Đào tạo lại để thích ứng

Phần lớn công nhân trong các khu công nghiệp xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo nghề. Bước sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, việc đào tạo lại tay nghề cho họ là bước đi quan trọng để khôi phục thị trường lao động, tái cơ cấu sản xuất. 

Lực lượng lao động có kỹ năng nghề góp phần tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Lực lượng lao động có kỹ năng nghề góp phần tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Không chỉ bấm nút là xong!

Cuối tháng 10, lần đầu tiên công nhân Công ty Bao bì tại tỉnh Hải Dương được tham gia một lớp đào tạo tay nghề ngay tại nhà máy. Thông thường khi có máy mới, người lao động tại đây sẽ được đào tạo cách sử dụng. Nhưng để rút ngắn thời gian, doanh nghiệp chỉ hướng dẫn công nhân cách bấm nút thay vì đào tạo nguyên lý hoạt động. Nay những chiếc máy tự động đáng giá hàng tỷ đồng được nhập về và công nhân được dạy về nguyên lý hoạt động của từng bộ phận. 

Anh Nguyễn Vũ Thành, công nhân tại Hải Dương cho biết: “Qua khóa đào tạo, tôi mới biết cách vận hành máy tối ưu để ra sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Nếu chúng tôi không được tham gia đào tạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc như sản phẩm ra không đạt chất lượng”. Anh Lê Hoài Nam, công nhân tại Hải Dương cũng chia sẻ: “Trước chúng tôi chỉ được hướng dẫn vận hành chứ không hiểu sâu về nguyên lý thiết bị. Nay được thầy chỉ dẫn nên hiểu rõ hơn, sâu hơn, chính vì thế vận hành máy trơn tru hơn”. 

Anh Nguyễn Văn Bảo, Quản đốc nhà máy tại tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Việc hướng dẫn rập khuôn khiến cho người lao động hoàn toàn không nắm rõ cách vận hành, xử lý an toàn, không biết cách xử lý khi máy móc trục trặc, không có sáng kiến nâng cao năng suất lao động. Chính vì thế, người lao động có nguy cơ rất lớn bị thị trường lao động đào thải”. Khi đó, họ chỉ có thể về quê lao động nông nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động phi chính thức. Thời gian này đang là thời điểm để người lao động hoàn thiện lại tay nghề và doanh nghiệp cũng có lợi khi một lao động có thể đảm nhiệm được nhiều việc hơn, năng suất cao hơn.

Hiện, tốc độ chuyển đổi số trong các nhà máy đang diễn ra nhanh, thiết bị tự động hóa ngày càng nhiều. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao tay nghề cho người lao động. Anh Phạm Văn Chiến, công nhân làm việc ở một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Hiện, 70% máy móc tại nhà máy đã được tự động hóa khiến chúng tôi luôn luôn phải học hỏi thêm để đáp ứng được nhu cầu phát triển của máy móc theo hướng ngày càng hiện đại, nếu không các lao động phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt vận hành dây chuyền mới”. 

Hình thức đào tạo ngay tại phân xưởng sản xuất là lựa chọn rất phù hợp để người lao động có thể vừa học, vừa làm. Anh Phạm Trường Sơn, Quản đốc phân xưởng cho biết: “Qua những lớp học này, chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ thuật, vận hành máy và thiết bị, kiểm soát chất lượng cũng như công tác an toàn trong sản xuất”. 

Gần một năm chống dịch và hơn ba tháng thực hiện giãn cách, doanh nghiệp này đã tái cơ cấu sản xuất do doanh thu sụt giảm. Việc tiếp cận và hỗ trợ đào tạo nghề sẽ giúp người lao động của doanh nghiệp có điều kiện nâng cao tay nghề, cải thiện năng suất. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Việc tiếp cận và hỗ trợ đào tạo nghề giúp cho doanh nghiệp chúng tôi với nguồn lực chính là con người có thể nâng cao hiệu suất để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Với đội ngũ nhân sự hơn 2.500 người, số lượng lao động cần phải đào tạo lại của công ty là rất lớn. Mục tiêu của đào tạo lại là để người lao động có thể làm thuần thục hơn theo tiêu chuẩn tốt hơn ngay đối với những việc đang làm”. 

