Hạn chế tiêu cực thi cử từ con người

Các chuyên gia cho rằng, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục được tổ chức trong những năm tới thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế kiểm soát tốt bằng quy trình chặt chẽ và khoa học để tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ lộ đề thi môn Sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Tăng cường thanh tra, giám sát để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra được an toàn, minh bạch.
Tăng cường thanh tra, giám sát để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra được an toàn, minh bạch.

Tránh vết xe đổ

Một chuyên gia về khảo thí cho rằng, từ chuyện lộ đề sinh có thể thấy nhiều khả năng kẽ hở xuất hiện từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tiêu cực xảy ra hoặc do quy trình, hoặc do con người. “Nhưng nếu quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm thì sẽ hạn chế tiêu cực từ yếu tố con người”, ông Điền nhấn mạnh, trước hết hậu trường ra đề thi sinh năm trước cần phải được làm rõ nhiều vấn đề. “Quy trình chặt chẽ vẫn có thể sai phạm do con người không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm. Nhưng quy trình lỏng lẻo, con người cũng xấu thì nguy hiểm!”.

Liên quan đến kỳ thi THPT năm 2022, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu theo thẩm quyền; UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng trong công tác tổ chức, tham gia thanh tra, kiểm tra. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tới ba không khi hoạt động thanh kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là: không bỏ sót, không tạo kẽ hở-khoảng trống, không bị động. Đồng thời, hạn chế tối đa việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Bảo đảm điều động cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng làm nhiệm vụ phù hợp, khách quan; hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương. 

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, năm 2022, thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo (không trùng lặp với các đoàn của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia). Thành lập năm đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, mỗi đoàn do một lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi. 

Về công tác coi thi, năm 2022, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo; dự kiến điều động 141 cơ sở giáo dục đại học với tổng số 6.645 người làm công tác thanh kiểm tra và điều động 127 người từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng 135 người từ 63 cơ sở giáo dục đại học kiểm tra công tác chấm thi. Thành lập năm đoàn kiểm tra, kiểm tra lưu động từ 10 đến 15 Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình chấm phúc khảo. 

“Cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ”

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi rất đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm”. Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng là rất quan trọng, qua đó vừa giữ được kỷ cương, kỷ luật trường thi, nghiêm túc, nhưng cũng không tạo ra áp lực không cần thiết cho thí sinh cũng như các lực lượng. “Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ, hệ lụy, tác hại sẽ là rất lớn. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, cần bao quát hết các công việc, kể cả việc biết rồi cũng phải nghiên cứu chu đáo, kỹ lưỡng hơn”, Thứ trưởng chia sẻ. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022. 

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 được triển khai an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non; chịu trách nhiệm về đề thi cho kỳ thi...

Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính thống nhất toàn quốc bảo đảm chính xác, an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin ngay về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục quản lý chất lượng, địa chỉ email: qlthi@moet.gov.vn) để kịp thời giải quyết.