Chuyện bên gánh hàng rong

Nghe chị bán cây cảnh tạt ngang xe hỏi to “Ngày mấy về Tết chị chè?”, chị Trần Thị Lan (quận Gò Vấp) chột dạ, tay xoay hoài cái vá trong nồi nước dừa đặc sánh: “Tiền đâu mà về cô ơi! Tết năm ni ở Sài Gòn luôn, ăn chè thì ủng hộ nghe”. Chợt từ góc đường xôn xao vọng về tiếng nói buồn hiu của anh bán hành tỏi dạo: “Tui cũng vậy nè chị chè. Thôi ráng, coi như năm nay xóa sổ làm lại từ đầu. Còn sống, còn khỏe, còn mần việc được là may mắn rồi…”.

Với nhiều người bán hàng rong tại TP Hồ Chí Minh, đường về quê đón Tết năm nay như bị kéo dài. Họ buồn nhưng vẫn cố bám trụ, đợi ngày mọi thứ tốt đẹp hơn.
Với nhiều người bán hàng rong tại TP Hồ Chí Minh, đường về quê đón Tết năm nay như bị kéo dài. Họ buồn nhưng vẫn cố bám trụ, đợi ngày mọi thứ tốt đẹp hơn.

Lần đầu sợ Tết

Gần 50 tuổi, chị Lan có hơn 20 năm sống tha hương. Ban đầu chị rời Quảng Ngãi vào Bình Dương làm mướn, sau lên Sài Gòn làm công nhân rồi bán chè dạo. Tiền kiếm không nhiều nhưng nhờ biết vun vén nên mỗi tháng chị đều dành được vài triệu đồng gửi về nhà phụ chồng nuôi hai con. Cũng vì tiết kiệm mà cả năm mới dám về quê một lần vào ngày Tết. Vậy thôi mà người phụ nữ nhỏ thó, tay nhăn nheo đủ thấy vui rồi. 

Hồi đầu năm chè bán được nhiều, chị sắm cái xe đẩy mới, to gấp đôi xe cũ. Bữa người ta giao xe, chị gọi về khoe với chồng con, giọng run vì hạnh phúc. Cái xe trước người ta nghỉ bán rau củ nên cho chị, giờ chị mới có tiền sắm cái xe bán hàng đầu tiên cho riêng mình. “Chưa kịp vui, mấy tuần sau Sài Gòn bùng dịch, ở nhà luôn chứ dám đi đâu. Lúc đó đường đậu cũng khó mua, tôi chẳng bán buôn gì được. Ngày ngày lấy giẻ khô lau xe, nước mắt cứ chảy vì thương. May mà mình không bị gì nên giờ mới đẩy xe đi bán tiếp, kiếm tiền trả nợ. Thôi kệ, người còn thì làm ra của nhưng nói thiệt giờ nghe nói Tết thấy sợ quá. Hôm bữa nằm mơ thấy Tết tới nhưng nhà không có gì ăn, giật mình, ngồi khóc hu hu trong đêm”, chị Lan nói bằng chất giọng không thể nhỏ hơn. Chắc chị sợ người ta nghe thấy, hỏi thăm, chị tủi thân lại khóc thì kỳ.

Lúc dịch chưa bùng, mỗi ngày chị Lan kiếm được hơn hai trăm ngàn. Bữa nào khách đặt chè xôi cúng nhiều, tiền về túi có khi đến năm trăm nghìn đồng, mừng lắm. Nhất là mấy ngày giáp Tết, chị dậy từ một giờ sáng, lụi cụi đủ thứ để đồ xôi, hong đậu, nấu chè rồi giao cho khách. Làm tới tối muộn mới xong, ngày ngủ ba, bốn giờ đồng hồ, mệt nhưng thấy vui. Hai tuần trước khi về quê có khi kiếm gần chục triệu đồng, đủ tiền xe, tiền mua đồ Tết cho mấy ba con, quà cáp cho gia đình. Năm nay, gần Tết, cũng ngót chục triệu đồng nhưng lại là số nợ chị đang gánh trên vai, nặng trĩu. Phần mượn gửi về cho chồng chữa bệnh, phần ăn uống mấy tháng ở không trong nhà. Đợt tổ trưởng khu phố trao tiền trợ cấp, chị cầm mấy tờ năm trăm nghìn đồng, khóc ngon lành khiến cả xóm rưng rưng theo. 

