Giúp thí sinh chọn đúng ngành nghề

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh sẽ phải lựa chọn trường để xét tuyển. Năm nay, các em chỉ đăng ký trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình. Vì vậy, việc lựa chọn ngành nghề nào cho phù hợp cần được chú trọng.

Đông đảo học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2022 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Đông đảo học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2022 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Các trường vào cuộc

Thời gian gần đây, Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi) luôn dành thời gian để Đoàn Thanh niên tổ chức giao lưu giữa học sinh khối 12 và những cựu học sinh đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các em học sinh lớp 12 có thể hỏi anh, chị khóa trước về bí quyết chọn ngành, trường… Những băn khoăn như “em thích học công nghệ thông tin nhưng không rành máy tính, em không giỏi ngoại ngữ”, hay “không khéo ăn khéo nói có đi theo nghề hướng dẫn viên du lịch được không”, hay “sửa chữa ô-tô nên học đại học hay trường cao đẳng là đủ rồi”... đều được các anh, chị sinh viên giải đáp tận tình dựa trên những hiểu biết của bản thân. Thậm chí có những học sinh còn nhờ anh, chị đi trước giải hộ bài toán so sánh mức học phí giữa một số trường có cùng ngành đào tạo… Những câu hỏi khó sẽ được các giáo viên trẻ của nhà trường hỗ trợ hoặc định hướng lại nếu thấy thông tin các bạn sinh viên tư vấn chưa đầy đủ.

Thầy Huỳnh Văn Long, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn chia sẻ: Từ năm học lớp 10, nhà trường bắt đầu triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh lớp 11 đã biết được một số nghề cơ bản cùng những yêu cầu, đặc thù của nghề. Trên cơ sở đó, học sinh sẽ hình thành được hứng thú nghề nghiệp và có sự hình dung nhất định về con đường phía trước. Điều này phải được định hình từ năm học lớp 11 vì còn quyết định đến việc chọn các môn học theo tổ hợp môn xét tuyển của học sinh. Năm lớp 12, việc tư vấn hướng nghiệp sẽ theo hướng chuyên sâu hơn.

Thầy Nguyễn Gia Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Quảng Nam) cho biết: Nhà trường tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng tiếp cận với học sinh để cung cấp thông tin tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp. Học sinh cũ của trường cũng là một kênh tham khảo của các em học sinh lớp 12 trong chọn ngành nghề. Tuy nhiên, hằng năm, trường đều mời đại diện Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam) đến trường để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đây được xem là kênh thông tin tin cậy về chất lượng đào tạo, đầu ra… của các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo nghề.

Trải nghiệm để hướng nghiệp cũng được nhiều trường THPT tổ chức để học sinh tự khám phá một số ngành nghề trước khi có quyết định cuối cùng. Các trường THPT có thể phối hợp với trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế theo hình thức “một ngày làm sinh viên”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các trường THPT trong công tác tư vấn hướng nghiệp không phải ở khâu tổ chức mà là tài liệu chưa được cập nhật thường xuyên; những thông tin liên quan thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề…

Xác định rõ mục tiêu, kiên trì theo đuổi

Mới đây, Chương trình tư vấn hướng nghiệp đặc biệt dành cho học sinh các huyện đảo trên cả nước đã được tổ chức. Tại chương trình, nhiều thí sinh bày tỏ băn khoăn: “Làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp?”. 

Trả lời câu hỏi này, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học  Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay, năm nay, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh vừa chính thức ra mắt chuyên trang “Hiểu về bạn”: https://hieuveban.ueh.edu.vn/. Đây là công cụ trắc nghiệm tính cách, định hướng nghề nghiệp miễn phí dành cho học sinh THPT toàn quốc với hai phương pháp trắc nghiệm tính cách, đánh giá năng lực nghề nghiệp được các trường đại học và chuyên gia hướng nghiệp hàng đầu trên thế giới sử dụng và khuyên dùng, gồm phương pháp Holland và MBTI. Trong đó, bộ câu hỏi đánh giá năng lực nghề nghiệp Holland giúp người trả lời tìm hiểu về đặc tính nghề nghiệp của mình qua sở thích tự nhiên (các hoạt động ưa thích hoặc tình huống mà mình thường/đã từng thực hiện). Từ đó xác định những nhóm ngành nghề có môi trường đem lại cảm giác thoải mái và thích hợp. Còn trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là phương pháp áp dụng các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích được tính cách con người, chỉ ra cách con người nhận thức thế giới chung quanh, đặc biệt nhấn mạnh vào sự khác biệt về mặt tự nhiên của từng người.

Là chuyên gia đã đồng hành với các chương trình tư vấn, hướng nghiệp trong nhiều năm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Lựa chọn ngành nghề, đăng ký nguyện vọng xét tuyển là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh thường đưa ra quá nhiều nguyện vọng mà chưa tập trung vào ngành nghề mình thật sự quan tâm”. Theo TS Phạm Tấn Hạ, thí sinh nên đăng ký số lượng nguyện vọng ở mức độ vừa phải, khoảng 4-5 nguyện vọng và dành sự ưu tiên cho lĩnh vực mình quan tâm, không nên có sự chuyển hướng quá đột ngột. “Nếu đã thích ngành nào thì các em nên tập trung đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành đó và chỉ nên dịch chuyển từ trường này sang trường khác. Bởi khi trúng tuyển vào những ngành phù hợp nguyện vọng, sở thích, năng lực ngay từ đầu thì các em mới có thể tập trung học tập và gắn bó với ngành học đó. Song song với việc chọn ngành, các em cần chú trọng lựa chọn môi trường học tập phù hợp để có thể yên tâm theo học. Cần cân nhắc các yếu tố như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, điều kiện phát triển bản thân… để lựa chọn đó trở thành nơi chắp cánh thêm cho ước mơ của các em”, TS Hạ nói.

Tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp-tuyển sinh năm 2022 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức mới đây; PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin: Kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 cho thấy, có 40% số học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề; 25% số học sinh chưa thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn; 30% số học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được một nghề để theo đuổi; 5% số học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.

Hiện tại, thị trường đang cần khoảng hơn 18% lao động trình độ cao đẳng; 15,42% lao động trình độ từ ĐH trở lên; 25,36% lao động qua đào tạo; 10,31% lao động có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề. Riêng đối với lao động có trình độ trung cấp, thị trường lao động đang cần số lượng lớn nhất là 30,52%. Trong khi đó, trình độ của người đi tìm việc dường như đang có độ vênh nhất định. Thí dụ: Lao động có trình độ ĐH trở lên đi tìm việc chiếm tới hơn 66%; trình độ trung cấp chỉ chiếm hơn 6%; trình độ cao đẳng là hơn 16%.

Từ thực tế, PGS Trần Thành Nam nhận thấy, cha mẹ có tám sai lầm khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường. Còn học sinh có sáu sai lầm khi chọn ngành: Dựa vào duy nhất năng lực học tập; chọn nghề theo trào lưu; chọn nghề vì lý do kinh tế; chọn nghề được xã hội trọng vọng; dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học.

PGS Trần Thành Nam khuyến nghị: Thí sinh nên tuân thủ năm nguyên tắc chọn nghề như: Chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức…); không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu; chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.