Du lịch giữ vùng xanh Cồn Cỏ

Sau hai năm im lìm vì tác động của dịch Covid-19, tháng 4 năm nay, đảo Cồn Cỏ đón những đoàn khách du lịch đầu tiên. Với diện tích rừng lớn, hệ thực vật đa dạng, hệ sinh thái biển phong phú, Cồn Cỏ đang có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch xanh.

Khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ.
Khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ.

Trồng rau còn khó, lại có vườn hoa!

Vườn hoa cúc sao bung nở giữa xóm mới gây ấn tượng mạnh với nhiều khách du lịch khi bước chân lên đảo. Đất ở trên đảo không giữ nước, trồng rau còn khó. Không ai ngờ là trên đảo lại có được vườn hoa đẹp như thế này. Đây là công trình của các chị em phụ nữ trên đảo Cồn Cỏ. Suốt hai tháng trời, họ cùng nhau vác đá, đổ đất, bãi đất hoang nhiều đá hộc trở thành vườn hoa cho khách du lịch tham quan. Năm túi hạt giống hoa gửi từ đất liền, chị em phân công nhau làm sạch cỏ, tưới và chăm sóc hằng ngày. Những hạt giống hoa đầu tiên được gieo trồng trên đảo đã bám rễ và nảy mầm. Vườn hoa đầu tiên trên đảo Cồn Cỏ, nơi từng ghi dấu cuộc chiến tranh khốc liệt, nơi thiếu nước sinh hoạt triền miên, nơi thường xuyên đón những cơn bão dữ của cả nước, đã hình thành như thế.

Vườn cúc sao đã là một điểm nhấn du lịch. Nhưng, ấn tượng hơn là bờ biển sạch, đường sá ngăn nắp sạch bong. Đảo nhỏ có diện tích khoảng 4 km2, ở đâu cũng thấy thùng rác, có phân loại rác thải hữu cơ, đặt gọn gàng dưới những tán phong ba. Chị Nguyễn Hạnh Nhân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, từ hai năm nay, Hội đã phát động nhiều hoạt động phát triển du lịch xanh trên đảo. Hội có nhiều hoạt động khuyến khích người dân và du khách đến với đảo sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Hằng tháng, các cơ quan tổ chức và người dân đều tham gia chiến dịch ra quân dọn rác thải nhựa trên bờ biển. Phao bơi, rác nhựa, nylon bị sóng đánh vào bờ, nên phải dọn dẹp thường xuyên. Hội cũng vận động chị em không sử dụng túi nylon trên đảo, bắt đầu từ những căn bếp. Chị Nhân cho biết, ban đầu hơi khó, vì thói quen của chị em khó thay đổi ngay. Nhưng đến nay mọi người đã hạn chế nhiều, dùng các loại túi nylon có thể tái sử dụng. Các loại rác thải nhựa đều được thu gom, phân loại và xử lý tại nhà máy xử lý rác thải trên đảo.

Đảo Cồn Cỏ được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển du lịch xanh. Cả đảo có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, nhưng có đến 83 ha rừng nguyên sinh (khoảng 70% diện tích đảo). Không những thế, Cồn Cỏ có hệ sinh thái động, thực vật phong phú với 109 loài san hô (trong số đó có san hô đỏ và san hô đen vô cùng quý hiếm), 48 loài rong, tảo biển. Rừng Cồn Cỏ có nhiều dược liệu quý, nhiều nhất là giảo cổ lam và sâm cau rừng. Nhiều năm qua, song song việc phát triển du lịch, Cồn Cỏ đã có những chính sách bảo tồn các loại thuốc và thủy sinh quý hiếm, đang bị khai thác tới cạn kiệt. Hiện, loài cua đá Cồn Cỏ đã bị cấm đánh bắt hoàn toàn, được bảo vệ nghiêm ngặt. Cây giảo cổ lam, một loại dược liệu có giá trị mọc tự nhiên trong rừng, nay đã bị cấm khai thác để phục hồi. Sắp tới, huyện sẽ có đánh giá về tốc độ phục hồi loại cây này để có kế hoạch khai thác hợp lý. Huyện cũng phối hợp các ban, ngành, đang lên kế hoạch bảo vệ, nhân giống sò trai tai tượng, thủy sinh quý hiếm, đang bị khai thác tới cạn kiệt trên đảo.

Vẫn chờ đầu tư lớn

Với lợi thế tự nhiên, Cồn Cỏ được đánh giá có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, như: Nghỉ dưỡng, ẩm thực, câu cá giải trí và bắt hải sản, tắm biển, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm và xem các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử… Hai chuyến tàu cao tốc đã rút ngắn thời gian từ bờ ra đảo chỉ còn chưa đến một tiếng. Ngoài các cơ sở lưu trú, trên đảo có cơ sở dịch vụ kinh doanh homestay, có khả năng đáp ứng từ 250-300 lượt khách lưu trú/ngày. 

Khó khăn nhất hiện nay, theo chủ nhà hàng kinh doanh trên đảo, là thiếu nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp. Hầu hết các dịch vụ đều do người dân trên đảo tự làm. Nhiều khi nhà hàng phục vụ 200-300 người chỉ có hai nhân viên. Huyện cũng có tổ chức các lớp tập huấn về nấu ăn, phục vụ cho các chủ cơ sở kinh doanh du lịch. Tuy nhiên không tìm đâu ra nhân viên. Các công ty, doanh nghiệp, các hộ dân trên địa bàn vẫn được khuyến khích  đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: Nhà nghỉ, nhà hàng, phương tiện. Sản phẩm mang thương hiệu Cồn Cỏ như: Nước mắm, cá khô, mực khô, thực phẩm sạch... vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Do đặc thù du lịch ở đây chỉ có thể kinh doanh theo mùa: chỉ có thể đón khách trong mùa biển lặng (tầm tháng 4 đến tháng 9) nên các doanh nghiệp, hộ dân cũng dè dặt khi đầu tư.

Giới thiệu cho chúng tôi những công trình phục vụ kinh tế và dân sinh đã được xây dựng, từ bến thuyền du lịch, những chiếc xe điện đến nhiều con đường rải nhựa quanh đảo đang hoàn thiện, ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ tin rằng, Cồn Cỏ sẽ là tâm điểm du lịch hấp dẫn. “Cán bộ, nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ mong muốn có một nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết đến chung tay cùng chính quyền và địa phương ở đây. Quyết tâm xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch và sớm có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.