Mấy bữa nay, khách đặt xôi chè cúng nhiều lắm. Có người nghe chị báo không về quê thì mừng vì “Em khỏi nấu xôi cúng, em đặt chị nấu từ tất niên, cúng các ngày cho đến tân niên luôn”. Khách vô tư đâu biết, nghe câu đó chị Lan thấy cổ họng đắng chát. Chị “thèm” về quê. Cả năm không được gặp chồng con, nhớ quắt quay. Mà về luôn thì ai gồng gánh nợ nần? Vậy nên cứ ráng, buồn cũng phải ráng chứ còn cách nào đâu. 

Đẩy xe bánh tráng trộn từ cổng Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh) dọc về hướng bờ sông, ai không biết tưởng chị Ngọc đi hóng mát trong lúc đợi học trò tan lớp. Mà đâu phải, chị đang kiếm góc vắng nhất để gọi điện báo gia đình “Tết này con không về”. Chị sợ mọi người thấy mình khóc. Gần Tết đáng ra phải cười, phải hân hoan chứ khóc hoài coi sao được. Quê chị ở Vĩnh Long, có cách Sài Gòn bao xa, chạy xe máy vài giờ là nghe giọng mẹ cha, thấy con chó quen thuộc vẫy đuôi vui mừng. “Nhưng không dám về, sợ ba mẹ thấy mình khổ lại xót. Mình không đỡ đần gia đình được thì cũng chẳng nên trở thành gánh nặng. Mấy tháng trời mắc kẹt giữa thành phố, mình đâu dám nói ba mẹ, sợ ông bà lo. Giờ Tết ráng ở lại đây đi bán kiếm tiền xoay xở, sang năm hy vọng mọi thứ tốt hơn”, chị Ngọc tâm sự.

Chị Ngọc mới bán bánh tráng trộn được hai tháng nay do cô bạn cùng phòng trọ quyết định về quê luôn nên sang lại. Lúc trước, chị đi phụ bếp cho quán nhậu gần khu trọ, tháng kiếm được sáu triệu đồng, bao ăn. Mấy  tháng dịch, quán tạm đóng cửa, chị mất lương nhưng vẫn còn tiền tiết kiệm nên ráng bám trụ. Sau thành phố “bình thường mới”, chủ quán gọi điện báo “Chị phải dẹp tiệm luôn vì hết gồng nổi”. Ngọc thất nghiệp với số nợ là mấy tháng tiền phòng trọ còn khất người ta. Vậy nên, giờ có Tết cũng chẳng dám nghỉ ngơi, sum vầy. Chị muốn tranh thủ mấy tuần nay kiếm thật nhiều tiền trả cho xong nợ rồi về thăm nhà.

Vẫn đợi điều may

Ngọc nói, bán bánh tráng trộn đến khi học trò nghỉ Tết, chị sẽ đi phụ người ta bán cây cảnh, bao lì xì tới tận Giao thừa. Mức lương thương lượng ngày một triệu đồng. Vậy là nếu chịu khó, Ngọc có được bảy - tám triệu đồng dành dụm, trả bớt tiền phòng. Chỉ nghỉ ngơi ngày mồng một, mồng hai, Ngọc đi phụ quán ăn của người bạn cho tới rằm tháng Giêng. Tính toán hết rồi, giờ chỉ làm theo kế hoạch thôi. Ngọc nói như khoe: “Lúc đầu nghĩ tới cảnh phải ăn Tết Sài Gòn một mình, cũng buồn, nhưng giờ thì bận kín lịch rồi, đỡ lo. Dịch bệnh thì ai cũng khổ mà, có phải riêng mình đâu nên phải cố hết sức thôi. Ráng làm, ráng dành dụm, sau rằm mình về thăm nhà bù, ăn Tết chậm chút cũng chẳng sao. Mình còn khỏe mạnh, còn nghĩ lạc quan được là vui rồi”.

Gần chỗ chị Ngọc đứng mỗi sáng là xe xôi của bà Bảy. Nhà bà Bảy ở Tiền Giang. Bao nhiêu túi xôi được bà xếp gọn trên chiếc sọt sắt, lèn chặt khăn ấm, đặt sau yên chiếc xe đạp cọc cạch. Bà Bảy bán xôi dạo khắp quận Bình Thạnh nhưng sáng nào cũng ghé mấy trường học khu này bán cho học trò, phụ huynh. Mỗi gói bảy ngàn, mười ngàn, bà lấy công làm lời cũng đủ tiền trọ, tiền ăn với thuốc men tuổi già. Nghe mấy bạn cùng bán ở trường học nói Tết không về, hôm rồi, bà dúi tay mỗi cô một bao đậu đỏ, đậu xanh, dặn dò: “Tết buồn nấu xôi đậu xanh, chè đậu đỏ ăn cho đỡ buồn nha mấy đứa. Tết ăn chè đậu đỏ may mắn lắm đó. Cô về ăn Tết với con trai mấy bữa rồi cô đem quà quê lên cho mà ăn, đừng buồn. Mình tùy hoàn cảnh thôi, ăn Tết trễ cũng được. Cứ an toàn là được. Như cô giờ về cũng ở nhà chứ có đi đâu đâu. Tụi bây ở đây ráng làm, kiếm được nhiều tiền ra Tết nghỉ bù”. Nghe bà Bảy nói, chị Ngọc cười hiền, thấy lòng được ủi an nhiều phần.

