Còn nhiều khó khăn chống tội phạm ma túy

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đối mặt tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy (MT). Với nguồn lợi nhuận lớn từ việc buôn bán MT, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm. 

Vụ bắt giữ 500 kg Ketamine do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng năm 2019.
Vụ bắt giữ 500 kg Ketamine do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng năm 2019.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm số lượng MT tổng hợp bị phát hiện tịch thu tăng bình quân hơn 105%. Riêng trong năm 2019, con số này tăng “khủng khiếp” khi số lượng MT các loại được tính bằng tấn (hơn 39 kg heroin, hơn 1,4 tấn MT tổng hợp, 5,817 kg cocain, 42,287 kg cần sa,…). 

Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh - Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn cho biết: Với việc thu lợi nhuận khủng, các băng nhóm, đường dây tội phạm MT có tổ chức mạng lưới linh hoạt, chặt chẽ, cùng lúc buôn bán nhiều loại MT. Các đối tượng luôn mang theo vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi (Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng thu giữ 188 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn, con số này cao gấp năm lần giai đoạn trước đó - PV).

Đáng báo động, gần đây, qua các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng tổ chức nghiên cứu công thức sản xuất MT các loại để tìm cách sản xuất MT tại chỗ. Đối tượng sử dụng MT cũng ngày càng trẻ hóa, sử dụng nhiều loại MT cùng lúc, nhất là MT tổng hợp. Một nhức nhối mới mà TP Hồ Chí Minh đang đối mặt là địa phương này đang nguy cơ trở thành nơi trung chuyển của các đối tượng trong buôn bán, vận chuyển MT sang địa bàn thứ ba. Công an thành phố cũng xác định, tội phạm MT đang là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác, gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. 

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm MT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được quyết liệt triển khai. Theo Công an thành phố, từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng của đơn vị đã phát hiện, điều tra khám phá hơn 15.500 vụ, gần 32.500 đối tượng, thu giữ nhiều tấn MT, tiền chất chế biến MT, vũ khí, phương tiện các loại, trong đó đã khởi tố hơn 11.800 vụ với hơn 15.800 bị can. 

Đối với vấn đề giải quyết MT, lực lượng chức năng tập trung giải quyết quyết liệt ba vấn đề: đối với người nghiện, đối với các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm và nguồn cung vào thành phố. Tuy vậy, việc giải quyết các vấn đề này đều vẫn đang gặp những khó khăn khác nhau. Đơn cử, việc ngăn chặn đầu vào của MT vẫn gặp khó khăn khi mà hệ thống thiết bị hiện đại chuyên dùng hiện đã lạc hậu trong khi MT nhiều loại được các đối tượng ngụy trang rất tinh vi. Tại các cảng, mỗi ngày, các doanh nghiệp thực hiện giao dịch hàng triệu kiện hàng nhưng chỉ có bốn máy soi hàng hóa được trang bị từ năm 2008 nên rất khó để kiểm soát được lượng hàng thông quan. 

Đối với công tác quản lý người nghiện, đây là vấn đề nan giải khi hàng loạt khó khăn chưa được giải quyết trong khi số người nghiện ngày càng trẻ hóa và không ngừng tăng lên về số lượng. Công an nhiều quận, huyện cho biết, đối tượng sử dụng MT tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, bar, beer club... nhưng xử lý khó khăn khi họ sử dụng chất kích thích mới ngoài danh mục quy định của luật như: bóng cười, tem lưỡi, nấm độc, shisa... Ngoài ra, hiện que thử MT nhanh cũng chỉ có tác dụng với khoảng 4 - 5 loại trong khi MT tổng hợp hiện có rất nhiều loại. Điều này dẫn đến này rất dễ bỏ sót các đối tượng đang sử dụng chất kích thích có chứa MT. 

Quy định quản lý người nghiện MT tổng hợp cũng có những bất cập. Thí dụ, để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện MT thì phải xác định tình trạng nghiện của người nghiện. Ðể xác định, sau khi test thử, các cơ quan chức năng phải giữ đối tượng trong thời gian 2 - 3 ngày trong tình trạng cách ly. Trong khi đó, quy định về tạm giữ hành chính chỉ được phép tối đa không quá 12 giờ.

Một bất cập khác là việc quản lý người nghiện dưới 18 tuổi. Theo Điều 29 Luật Phòng chống MT, người nghiện MT từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu không cai thành công thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Tuy nhiên, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện MT từ đủ 18 tuổi trở lên. 

Đây là nguyên nhân khiến các trung tâm cai nghiện MT hiện nay không đủ căn cứ để tiếp nhận người nghiện MT dưới 18 tuổi. Nếu “chờ” đối tượng đến 18 tuổi sẽ là một vấn đề rất nan giải đối với các gia đình và xã hội. Bất cập này cần sớm được tháo gỡ khi mà độ tuổi người nghiện MT, nhất là MT tổng hợp ngày càng trẻ hóa (chiếm đến 70% người nghiện có độ tuổi từ 35 trở xuống).

Công tác tự cai nghiện tại cộng đồng thời gian qua cũng được các cơ quan chứng minh không hiệu quả vì thiếu quá nhiều nguồn lực về con người, chế độ lương, thưởng, tác động khách quan.