Chung tay giảm phát thải khí nhà kính

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính, thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh các giải pháp và dự án thực tiễn nhằm cùng chung tay với cả nước giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu…

Phát triển điện năng lượng mặt trời ở các đô thị giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Phát triển điện năng lượng mặt trời ở các đô thị giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiệt độ tăng nhanh do khí nhà kính

Tại TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, những năm gần đây, nhiệt độ trung bình hằng năm ở thành phố đã tăng gấp đôi so đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ tăng cao ở TP Hồ Chí Minh trùng hợp sự gia tăng phát thải khí nhà kính do tình trạng đô thị hóa phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kết quả mô phỏng theo mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so năm 2016.

Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mức tiêu thụ điện của các tòa nhà thương mại tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 có thể lên tới 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí CO2 gần 12 triệu tấn. Trong chín tòa nhà điển hình được khảo sát thì có ba trung tâm thương mại và ba khách sạn có lượng tiêu thụ năng lượng trên 500 TOE/năm. Cường độ năng lượng của khách sạn ở mức 345kWh/m²/năm; đối với các trung tâm thương mại là 340kWh/m²/năm. Đây được xem là những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Trong khi, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế.

Để giảm phát thải khí nhà kính, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh phối hợp các sở, ngành, đơn vị thực hiện các hoạt động của dự án SPI-NAMA (hoạt động giảm nhẹ khí thải khí nhà kính), cùng sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và JICA. Cùng với đó, hiện thành phố đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của người dân được triển khai nhiều nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tiếp tục tham gia dự án SPI-NAMA với mục tiêu là phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu, với trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà cao tầng. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố; tiếp tục xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho hoạt động giao thông (chủ yếu là các cụm cảng biển) và năng lượng (tòa nhà thương mại).

Trong khi đó, trao đổi với Thời Nay, ông Hà Minh Châu, Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là trung tâm điều phối của dự án, Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố sẽ kết nối các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố để cho nhóm nghiên cứu nắm bắt thông tin, dữ liệu cụ thể, từ đó có những nhận định chính xác và đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Giảm phát thải khí nhà kính không chỉ giúp thành phố có cơ hội hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, mà còn là điển hình cho cả nước để các tỉnh thành khác triển khai theo. Từ đó, cùng chung tay thực hiện cam kết giảm khí nhà kính theo thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.

Loay hoay với việc cắt giảm phát thải khí CO2

Kết quả tính toán ban đầu, kịch bản phát triển thông thường năm 2030, TP Hồ Chí Minh phát thải hơn 160 nghìn tấn CO2. Tuy nhiên, nếu thực hiện năm hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, cao ốc, dân dụng, giao thông và năng lượng tái tạo thì đến năm 2030, lượng phát thải tại thành phố chỉ còn gần 113 nghìn tấn CO2, giảm 21% so tính toán ban đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, giai đoạn sau năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục kiểm kê khí nhà kính hai năm/lần vào các năm chẵn; triển khai các nội dung của kế hoạch thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu định kỳ từ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn và từ các đơn vị triển khai các hành động giảm nhẹ khí nhà kính...

Cùng chung tay các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ngành Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng đã cho triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời khắp nơi trên địa bàn. Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực thành phố (EVNHCMC), hiệu quả ước tính giảm lượng phát thải khí nhà kính mà khách hàng sử dụng từ năng lượng điện mặt trời tại thành phố hiện tương đương 85 nghìn tấn khí CO2.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường TP Hồ Chí Minh đã đề xuất các giải pháp như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sử dụng khí thải từ xử lý phế thải chăn nuôi để làm nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch; ứng dụng công nghệ ủ yếm khí chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đối với các hoạt động sử dụng đất, thành phố cần đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2030.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đối với dự án SPI-NAMA đã tiến hành thử nghiệm áp dụng hệ thống báo cáo carbon cho chín tòa nhà để xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho các tòa nhà và doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn nhằm đưa ra các khuyến nghị cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đồng thời, thu thập dữ liệu từ 17 cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động cảng biển của ngành giao thông.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu JICA, hiện các cảng trên địa bàn thành phố đang phát thải một khối lượng lớn khí CO2 ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Cụ thể, cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng container khoảng 101 tấn CO2/năm... Các phương tiện tàu biển, nhất là tàu quá cũ, lạc hậu - phát thải nhiều khí độc do hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải, đang là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường biển…

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), hiện Bộ đã có Thông tư 48 quy định các điều kiện hoạt động của tàu biển, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cụ thể, bắt buộc các chủ tàu sử dụng nhiên liệu đúng quy định, nghiên cứu chuyển dần sang việc sử dụng nhiên liệu sạch trong tương lai. Đi đôi việc cơ cấu lại đội tàu biển quốc gia hợp lý (tức là loại bỏ dần tàu cũ, tàu gây nhiều ô nhiễm) để hình thành đội tàu trẻ hiện đại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường hàng hải thế giới… Đây cũng được xem là những điều kiện thuận lợi để TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường khu vực cảng biển, trong đó có các hành động giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án SPI-NAMA gồm ba hoạt động chính: Đánh giá xu hướng phát thải khí nhà kính và tiềm năng phát thải; xác định và xếp thứ tự ưu tiên tiềm năng giảm nhẹ (giảm phát thải khí nhà kính) cho lĩnh vực năng lượng (tòa nhà và công nghiệp) và giao thông; xem xét các phương án chính sách để thúc đẩy việc triển khai và hành động giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, cả ba hoạt động trên đều được các bên có liên quan triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng cao.