Đào tạo lại để thích ứng -0
 Đào tạo lại kỹ năng nghề là cơ hội của người lao động.

Năng suất lao động tăng

TS Nguyễn Xuân Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Qua khảo sát sơ bộ, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu đào tạo lại lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Căn cứ vào hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhà trường đã sẵn sàng và chủ động liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. Việc này cũng tạo thêm cơ hội để nhà trường khẳng định uy tín trong việc đào tạo kỹ năng nghề giúp lao động địa phương thích ứng thị trường lao động đang có sự thay đổi lớn bởi dịch Covid-19”. 

Công tác đào tạo được tiến hành ngay trên dây chuyền, máy móc của doanh nghiệp. Nội dung giảng được thiết kế tập trung đi sâu vào các kỹ năng mà người lao động đang thật sự thiếu và yếu. Sau ba tháng đào tạo, năng suất lao động của người lao động tại doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng 15%. Nguyên vật liệu tiêu hao giảm 10% so với trước. Hàng lỗi hỏng đã không còn. “Chương trình giúp cho doanh nghiệp như chúng tôi vượt qua khó khăn trong đại dịch”, giám đốc doanh nghiệp bày tỏ.

Từ thực tế trên cho thấy, liên kết đào tạo ngay giữa nhà máy và trường nghề trong đại dịch đem lại những kết quả đong đếm ngay lập tức và nó cũng rất cần thiết trong quá trình phục hồi kinh tế, giữ chân người lao động trong khu vực chính thức.

Giảng viên Lê Văn Cường, Khoa Điện tử, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Khi giảng dạy, chúng tôi hướng dẫn người lao động trước tiên phải an toàn trong sản xuất. Thứ hai là trang bị lý thuyết mà các em chưa được học. Thực tế là dù các em làm ở một loại máy rất quen nhưng về nguyên lý hoạt động của nó cũng như các thiết bị thì các em chưa hiểu được và chúng tôi phải đào tạo lại”. TS Nguyễn Xuân Thủy nói: “Có một sự linh hoạt trong chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian đào tạo để làm sao quá trình đào tạo của nhà trường tại doanh nghiệp không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Đây là những điều kiện cơ bản mà nhà trường phải đáp ứng”.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tiếp đón hơn 54.800 công dân từ các địa phương trở về để tránh dịch, hầu hết là lao động làm việc cho các công ty, nhà máy ở ngoài tỉnh. Việc rà soát cho thấy, khoảng 44 nghìn người lao động đang cần  được hỗ trợ để giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc là khá lớn. Vì vậy, việc đào tạo lao động trong bối cảnh sau giãn cách, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống là thiết thực”.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có gần 5.500 công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về, trong đó, gần 2.400 công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam. Phần lớn người lao động hồi hương có điều kiện kinh tế khó khăn và chưa qua đào tạo nghề. Bởi vậy, khi quay trở về quê, nhiều lao động băn khoăn, lo lắng chưa biết sẽ làm gì để bảo đảm cuộc sống. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho nhóm lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 

Tại tỉnh Thanh Hóa, địa phương có hơn 330 nghìn lao động đi làm ăn xa, làm nghề tự do, làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da. Tính đến ngày 12/10, tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là gần 27 nghìn người. Theo thống kê, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là khoảng 50 nghìn người. Số lao động các doanh nghiệp cần tuyển chủ yếu tập trung vào sản xuất giày da, may mặc với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng cho người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. 

Cơ hội

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là một trong trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết 68 không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp. Kinh phí đào tạo là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. 

Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phức tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này đơn giản hóa tới mức cao nhất. Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so cùng kỳ 10%; mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp cơ sở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Nhiều chuyên gia phân tích, phục hồi kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, kinh phí từ 4.500 tỷ  đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được coi là liều thuốc trợ lực giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ, tránh sa thải người lao động. Đây là cơ hội giúp người lao động tự hoàn thiện lại kỹ năng nghề, nhất là khi công nhân trình độ thấp, xuất thân từ nông thôn và bây giờ họ lại không có thời gian đi học lại mà cần việc làm để nuôi sống gia đình. 

Đào tạo lại để thích ứng -0
Đào tạo nghề dịch vụ làm đẹp tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. 

