Giấc mơ sạch bên dòng sông Đáy

Hơn chục năm trở lại đây, nước sông Đáy (Hà Nội) từ chỗ xanh trong đã chuyển sang mầu đen sẫm và bốc mùi khiến cuộc sống người dân hai bên bờ bị ảnh hưởng nặng nề. Mong muốn dòng sông trở lại như xưa chẳng biết đến bao giờ.

Người dân mong ngóng nước sông Đáy sẽ trở lại như xưa.
Người dân mong ngóng nước sông Đáy sẽ trở lại như xưa.

Những thủ phạm công khai!

Cũng giống nhiều dòng sông khác ở Hà Nội, sông Đáy đã ô nhiễm trầm trọng. Đi dọc dòng sông, chắc hẳn ai cũng không khỏi rùng mình với những thứ trôi nổi trên mặt nước. Đó là tập hợp của xác động vật, túi nylon, rác thải, nước thải khu công nghiệp, cống thải nước sinh hoạt... khiến dòng sông chỉ là một mầu nước đen ngòm. Thứ nước đen đặc sánh đó ẩn chứa sự chết chóc và tanh tưởi qua mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và khó thở. Có lẽ không cần phải lấy mẫu nước phân tích hay khảo nghiệm nghiên cứu, bằng mắt thường cũng có thể khẳng định không loài thủy sinh nào có thể tồn tại trong môi trường nước ô nhiễm đến như vậy.

Tại khu vực cuối quận Hà Đông giáp huyện Chương Mỹ, đoạn từ cầu Mai Lĩnh xuôi về huyện Ứng Hòa, do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản, đoạn sông này luôn thường trực mức độ ô nhiễm cao. Vào các tháng mùa khô, tình trạng ô nhiễm trên sông Đáy càng trầm trọng hơn. Môi trường sinh thái bị đe dọa khiến cá, tôm thường xuyên chết hàng loạt. Người dân cũng không còn đánh bắt cá về ăn hay sử dụng nước sông cho sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả trong nông nghiệp, họ cũng không dám lấy nước sông để tưới tiêu vì cây trồng, hoa màu cũng khó có thể sống được với nồng độ ô nhiễm như thế.

Vậy mà cách đây cũng chưa lâu, như anh Lê Văn Dũng (phường Biên Giang, Hà Đông) cho biết, nước sông Đáy hơn chục năm trước vẫn còn dùng để ăn uống, tắm giặt, phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nay nước sông đen ngòm, mùi tanh nồng lan khắp cả xã, thỉnh thoảng cá, tôm chết nổi lên từng mảng. Những hôm gió thổi, mùi hôi từ sông bay vào khu dân cư khiến nhà nào cũng phải đóng kín cửa nhà vì không khí rất ngạt thở. Không chỉ không dám lấy nước để sử dụng cho sản xuất, trồng trọt, thậm chí người ta còn chẳng dám lội qua sông vì rất dễ bị dị ứng, mẩn ngứa chân tay...

Chỉ tay về phía thượng nguồn, nơi có các xã Đại Tảo, Tân Phú (huyện Quốc Oai) và xa hơn nữa là Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức), những nơi có nghề sản xuất miến dong, miến đao truyền thống, anh Dũng không khỏi ngán ngẩm. “Phía trên đó, họ làm nghề rồi xả trực tiếp chất thải xuống sông. Nước trên đó chảy về, kéo theo nguồn ô nhiễm hết cả. Khi nào trên đó ngừng sản xuất thì nước dưới này mới trong lại được”.

Thế nhưng, ngay ở các xã phía trên ấy, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra trầm trọng. Ở đây, hầu như gia đình nào cũng tham gia sản xuất và chế biến nông sản. Mỗi ngày có hàng trăm tấn sắn, củ mì được sơ chế, tẩy rửa và chế biến thành các sản phẩm khác nhau. Phần lớn chất thải trong quá trình sản xuất ấy lại xả thẳng xuống sông Đáy mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào khiến dòng sông ngày càng ô nhiễm nặng.

Ảnh hưởng nặng nề

Với người dân xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nơi có một phần sông Đáy chảy qua thì vấn đề không chỉ là phải sống chung với sự ô nhiễm, mà nỗi lo về nước ăn không bảo đảm vệ sinh mới là mối bận tâm hàng đầu. Bởi nguồn nước được sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây chủ yếu vẫn là nước giếng khoan, giếng đào và một lượng nhỏ nước mưa được tích lại trong các bể chứa.

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Thành (thôn Phuợng Nghĩa) sống sát bên dòng sông Đáy đã không còn sử dụng nước sông vào bất cứ việc gì. Như những gia đình khác, để có nước sinh hoạt, anh đầu tư xây dựng một bể chứa lọc nước bơm từ giếng khoan lên để phục vụ cho việc tắm rửa, còn ăn uống gia đình anh bắt buộc phải mua nước đóng bình về sử dụng. “Ở đây chưa có hệ thống nước sạch, mọi sinh hoạt thường ngày đều phải dùng nước giếng khoan. Nhưng nước giếng khoan nay cũng nhiễm khuẩn bẩn lắm, không thể sử dụng được cho ăn uống, chỉ dùng để tắm giặt thôi. Nhà tôi mỗi ngày dùng hết một bình đóng chai 20 lít cho việc ăn uống, tốn kém đấy nhưng cũng đành phải chịu thôi chứ biết làm thế nào. Ở đây mong ngóng nước sạch từng ngày mà chẳng biết đến bao giờ mới có...”, anh nói.

