Đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, đại diện các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của đề án phát triển hệ thống trường chuyên.

Đào tạo chuyên dù đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông.
Đào tạo chuyên dù đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông.

Cần loại bỏ tiêu cực, không nên xóa bỏ

Từ 68 trường chuyên năm 2010 của cả nước, đến năm 2020 đã có 77 trường; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trường chuyên. Hiện, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia (tăng từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường năm 2020). 

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhờ có đề án phát triển trường chuyên, từ một lớp A0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập được ba trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ đề án này mà nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia cũng khẳng định, mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã phần nào khẳng định được vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác. Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trường chuyên phải có vai trò dẫn dắt, đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi - đó chính là sự công bằng trong giáo dục, do đó hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội.

Nhìn vào các kỳ tuyển sinh mới thấy trường chuyên thu hút sự quan tâm đến thế nào. Cha mẹ đổ xô nộp hồ sơ cho con. Tuy nhiên, khi cha mẹ vẫn chưa xác định con vào trường chuyên để làm gì: Là vì con mình có năng khiếu, được phát triển hay là vì để con mình được như con người ta thì khi ấy việc chạy đua vào trường chuyên sẽ tạo nên những cái nhìn méo mó cho xã hội. Khối lượng kiến thức ngày càng nặng và phức tạp trong khi niềm đam mê của học sinh với các môn chuyên ngày một sụt giảm. Đã từng có không ít ý kiến, dư luận xã hội đòi xóa bỏ hệ thống trường chuyên.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Mô hình trường chuyên tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, sử dụng ngân sách từ tiền thuế của nhiều bố mẹ khác để đầu tư cho học sinh trường chuyên là không công bằng. Đồng thời việc chạy đua vào trường chuyên khiến nảy sinh tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng làm gia tăng dạy thêm, học thêm”.

Từng là cựu học sinh chuyên, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ông ủng hộ trường chuyên công lập vì hệ thống đó là cần thiết, giúp đào tạo nguồn nhân lực vượt trội, tạo điều kiện cho người có năng khiếu trong từng lĩnh vực phát huy được tố chất của mình, nhất là với những học sinh nghèo. Theo ông Dũng, điều cần lưu ý là phải loại bỏ những tiêu cực xuất hiện ở đâu đó như việc chạy chọt để đỗ, cách đánh giá không hợp lý. Làm sao để con nhà nghèo có năng lực được vào trường và được trợ giúp. Phải chống những  tiêu cực đó chứ không phải bỏ mô hình này. 

Phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

Theo Bộ trưởng, một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển. Đào tạo chuyên dù đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao. 

Cần tránh những áp lực tuyển sinh trường chuyên khi mà không ít bậc phụ huynh chưa suy nghĩ thấu đáo, chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Bởi nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy, cô giáo và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. “Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác, cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng quy chế về trường chuyên mới với quan điểm là tiếp tục đổi mới hệ thống trường chuyên, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng, mục tiêu là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.