ thuộc vào nhiều biến số, trong đó quan trọng là môi trường chăm sóc thay thế và những mối liên hệ để trẻ bắt đầu cuộc sống mới. Vì vậy, trong những vụ việc liên quan đến trẻ em, cần có sự đánh giá các nguy cơ tâm lý, xác định xem đứa trẻ cần can thiệp tâm lý kiểu sơ cứu trấn an hay can thiệp khẩn cấp, để các chuyên gia có thể tham gia hỗ trợ kịp thời.

 Theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Thông tin bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em