Về xóm trọ, chị Ngọc thấy trước cửa phòng có túi quà mầu đỏ. Bên trong có bịch gạo 3 ký, chai dầu ăn, thêm thùng mì tôm. Chưa biết ai gửi, chị Ngọc nhìn quanh định hỏi thăm thì hàng xóm mở cửa nói với sang “Chị chủ nhà mới đem tới đó, phòng nào cũng có. Tháng này còn được giảm 20% tiền nhà lì xì Tết nữa. Tụi mình tính ra may mắn, được chủ nhà thương, cho nợ còn giảm tiền nhà”. Tra khóa vào ổ, miệng cười tươi, chị Ngọc chưa vội mở cửa mà cầm điện thoại bấm liền tin nhắn gửi chủ nhà “Em cảm ơn chị Mai nhiều lắm! Tết xa nhà như vậy là quá đủ đầy rồi. Cảm ơn vì chị thương tụi em như người nhà”. 

Tin nhắn vừa gửi đi, lập tức điện thoại đổ chuông. Là giọng chị Mai chủ nhà, cái giọng rổn rảng quen thuộc của gần 20 căn trọ trong khu: “Ơn nghĩa gì em ơi! Gần Tết chị nấu bánh tét cho mỗi nhà một ít. Có khó khăn gì báo chị nha. Mấy đứa thì như em út chị thôi. Vậy nha, đừng lo”. Điện thoại cúp hồi lâu, chị Ngọc vẫn đứng yên trước cửa, nhìn hoài túi quà đỏ. Ngay lúc này đây, xuân đã ngập lòng chị rồi. Khi được quan tâm, chia sẻ, những người tha hương thấy trái tim ấm áp hơn nhiều. 

Vừa đẩy xe chè vào cổng khu trọ, chị Lan đã nghe thấy chú chủ nhà gọi sang nhận hàng. “Ai gửi vậy ta? Mình có đặt gì đâu?”, chị cứ vò vạt áo, nghĩ đủ đường vẫn chẳng nhớ được gì. Rồi ánh mắt ấy từ thắc mắc chuyển sang hạnh phúc ngập tràn. Là quà quê từ Quảng Ngãi, chồng con gói ghém gửi vào để chị ăn Tết. Cả nhà muốn cho chị bất ngờ nên không gọi trước, nhờ người gửi tới tận phòng trọ. Mở cái thùng xốp mới tinh ra, chị Lan như không tin vào mắt mình. Toàn những món quê hương. Chồng con gửi Tết vào Sài Gòn cho chị rồi còn đâu.

Đường phổi, mạch nha, thịt ngâm mắm, rau trái trong vườn và cả bánh in, bánh tét. Mấy cái bánh tét gói méo xẹo, lạt cột lỏng, có chỗ sút ra, nhìn xấu vô cùng. Vậy mà, chị Lan cầm từng cái, hít hà như sơn hào hải vị. Chị nói, nhìn mấy cái bánh xấu vầy là biết tụi nhỏ gói tặng mẹ. Chị ăn tấm lòng chứ cần gì bánh đẹp, bánh sang. “Tết xa mà tình cảm gia đình khăng khít lắm. Tôi thấy mình hết cô đơn rồi. Giờ dịch cũng phức tạp, mình ở lại Sài Gòn ráng kiếm tiền, đợi tình hình ổn rồi về thăm chồng con cũng được. Cứ nghĩ tới điều tốt đẹp để cố gắng mỗi ngày thôi. Được cái khách thương lắm, đặt xôi chè quá chừng. Có người còn lì xì tiền cho ăn Tết nữa. Lần đầu ăn Tết xa nhà, được yêu thương vậy cảm thấy hạnh phúc”, chị Lan nói, tay vẫn mân mê từng món quà quê đậm vị Tết ta.