Đồng lòng chia sẻ

Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, gia đình cách ly với gia đình, khu phố giãn cách với khu phố... Công dân Hà Thành vốn luôn tất bật với những vấn đề ngoài... xã hội, bỗng dưng có khoảng thời gian trầm lắng để quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

Đồng lòng chia sẻ

Đối diện với nhiều nguy cơ bùng phát dịch, 6 giờ sáng 24/7, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quyết định thực hiện Chỉ thị 16 để giãn cách xã hội. Hạn chế đi lại và giao tiếp trước khi việc khống chế dịch ngày càng trở nên khó khăn là hành động đúng đắn, được nhân dân Thủ đô ủng hộ. Thậm chí đã có nhiều ý kiến cho rằng, Thủ đô cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt hơn để nhân dân nhanh chóng có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.

Khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, các cửa ngõ thành phố đều được cơ quan chức năng phong tỏa và kiểm soát khá chặt chẽ. Dù rằng trong cả buổi sáng ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, lượng người dân trong thành phố có việc phải ra đường vẫn còn đông đúc. Ở đợt dịch lần này, hầu hết người dân đều sẵn sàng phương án phải ở trong nhà ít nhất 14 ngày. Kinh nghiệm giãn cách từ năm trước, cộng với thói quen tích trữ lương thực, thực phẩm trong nhà đã giúp cho bà con khu vực nội thành Hà Nội không mấy bi quan về sự thiếu thốn đồ ăn thức uống tạm thời. 

Cách đó vài ngày, khi tòa nhà 95 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) nơi có hiệu thuốc Đức Tâm hoạt động xuất hiện nhiều ca F0 bị cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa, cùng với đó là hàng loạt khu vực nơi có nhân viên của hiệu thuốc này sinh sống cũng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguy cơ phát tán virus. Nhiều người thuộc diện F1, F2 đã tự giác thực hiện các biện pháp tự cách ly. Trao đổi ý kiến qua điện thoại với anh Vũ Ngọc Hải, người đang thực hiện cách ly trong khu tập thể cũ ở 95 Láng Hạ, nơi bị phong tỏa vì có nhiều ca F0 làm việc tại nhà thuốc Đức Tâm thuê ở trọ, Hải cho biết “Tối 19/7, nhà em không có tiếp xúc gần với F0 nhưng nơi ở lại “rơi” ngay vào vùng phong tỏa. Ngay khi có lệnh phong tỏa tòa nhà, em cùng với gia đình (vợ và 2 con) đã được cơ quan chức năng tiến hành khoanh vùng xét nghiệm”. Hải cùng với vợ vốn là lao động tự do nuôi hai đứa con mới hơn 3 tuổi. Từ đầu năm 2020 tới giờ, hai vợ chồng bươn chải làm đủ thứ nghề. Chồng to khỏe thì đi trông giữ xe, làm xe ôm kiêm khuân vác, sau cậu sắm thêm cái điện thoại thông minh để giao đồ cho khách. Cơ bản là ai “nhờ” việc gì làm nấy. Vợ cậu vừa chăm con nhỏ, vừa tranh thủ lên phố Triệu Việt Vương ở quận Hai Bà Trưng làm giám sát cho một nhà hàng quen. Tằn tiện lắm mới đủ nuôi con nhỏ. “Dịch dã đã khó kiếm ăn thế mà còn dính ngay vào vùng có người bị nhiễm bệnh”, Hải than thở.

Ngay sau ngày cách ly, mỗi gia đình trong khu tập thể xập xệ này đã được hỗ trợ 10 kg gạo cùng với nhiều thứ lương thực, thực phẩm từ phía Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng (SonghongICT). Công ty này đã hỗ trợ 55 suất quà (gạo, thịt, trái cây...) cho các hộ dân ở khu tập thể. Ngoài ra, 15 hộ dân có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống tại đây được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng tiền mặt/nhà. “Nằm ở nhà, lương thực, thực phẩm thiết yếu được hỗ trợ đầy đủ. Anh em bạn bè nghe gia đình em bị cách ly cũng đã đi chợ gửi đồ cho gia đình ngay ngày hôm sau”. Hải và vợ con hiện đã có xét nghiệm âm tính lần đầu. Theo tính toán, cậu có thể “yên tâm công tác” tại nhà trong nhiều ngày tới. “Cũng là cái dịp cả gia đình đoàn tụ theo cách đặc biệt để chăm nhau”, Hải nói vui như thế.

Ở đợt giãn cách xã hội lần thứ hai tại Thủ đô, nhiều hộ gia đình khu vực Times City (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nằm trong diện “đoàn tụ gia đình”. Cuộc sống vốn tất bật, chẳng mấy khi người ở trong cùng một nhà có dịp quây quần với nhau. Là khu đô thị trẻ, những cư dân ở đây luôn tất bật với công việc hằng ngày “Cả ngày đi làm, tối về gia đình mới có dịp quây quần ăn, nghỉ với nhau. Đám trẻ con xong bữa cơm có khi lại chúi vào góc học tập. Việc dành thời gian để trò chuyện với nhau trở thành hiếm có. Đây cũng là dịp mà bọn em refresh (làm tươi mới) lại cuộc sống chung”, Hạnh, một cư dân sống ở khu đô thị này tâm sự thế. 

Và thay vì hằng ngày tất bật với việc kiếm tiền, với những mối quan hệ công việc, kinh doanh đa dạng và phức tạp, những gia đình như Hạnh, như Hải “bỗng dưng” có một khoảng thời gian cùng nhau lắng lại. “Vợ chồng hỗ trợ nhau chăm chút hai đứa con bé xíu. Dạy dỗ, theo dõi chúng mỗi ngày là điều mà trước giờ bọn em chưa có thời gian nghĩ tới. Cứ hiểu rằng đây là một cơ hội gần nhau. Thế cho đỡ nhọc đầu”, Hải kể.

Cách mà mỗi công dân của Thủ đô chuẩn bị để đối diện với gian khổ giờ đây mới là điều quan trọng nhất. Với mỗi người bi quan, cái nhìn cuộc sống một cách ảm đạm luôn khiến cho họ lâm vào trạng thái trầm uất. Đối diện với cuộc sống đầy bấp bênh kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có những gia đình bị cách ly tại nhà ở Times City phải giải tỏa bằng cách hét lên qua cửa sổ của những căn hộ cao cấp. Điều chỉnh cho mình cách sống cân bằng hơn là điều mà mỗi công dân thành phố phải làm. Bớt đi những ý nghĩ tiêu cực là điều kiện cần để có thể có một cuộc sống yên bình hơn trong thời kỳ gian khó về vật chất, hạn chế về điều kiện xây dựng cuộc sống tinh thần phong phú và đa sắc.