Thách thức

Các chuyên gia nhận định, trong những năm tới, theo dự báo, nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao. Trong khi nhu cầu tuyển dụng với người lao động phổ thông kỹ năng thấp sẽ ngày càng ít đi. Không chỉ lao động có trình độ thấp bị đe dọa mất việc mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không chịu trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế. Thời gian tới, có ít nhất 20 ngành nghề với 300 nghìn lượt người cần đào tạo lại để thích ứng cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, cần mở rộng đào tạo lại cả những lao động đã thất nghiệp, lao động có nguy cơ thất nghiệp để giúp họ quay trở lại thị trường lao động. 

Lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp nhưng với 70% số lao động chưa qua đào tạo như hiện nay thì nguy cơ mất việc do tác động của số hóa, tự động hóa là rất lớn. Vì vậy giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp người lao động bắt kịp trình độ phát triển của sản xuất và sáng tạo trong công việc. Không chỉ đào tạo lao động với mô hình kết hợp đào tạo lại tại nhà máy, xưởng nghề của doanh nghiệp giúp cho người lao động đang có việc làm có cơ hội nâng cao tay nghề ứng với sự phát triển của máy móc và công nghệ. 

Báo cáo gần đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện cho thấy, tính đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam khoảng 51,1 triệu người, trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. “Con số này cho thấy việc đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang hạn chế các cơ hội phát triển kỹ năng của người lao động, tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của người lao động khi thị trường việc làm đang bị thu hẹp”, bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời ILO tại Việt Nam nhận định. 

Theo chuyên gia ILO, triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương, nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

ILO cũng đã có những chiến lược thúc đẩy phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh tương lai việc làm. Cụ thể, phát triển kỹ năng và học tập suốt đời là một trong những trụ cột chính. Ngoài ra, chú trọng dự đoán nhu cầu kỹ năng (cho hiện tại và tương lai)-hướng tới phương pháp tiếp cận theo ngành; tăng cường phát triển các kỹ năng cốt lõi cho người lao động; rà soát và cải tiến hệ thống và chính sách về học tập suốt đời để thúc đẩy cách tiếp cận giáo dục nghề nghiệp theo vòng đời; tăng cường học tập tại nơi làm việc, đặc biệt là học nghề/học việc tại doanh nghiệp.

“Mục đích của đào tạo lao động là làm cho người lao động có thể thích ứng được với những thay đổi của đại dịch Covid-19, những thay đổi trong môi trường mới. Cũng như tạo điều kiện cho họ có thể chuyển đổi việc làm phù hợp năng lực, phù hợp điều kiện, phù hợp địa phương mà họ lựa chọn ở lại hay quay trở lại thành phố”(PGS, TS Tô Trung Thành, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội). 

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội: Phải đào tạo lại, nâng cao tay nghề, đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới. Việc đào tạo thì sẽ tiến hành chủ yếu bằng cả hai địa bàn: thông qua doanh nghiệp là chính và đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nói chung. Ngoài ra, Chính phủ có chủ trương và chính sách đào tạo làm hình thành một lực lượng chất lượng cao nhằm bắt kịp trình độ các nước ASAEN 4 và G20 là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao. Lấy cái này làm nền tảng trong đào tạo nghề và Chính phủ đã cho phép hình thành khoảng 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong tình hình mới, bên cạnh ưu điểm, lao động nước ta có những hạn chế, yếu về chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nước nhà. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động phát triển.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội): Thực hiện chính sách đào tạo lại cho người lao động có nhiều thuận lợi vì giúp cho người sử dụng lao động giữ chân được người lao động. Thực chất của chính sách này là nhằm giúp cho người lao động nâng cao được kỹ năng nghề, duy trì được việc làm trong tình hình dịch bệnh. Thực hiện đào tạo lại cho người lao động tại thời điểm này được ví như cuộc cách mạng làm thay đổi hẳn về công tác đào tạo trong doanh nghiệp. Trước đây, việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho việc đào tạo lại cho người lao động chưa hiệu quả. Nhưng trong giai đoạn phòng, chống Covid-19, hy vọng sẽ thực hiện thành công và chúng tôi sẽ đưa thành chính sách ổn định lâu dài trong các doanh nghiệp.