Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, khi số ca bệnh Covid-19 giảm mạnh trên cả nước thì nhiều dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát. Chuyên gia y tế cảnh báo, khi đã nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19, các bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên…

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội).
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội).

Bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân có thể xâm nhập Việt Nam

Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4 vừa qua, với khoảng 70 trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Sau đó, bệnh lan ra nhiều quốc gia và đã có các trường hợp tử vong. Trẻ mắc bệnh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt. Bệnh nhi không bị sốt, không nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan như virus viêm gan A, B, C, D, E. Hầu hết trẻ mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, 10% số trường hợp nặng phải ghép gan. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, chỉ biết thường ghi nhận ca bệnh ở nơi có mật độ virus Adeno cao.

Tại Việt Nam, theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ngay sau khi có thông tin từ WHO về các ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em được ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các bác sĩ chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19. Bệnh viện hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ.

Tuy vậy, theo PGS, TS Trần Minh Điển, chúng ta không được chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm bệnh viện vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp có nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều, do virus viêm gan A, B, C...

Nói thêm về bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân, GS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, điều bất thường và đáng lo ngại là cho đến nay, các ca bệnh được phát hiện đều không liên quan đến các loại virus thông thường gây bệnh viêm gan cấp tính (viêm gan A, B, C, D, E). Theo chuyên gia này, giới chuyên môn nghiêng về hướng virus Adeno có đột biến.

Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng virus vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, các bác sĩ, nhân viên y tế cần giám sát virus Adeno để phát hiện ca mắc ban đầu và báo cáo số ca mắc; cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn; cập nhật thông tin trên thế giới để nhanh chóng nắm được viêm gan bí ẩn do căn nguyên virus gì, tác nhân gì, có xuất hiện tình trạng đột biến hay không..., từ đó mới có đoạn gien đặc hiệu để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân chính xác của bệnh viêm gan bí ẩn.

Theo chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, nhưng khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nhưng nếu có thì nó sẽ xuất hiện rải rác. Virus Adeno 41 không thể gây ra dịch, do đó không nên hoang mang. Phương pháp điều trị chủ yếu là uống thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ bệnh suy gan, nặng hơn thì lọc gan, ghép gan.

Sốt xuất huyết dễ gây nhầm lẫn

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có hai ca tử vong tại Bình Dương. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành hằng năm. Thông thường, cứ sau khoảng bốn năm dịch lại bùng phát mạnh với số ca mắc gia tăng. Những năm trước đã từng xảy ra tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Bệnh nhân phải nằm ghép hai, ba người một giường, hoặc nằm giường xếp ở hành lang. Tình trạng lây chéo diễn ra nhiều hơn, dịch bệnh càng khó kiểm soát.

Số liệu thống kê của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện một số tỉnh, thành phố nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ sốt xuất huyết nặng gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến giữa tháng 4, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019 (năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc) thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, 2021 và đã có hai ca tử vong.

Đặc biệt, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau như sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. Do đó, người dân rất dễ bị nhầm lẫn.

Nói về sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người cho rằng, sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời. Điều này không chính xác, bởi sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với bốn type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết bốn lần trong đời với bốn type virus khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều người bệnh sốt xuất huyết sau khi điều trị đã giảm sốt hoặc hết sốt thì lập tức dừng điều trị. Điều này hết sức nguy hiểm bởi thường trong ba ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, song đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh, người bệnh có thể có những biến chứng nặng.

Một sai lầm khác được các bác sĩ chỉ ra là người bệnh khi bị sốt xuất huyết thường tự ý uống thuốc giảm đau, phổ biến nhất là Aspirin và Ibuprofen. Thực tế, hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh sốt xuất huyết trầm trọng hơn, thậm chí có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Cho tới nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Bài học từ các đợt dịch nghiêm trọng từng diễn ra cho thấy, nếu công tác dự phòng không được thực hiện tốt thì khi dịch xảy ra, việc chống dịch sẽ rất nhọc nhằn. Các nhân viên y tế đã phải đêm ngày chống dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua sẽ chịu thêm áp lực khi “dịch chồng dịch”. Do đó, giải pháp quan trọng và khẩn cấp nhất là tăng cường các biện pháp kiểm soát, không để dịch sốt xuất huyết có cơ hội bùng phát và lây lan. Mỗi người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ không gian sống, diệt  loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, đồ phế thải.

Hơn 1 triệu người sẽ được khám hậu Covid-19

Từ ngày 14/5, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội phối hợp Công ty Vin Brain tổ chức hành trình “Thầy thuốc trẻ Thủ đô chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 năm 2022: Chạm “AI”, chạm sức khỏe”. 

Trong hành trình sẽ diễn ra các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân như: Khám bệnh tổng quát, kiểm tra nhịp tim và huyết áp, kiểm tra các dấu hiệu hậu Covid-19, điện tâm đồ...; sử dụng container khám bệnh lưu động và xét nghiệm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán sàng lọc tình trạng sức khỏe và dấu hiệu triệu chứng Covid-19 kéo dài...

Hơn 1 triệu người dân Thủ đô và cả nước sẽ được khám bệnh, tư vấn hoàn toàn miễn phí. Hơn 1.000 bác sĩ có chuyên môn cao trực tiếp thăm khám, tư vấn, chữa bệnh với công nghệ tiên tiến. Các bác sĩ, tư vấn viên sẽ túc trực để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc. Đặc biệt, người dân có thể kết nối với bác sĩ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng AI viCare. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ tiện lợi trên ứng dụng, người dân có thể theo dõi, tra cứu ngay trên điện thoại.

Sau lễ phát động ngày 14/5, người dân Thủ đô Hà Nội sẽ được chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. Đường dẫn đăng ký: https://thanhdoanhn.aivicare.net/ hoặc quét QR. Chương trình đồng thời sẽ diễn ra tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và cả nước, từ tháng 5 đến hết năm 2022 qua hình thức khám trực tiếp và tư vấn trực tuyến. Đối tượng toàn quốc, tư vấn sức khỏe hậu Covid-19 trực tuyến miễn phí qua ứng dụng AI viCare. Đường dẫn đăng ký: https://thanhdoanhn.aivicare.net/telehealth hoặc quét QR.