Gian nan học trực tuyến ở Bình Phước

“Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, tỉnh Bình Phước đang tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, có hơn 150 nghìn học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã giúp khó khăn giảm phần nào. 

Mẹ con em Phước đi tìm sóng để học trực tuyến.
Mẹ con em Phước đi tìm sóng để học trực tuyến.

Lớp học “xê dịch”

Em Ma Hữu Phước, dân tộc Tày, là học sinh lớp 4a3, Trường tiểu học Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nhà cách trung tâm xã vài chục cây số, gia đình thuộc diện khó khăn nên học trực tuyến là một gian nan. 

Để đến được nhà Phước, chúng tôi phải nhờ người nhà của em ra đón. Bình Phước giờ là cuối mùa mưa, nhưng những ngày gần đây do ảnh hưởng mưa bão đường lầy lội, trơn trượt. Ra đón chúng tôi tại UBND xã lúc 9 giờ sáng, anh Hà Đức Phần phải đi từ lúc mặt trời chưa mọc. 

Anh Phần cho biết, vào nhà Phước chủ yếu là đường đất đỏ, mưa thì sình lầy trơn trượt, nắng thì bụi mù. Nếu ngày nắng đi đường mà mặc áo trắng thì được bụi nhuốm thành mầu cháo lòng, mùa mưa đi đường té lên té xuống ít cũng năm ba lần. Mấy hôm nay mưa lớn nên nước đã bào mòn, cắt xẻ đường thành nhiều rãnh nên đi lại khá khó khăn. Nhà Phước nằm ở lưng chừng quả đồi. Di cư vào miền nam hàng chục năm nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Căn nhà gỗ tuềnh toàng mái lợp tôn quanh năm không đóng cửa vì khu vực chẳng có người lạ vào và trong nhà cũng chẳng có tài sản gì đáng giá.

Do nhà chật hẹp nên chỗ học của anh em Phước được bố trí ngay trên chiếc giường của gia đình. Nhưng đây cũng là nơi học tạm. Một buổi học trực tuyến với nhiều người thì chỉ cần mở máy tính hoặc điện thoại là có thể học được ngay, nhưng với Phước thì còn vất vả. Bởi ngay tại vị trí nhà của em không có sóng điện thoại, phải lên đồi cao để tìm nơi có sóng 3G ổn định. Chị Nông Thị Minh Phương, mẹ của Phước cho biết, nhà ở vùng sâu, vùng xa điện không có, sóng điện thoại thì lúc được lúc mất. Phước học được năm mười phút lại bị mất kết nối.

Từ khi học trực tuyến, ngày nào cũng thế, Phước thì “cõng” theo sách vở, mẹ mang theo bàn ghế, bình ắc quy và dụng cụ thu phát sóng lên đỉnh đồi để học. Mỗi khi dò được vị trí có sóng điện thoại, chị Phương dựng một cái sào bằng tre cao 5 - 6 m để treo cục thu sóng và phát Wifi. Do đó, “căn phòng học” của Phước hầu như không cố định, lúc thì dưới gốc điều, lúc thì ở bãi đất trống… Một tiết học, có khi Phước phải dịch chuyển cả chục lần vì sóng điện thoại yếu. Để tránh mưa, nắng cho con, gia đình chị Phương cũng dựng cột, căng bạt tạo thành một cái lều. Tuy nhiên, do dựng tạm bợ nên mưa nhỏ thì không sao chứ mưa lớn hai mẹ con Phước phải chạy về nhà. 

Thầy cô, phụ huynh còn vất vả

Tại huyện Bù Đăng, bước vào năm học, toàn huyện có hơn 15,4 nghìn em học sinh thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Đến đầu tháng 10 chỉ còn 2.000 em trong tình trạng này. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã trao cho huyện hơn 1.700 chiếc điện thoại thông minh để hỗ trợ các em. UBND huyện đang phối hợp các nhà mạng trao điện thoại và đăng ký sim 4G cho các em.

Điểu Hùng học sinh lớp 6, Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh thuộc xã Bom Bo, trong những tuần đầu tiên của năm học mới em phải học bằng đề cương cô giáo phát về tận nhà. Không có thầy, cô hướng dẫn, ba mẹ cũng không biết chữ nên tỷ lệ hoàn thành bài tập rất thấp. Hôm nay bố của Hùng là Điểu Rum rất vui mừng khi được nhà trường mời ra nhận điện thoại về cho con có thiết bị học trực tuyến. Ông Điểu Rum cho biết, nhà cách trường học khoảng 5 km theo đường chim bay. Được cấp điện thoại, cháu sẽ được thầy, cô hướng dẫn học tốt hơn.

Trường tiểu học Trần Quốc Toản ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng có 549 em học sinh, khoảng 50% là học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn và đó cũng là tỷ lệ học sinh thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Theo cô Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng nhà trường thì phần lớn cha mẹ học sinh ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ. Mọi việc học hành của các em đều phó mặc cho nhà trường. Điều này cho thấy việc dạy và học trực tuyến ở đây không có sự chung sức của gia đình nên gặp không ít khó khăn.

Nhà ông Điểu Đun có hai con cùng học chung lớp 3 Trường Trần Quốc Toản. Lên nhận thiết bị học trực tuyến cho các con nhưng ông cũng không biết sử dụng. Cô giáo chủ nhiệm phải giúp ông cài đặt phần mềm học trực tuyến và hướng dẫn hỗ trợ con mình khi tham gia lớp học. Điều này cho thấy một số khó khăn khi triển khai học trực tuyến, nhất là với các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ ngày 26/9, tính đến chiều 12/10, chương trình cấp tỉnh đã vận động được hơn 23,4 tỷ đồng; hai laptop; chín máy tính bàn; 761 điện thoại thông minh, máy tính bảng; 3.900 sim điện thoại 4G và 3.045 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến, gói cước. Tỉnh đã mua thiết bị học trực tuyến, trong đó có 10 nghìn chiếc điện thoại thông minh, phân bổ cho bảy huyện trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã kịp thời cung cấp các trang thiết bị cho khoảng 12 nghìn học sinh. Hiện, toàn tỉnh còn gần 3.000 học sinh hoàn cảnh khó khăn chưa được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến. 

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, chủ nhiệm lớp 1a3 Trường Trần Quốc Toản, để giúp các em học tập, buổi sáng tổ chức học trực tuyến cho các em, buổi chiều giáo viên đi phát đề cương, hướng dẫn các em học trực tiếp tại nhà. Do các em ở vùng sâu, vùng xa đường đi lại khó khăn nên một đến hai tuần mới đến được nhà một em.