Chủ động phòng vệ ở đất lũ

Trong lũ dữ, dù phải đối diện hiểm nguy nhưng người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh luôn đùm bọc, cùng nhau vượt qua hoạn nạn. 

Những người “lái đò” hội ý sau một ngày giúp dân vượt lũ.
Những người “lái đò” hội ý sau một ngày giúp dân vượt lũ.

“Lái đò” xóm lũ

Thôn 7, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) nằm dưới chân tràn Dốc Miếu của hồ Kẻ Gỗ, vào mùa mưa lũ hễ hồ Kẻ Gỗ xả tràn, dòng nước xiết sẽ hướng vào 150 hộ dân nơi đây trước khi xuôi về hạ du. Theo ông Nguyễn Trọng Tý, chỉ trong hai ngày, lượng nước xả qua tràn Dốc Miếu tăng từ 250 - 1.050 m³/s. Nước lũ từ lòng hồ về tăng đột biến kết hợp mưa to khiến cả vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ chìm trong biển nước. Các gia đình trong thôn chỉ kịp sơ tán người già và trẻ nhỏ ra khỏi khu vực ngập lụt. “Vừa chở người thân đến nơi an toàn, lúc về nước lũ đã lên cao gần đầu khóm tre. Ngay lập tức tôi vội lao xuồng nhỏ theo hướng tiếng gọi khẩn thiết của các gia đình neo đơn để đưa bà con về nơi an toàn. Cứ như thế, sau hơn chục lần vận chuyển bà con tránh cơn nước dữ, khi trở về nhà, hơn hai tấn lúa, năm máy cày và tất cả vật dụng trong gia đình tôi đã chìm trong nước lũ”. Anh Lê Văn Lợi ở thôn 7 (Cẩm Duệ) cười hồn hậu. 

Gặp anh Trần Anh trên sân bóng đá của thôn 7 (Cẩm Duệ) lúc giữa trưa. Chiếc thuyền ba ván của anh đang cố lách qua khung thành khi nước lũ đã xấp xỉ xà ngang. Anh cũng không nhớ đây là lần thứ mấy chở bà con về nơi sơ tán. Chỉ biết, chiếc chai đựng đầy nước suối được chuẩn bị sẵn để nấu mì tôm ăn sáng vẫn còn nguyên xi dù bây giờ đã qua chính Ngọ. Không chỉ anh Lê Văn Lợi, anh Trần Anh…, những người đàn ông chúng tôi đã gặp ở Cẩm Duệ đều đang tất bật chở bà con lối xóm vượt cơn nước dữ. Với họ lúc này dù lúa gạo, lợn gà, vật dụng gia đình đang cần thiết phải di dời khỏi nước lũ nhưng nhiệm vụ cứu người được đặt lên hàng đầu. 

Đồng hành với người dân vùng lũ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở Hà Tĩnh không quản ngày đêm luôn có mặt kịp thời tại những vùng trọng yếu để đưa 31 nghìn hộ dân, với 105.373 người của 90 xã tại 10 huyện, thành phố, thị xã bị ngập lụt sơ tán về nơi an toàn. Nhờ chủ động, sẵn sàng sơ tán kịp thời người dân ra khỏi vùng lũ dữ, tỉnh Hà Tĩnh đã hạn chế mức thấp nhất những tổn thất về người trong đợt lũ vừa qua. 

Sống chung với lũ

Khác với vùng đồng bằng ven biển, khu vực thành thị, từ lâu người dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ… đã hình thành thói quen sống chung với lũ bởi năm nào họ cũng có những tháng ngày dài đối diện với dòng nước bạc. Theo Bí thư Đảng ủy xã Điền Mỹ (Hương Khê) Hoàng Văn Tần, sở dĩ vùng Điền Mỹ được coi là “rốn lũ” của Hà Tĩnh do địa phương nằm cuối lòng chảo của thung lũng Hương Khê có sông Ngàn Sâu chạy qua, địa hình một nửa là đồi, một nửa là núi thấp. Khi mưa lớn xảy ra ở khu vực phía tây Hà Tĩnh, tất cả sông suối đều dồn nước về sông Ngàn Sâu và đổ dồn về lòng chảo Điền Mỹ khiến  khu vực này ngập sâu và ngập lâu hơn so các địa phương khác. Sống trong vùng lũ nên người dân nơi đây đã trang bị cho mình những phương thức ứng phó lâu dài với lũ. Ông Đinh Ngọc Thắng ở xóm Trung Tiến cho biết, xây dựng nhà ở kiên cố có chạn (gác) cao để tránh lũ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Ngoài việc bảo đảm sinh hoạt cho gia đình mình trong một vài tuần, có thể tiếp nhận, giúp đỡ một số hộ dân chung quanh lên nhà tránh lũ. Theo UBND xã Điền Mỹ, ngoài 135 nhà tránh lũ được xây dựng kiên cố, hơn 1.200 hộ dân còn lại của địa phương đều có nhà phao tránh lũ. Với kinh phí hơn 20 triệu đồng, người dân có thể lắp ráp được nhà phao dâng theo mực nước lũ. 

Đợt lũ này, ngoài xã Điền Mỹ, các địa phương nằm ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu cũng bị nước lũ cô lập. Chị Cao Thị Tâm ở thôn 9, xã Hương Đô (Hương Khê) cho biết, đây là lần thứ hai nhà chị bị ngập lụt, đợt lũ này nước lũ mới chỉ dâng gần 1 m, thấp hơn rất nhiều so trận lũ lịch sử năm 2010 khi nước dâng 4 m. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan. Ngay sau khi có thông tin về thời tiết, gia đình đã chuyển toàn bộ đồ đạc lên chạn. Khi nước lên, chị sẽ phụ trách việc nấu nướng, còn chồng sẽ chèo thuyền đi chăm sóc đàn gia súc đã được gửi ở trang trại trên núi cao trước đó. Nhờ trữ đủ lương thực, thực phẩm và nước sạch nên mọi sinh hoạt của gia đình trong mấy ngày mưa lũ đều được bảo đảm. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai của người dân, nhất là tuân thủ phương châm “bốn tại chỗ” ngay tại mỗi gia đình, hằng năm địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai. Nhờ đó, đa phần người dân đã thực hiện khá tốt công tác phòng, chống mưa lũ.