Cơ hội xuất cảnh cho người lao động

Ba thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức mở lại tiếp nhận lao động nước ngoài từ đầu tháng 11. Với lao động Việt Nam, sau 10 tháng tạm dừng việc mở cửa tại các thị trường này đang giải tỏa tâm lý của hàng chục nghìn người với cơ hội xuất cảnh từ nay đến cuối năm.

nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025. Ảnh: TTXVN
nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025. Ảnh: TTXVN

Đã gần một năm nay, chị Nguyễn Mỹ Hương (Hưng Yên) chờ đợi được xuất cảnh sang Nhật Bản theo hợp đồng làm điều dưỡng. Còn chị Bùi Thu Lan (Hải Dương) cũng chờ xuất cảnh sang Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng giúp việc gia đình. “Rất mừng hôm nay chúng tôi được hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị xuất cảnh. Ai cũng trong tâm trạng phấn khởi vì lịch bay đã rất gần”, chị Hương nói. 

Hiện, cả nước có khoảng 38.000 lao động chờ xuất cảnh. Trong năm nay, đã có 3.000 hồ sơ lao động được các doanh nghiệp nước ngoài tiếp nhận, tuy nhiên do dịch bệnh, việc xuất cảnh phải tạm dừng. Ngay khi có thông báo mở cửa tiếp nhận từ các thị trường, đã có ba đoàn với gần 800 người xuất cảnh. Dự kiến trong hai tháng cuối năm, các đơn vị sẽ đưa 16-24 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc. Số còn lại sẽ giải quyết hết trong quý I/2022. 

Theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp, từng bước hồi phục kinh tế, mới đây ba thị trường gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã cho phép mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài.  

Tại thị trường Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 5/11 chính thức thông báo nới lỏng nhập cảnh cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, trong đó có thực tập sinh và lao động Việt Nam. Hồ sơ đăng ký được tiếp nhận bắt đầu từ 10 giờ sáng 8/11. Sau khi nhập cảnh, công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn quản lý có trách nhiệm quản lý các hoạt động đi lại và cách ly của thực tập sinh. Về số lượng nhập cảnh, Bộ Tư pháp Nhật Bản đưa ra hướng dẫn sơ bộ về đối tượng thực tập sinh được nhập cảnh theo lộ trình.

Cụ thể, trong tháng 11/2021, chỉ nhận hồ sơ xin nhập cảnh đối với thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2020. Tháng 12/2021, nhận hồ sơ thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020. Trong tháng 1/2022, nhận hồ sơ thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021. Từ tháng 2/2022, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh sẽ cho nhận hồ sơ toàn bộ.

Hiện, Chính phủ Nhật Bản tạm thời cho phép 3.500 người nhập cảnh một ngày, dự kiến cuối tháng 11 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày. Các cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn mới cho thực tập sinh nhập cảnh trong thời gian tới.

Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan đã có thông báo về việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong tháng 11/2021. Dự kiến, sẽ tạm thời tiếp nhận cho đến tháng 12/2021 phụ thuộc vào việc các nước cung ứng lao động đáp ứng điều kiện phòng dịch mà Đài Loan đề nghị. Điều kiện phòng dịch là các doanh nghiệp dịch vụ có kế hoạch phòng dịch được cơ quan chủ quản ở các nước cung ứng lao động thông qua bằng văn bản để cơ quan chức năng Đài Loan có căn cứ thẩm tra và cấp thị thực. 

Nước cung ứng lao động sẽ cung cấp danh sách các cơ sở thực hiện xét nghiệm PCR cho người lao động, tối đa là 50 cơ sở và phải được sự đồng ý của CDC Đài Loan. Cơ quan chủ quản đôn đốc, chỉ đạo doanh nghiệp dịch vụ thực hiện kế hoạch phòng dịch trong quá trình người lao động tham gia đào tạo như xét nghiệm PCR, thực hiện giãn cách và phải cách ly, xét nghiệm trước khi xuất cảnh. Đài Loan dự kiến sẽ áp dụng hệ thống thang điểm đánh giá mức độ ưu tiên lao động nước ngoài nhập cảnh dựa trên tình trạng tiêm vaccine của người lao động, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia cung ứng lao động và điều kiện phòng dịch của người sử dụng lao động Đài Loan sau khi người lao động nhập cảnh.

Với thị trường Hàn Quốc, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng các chính sách nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào cuối tháng 11/2021. Cụ thể, dỡ bỏ hạn chế về số lượng lao động nhập cảnh hằng ngày, hằng tuần, trước đó là hạn chế với số lượng được phép nhập cảnh ở mức 100 lao động/ngày, 600 lao động/tuần. Đồng thời, cho phép người lao động từ tất cả các quốc gia phái cử được nhập cảnh nếu bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong nước như đã tiêm vaccine phòng Covid-19 trước khi xuất cảnh, có xét nghiệm PCR âm tính…

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, đại diện Công ty CP Đầu tư và cung ứng nhân lực Hoàng Long cho biết: “Năm 2022, chúng tôi có dự kiến thu hút 30.000 lao động đủ các ngành nghề như kỹ sư, hộ lý, xây dựng, thực phẩm… và đều là những lao động có tay nghề”.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nói: “Với chính sách mở cửa thị trường lao động như thế, chúng tôi kỳ vọng rằng, năm 2022, với các điều kiện thuận lợi, số lượng lao động của chúng ta đi làm việc ở các thị trường có thể đạt tương đương với kế hoạch của năm 2021, tức khoảng 90.000 lao động. Trong năm tới, khi dịch bệnh được khống chế, dự kiến có khoảng 91.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và nhiều doanh nghiệp đã kết nối với đối tác đồng thời tuyển dụng nhiều lao động trong nước cho các thị trường lớn”.