Giúp F0 vượt qua dư chấn sau nhiễm bệnh

Hậu Covid-19 có thể kéo dài đến ba tháng. Một số di chứng có thể bị vĩnh viễn. Đây là những kết luận từ những nghiên cứu xuất phát từ thực tế dịch bệnh tại Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, khi số ca mắc giảm thì lại là lúc số trường hợp mắc triệu chứng hậu Covid-19 tăng lên. Có đến 80% số người khỏi bệnh sẽ có triệu chứng hậu Covid. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của họ. 

Bài tập thổi bong bóng cũng có thể giúp phổi khỏe hơn sau thời gian mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện 1A
Bài tập thổi bong bóng cũng có thể giúp phổi khỏe hơn sau thời gian mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện 1A

Triệu chứng phổ biến

Chị Nguyễn Thanh Ng. (45 tuổi) ở quận Đống Đa (Hà Nội) mắc Covid-19 cách đây hơn một tháng. Chị không có nhiều triệu chứng, chỉ sốt nhẹ và mệt. Thế nhưng khi khỏi bệnh, chị lại thấy mệt mỏi và khó thở. Ban đầu không để tâm mấy nhưng sau thấy triệu chứng dai dẳng nên bác sĩ yêu cầu chị đến khám và điều trị.

Theo bác sĩ Phương Anh, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi T.Ư: “Sau khi nhiễm Covid-19 rất nhiều người bệnh có những biểu hiện bất thường, kéo dài và những biểu hiện ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, cơ xương khớp, gặp các vấn đề về thần kinh, trầm cảm và người bệnh sẽ cảm nhận được qua các biểu hiện thường gặp được như mệt mỏi, khó thở, đau ngực hay các vấn đề về mất khứu giác, các stress về vấn đề tâm lý”.

“Với những trường hợp mắc Covid-19 nặng hoặc nguy kịch thì tốt nhất là sau khi khỏi bệnh vẫn cần điều trị tại các cơ sở y tế và tập phục hồi chức năng tại các cơ sở chuyên khoa. Còn với những người đã từng mắc nhưng ở thể nhẹ hoặc trung bình thì vẫn cần tập luyện đúng cách để có thể cải thiện thể trạng”, bác sĩ Phương Anh khuyến cáo.
 
Hiện, việc nghiên cứu, theo dõi những di chứng hậu Covid-19 diễn ra trong thời gian chưa dài nên chúng ta chưa thể khẳng định di chứng nào là vĩnh viễn và liệu sẽ hết hay phải đi điều trị. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng F0 đã khỏi bệnh gặp hàng loạt các vấn đề hậu Covid-19 khá phổ biến (chiếm đến 80%), gồm cả di chứng về thể chất lẫn di chứng về tâm lý. Các hội chứng hậu Covid-19 có thể diễn ra ba tháng sau khi bệnh nhân xuất viện. Nằm viện càng lâu, bệnh càng nặng và di chứng hậu Covid-19 càng cao. Bên cạnh đó, tuổi càng nhiều, hậu quả càng rõ và kéo dài. Các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính có xu hướng kéo dài khoảng bốn tuần thì có thể trở thành mãn tính nếu không can thiệp y khoa kịp thời. 

Không thể chủ quan

Bác sĩ Phương Anh cho rằng, có ba vấn đề cần quan tâm cho bệnh nhân hậu Covid-19 là tâm lý, dinh dưỡng và tập luyện. Về tâm lý, người bệnh phải luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời. Phải biết tự quản lý cảm xúc của bản thân cũng như quản lý sự tự tin của bản thân mình. Về dinh dưỡng, phải lưu ý tới những người giảm sút cân nặng trong quá trình nằm viện trước đó. Những người này cần bổ sung năng lượng để bù lại khối lượng cơ thể đã mất trong quá trình nằm viện điều trị Covid-19. Về luyện tập thể chất, người bệnh có thể luyện tập tại nhà với những trường hợp không bị khó thở với các bài luyện tập đơn giản như tập thở cơ hoành, tập thở kết hợp vận động hay tập yoga, tập thể dục. 

Còn những trường hợp đau ngực, khó thở, giảm khả năng tập luyện phải đến các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở phục hồi chức năng để các bác sĩ đánh giá và đưa ra những bài tập luyện phù hợp. Bên cạnh đó, một số người sau khi nhiễm Covid-19 sẽ có tình trạng giảm các hoạt động chức năng thì cần tự tập luyện, tự thực hành, tập đi tập lại các hoạt động chức năng hoặc có sự hỗ trợ của người nhà từ những việc đơn giản nhất như chải tóc, mặc quần áo, vận động di chuyển trong nhà. Với việc thực hành lặp đi lặp lại hoạt động này, người bệnh sẽ cải thiện dần các chức năng sinh hoạt hằng ngày.

Một số bệnh nhân bắt buộc phải có can thiệp của nhân viên y tế, đó là những người có rối loạn về vấn đề nuốt như nuốt nghẹn, bị sặc hay có những rối loạn về giọng nói, có vấn đề về ngôn ngữ, suy dinh dưỡng nặng hay những người có biểu hiện trầm cảm thì bắt buộc phải đến các cơ sở y tế, gặp bác sĩ để đánh giá, đưa ra các can thiệp phù hợp. 

Như vậy, sau khi nhiễm Covid-19, có một phần lớn người bệnh, dù ở thể nhẹ, thể nặng hay nguy kịch thì vẫn có những biểu hiện kéo dài của Covid-19 và các trường hợp này cần phải can thiệp cả vấn đề về tâm lý lẫn dinh dưỡng và tập luyện. Mục đích là cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh, cải thiện tình trạng hô hấp, cải thiện biểu hiện mệt mỏi, khó thở. 

Dự kiến từ ngày 17/1, TP Hồ Chí Minh triển khai Chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19. Những người mắc Covid-19 khỏi bệnh nên tái khám sau từ 2-8 tuần để tầm soát di chứng hậu Covid-19. Khi tái khám, bệnh viện sẽ xét nghiệm và chụp X Quang chuyên sâu để đánh giá tầm soát. Di chứng hậu Covid-19 thường là ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, lo âu, rối loạn giấc ngủ. Hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng, lớn tuổi mà còn ghi nhận ở người trẻ, mắc Covid-19 thể nhẹ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, thực hiện theo mô hình tháp ba tầng, đó là cấp cơ sở tiếp nhận bệnh nhân nhẹ, bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc người bệnh trung bình, còn bệnh viện chuyên khoa sâu, đa khoa tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.