Vài năm trở lại đây, nguồn nước giếng đào, giếng khoan ở khu vực ven sông dần bị ô nhiễm nặng do ngấm nhiều chất bẩn, độc hại trong lòng đất như thuốc trừ sâu, nước từ các cống rãnh, đặc biệt là nguồn ô nhiễm từ nước mặt cũng như nước ngầm trong hệ thống sông Đáy đã gây ảnh hưởng đời sống bà con nặng nề. Hầu như nhà nào ở đây cũng xây dựng các bể lọc hoặc bể chứa nước mưa với dung tích lớn mới đủ khả năng cung cấp nguồn nước ăn, uống. Tuy nhiên, cũng giống nước giếng khoan, nước mưa có một lượng vi khuẩn khá cao do bụi trong khí quyển và do cách hứng chứa từ mái nhà vốn có nhiều bụi bẩn, phân chim, bể chứa lưu cữu hoặc nhiều rong rêu lâu ngày nên không bảo đảm chất lượng nước.

Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước như vậy, có những người dân mua hẳn thiết bị đo chỉ số asen, amoni về kiểm nghiệm, đánh giá nguồn nước sinh hoạt. Nhưng họ cũng chỉ biết đo vậy chứ đâu hẳn đã biết đánh giá chỉ số chất lượng nước, ngưỡng nào sử dụng an toàn hay thiết bị đo có chuẩn hay không? Mỗi lần đo xong lại thấy thêm nỗi hoang mang hiện trên gương mặt. Họ ước, bao giờ cho đến ngày xưa…

Đợi chờ những giải pháp

Để có cái nhìn tổng quan và đánh giá chính xác về thực trạng nước ngầm của Hà Nội, mỗi năm Sở Tài nguyên & Môi trường đều tiến hành lấy mẫu nước từ nhiều nơi trên địa bàn thành phố về phân tích, khảo cứu. Thực tế cho thấy, tại khu vực phía tây Hà Nội và khu vực các huyện ngoại thành thì nguồn nước bị ô nhiễm các chất như amoni và asen vượt ngưỡng khá cao. Một số khu vực như Thanh Trì, Quốc Oai, Chương Mỹ... hàm lượng asen thường cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Và như vậy, trong nhiều năm qua, người dân ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội vẫn đang phải sử dụng nguồn nước ngầm cho sinh hoạt, ăn uống dù biết nguồn nước đó không bảo đảm.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Biên Giang cho biết, dòng sông Đáy ô nhiễm do nước thải từ các làng nghề chế biến tinh bột sắn, dong riềng... từ phía thượng nguồn thải trực tiếp ra sông Đáy rồi chảy về. Hầu hết các xã, phường ở dưới hạ nguồn dọc hai bên sông Đáy trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ… đều phải hứng chịu hậu quả. Người dân nơi đây cũng mong muốn dòng sông trong xanh trở lại, nhưng hiện tại chính quyền địa phương chưa có biện pháp gì để cải thiện tình hình này.

Đây là vấn đề gây bức xúc từ nhiều năm nay song đội ngũ quản lý cấp cơ sở không đủ nguồn lực cũng như khả năng xử lý ô nhiễm ở dòng sông này mà phải nhờ tới các cấp cao hơn để can thiệp. Nhưng mặc dù nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, trong các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, song đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Thế nên, dù tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân nhưng cũng đành phải chấp nhận… “sống chung với lụt” mà thôi, ông Ngọc Anh cho biết.

Trong khi chờ đợi biện pháp xử lý của cơ quan chức năng, thiết nghĩ người dân sống tại hai bên bờ dòng sông cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là những địa phương vẫn giữ lối sản xuất truyền thống. Cần xây dựng hệ thống thiết bị sản xuất hiện đại, an toàn, bảo vệ môi trường. Trước mắt, chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế xả nước thải sinh hoạt, nước thải, chất thải chứa nhiều tạp chất độc chưa qua xử lý xuống lòng sông. Đồng thời, triển khai quy hoạch tập trung các khu, cụm công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, hoặc quy hoạch quản lý theo hình thức phân tán đối với từng hộ gia đình tại các làng nghề truyền thống ô nhiễm... Nếu không, mãi mãi dòng sông Đáy sẽ chẳng bao giờ có thể xanh trong trở lại như xưa. Và hậu quả, sẽ thật đáng rùng mình khi nghĩ đến những nỗi khổ hít thở, ăn uống, sinh hoạt và bệnh tật mà nó sẽ gây ra cho người dân.