Chủ động nguồn hàng phục vụ người dân

Đến thời điểm hiện tại, nguồn lương thực, thực phẩm tập trung về TP Hồ Chí Minh đã tương đối ổn định. Người dân đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua nhu yếu phẩm vẫn đông nhưng đã hạn chế được tình trạng xếp hàng dài, ùn ứ như hơn một tuần trước. Nhiều mô hình cung cấp rau, củ, quả, thịt cá... được linh động tổ chức, rải đều các quận, huyện, góp phần giảm tải cho hệ thống siêu thị.

Người dân mua rau củ tại cửa hàng Con Cưng.
Người dân mua rau củ tại cửa hàng Con Cưng.

Thay đổi cách làm

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 siêu thị, gần 2.500 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và khoảng 28.700 điểm bán hàng phục vụ người dân. Trong đó, có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhằm gia tăng hệ thống cung ứng hàng hóa, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua các loại nhu yếu phẩm với chi phí hợp lý, mới đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã kết nối với nhiều đơn vị tổ chức gần 400 điểm bán hàng theo chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động”, chủ yếu tại các khu phong tỏa, cách ly tạm thời, nơi tập trung nhiều công nhân, lao động khó khăn.

Các siêu thị như AEON, Saigon Co.op, Bách hóa xanh… đều chủ động tham gia mô hình bán hàng lưu động với giá bình ổn cho nhiều quận, huyện, tập trung vào các mặt hàng rau củ, thịt cá, trứng, gạo... Giá được niêm yết ngay tại điểm bán để người dân dễ dàng quan sát, lựa chọn theo nhu cầu. Các bên cung cấp đều cam kết mức giá bình ổn. Nhà sát chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) nhưng từ ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng loạt các chợ truyền thống bị đóng cửa, chị Nguyễn Hồng Nhung gặp khá nhiều khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm. Chị Nhung chia sẻ: “Ngày trước cần gì đi bộ ra chợ mua là xong, giờ dịch bệnh nguy hiểm, khắp nơi phong tỏa nên tôi hạn chế ra ngoài. Siêu thị gần nhà nhưng ngại đến chỗ đông người nên tôi toàn mua trực tuyến với mức giá cộng phí giao hàng khá cao. Hôm rồi nghe hàng xóm nói có xe bán hàng lưu động gần nhà, tôi ra thử và mua được khá nhiều rau, củ, trứng. Nếu các siêu thị tổ chức nhiều xe lưu động như thế này đến với người dân thì sẽ đỡ lắm. Giá bình ổn mà hàng hóa cũng bảo đảm nên thấy an tâm”.

Mặc dù đã chủ động tăng lượng hàng cung ứng từ hai đến năm lần, nhưng với nhu cầu mua sắm quá lớn trong cùng thời điểm, ban đầu, nhiều điểm bán thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải dẫn đến thực tế nhiều kệ trưng bày nhu yếu phẩm “trắng hàng”. Ngay sau đó, các giải pháp tăng cường đã được đưa ra, thích ứng với điều kiện mới. Việc hẹn giờ, đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại được nhiều siêu thị áp dụng đồng loạt để giảm lượng người tập trung mua hàng, đặc biệt là các khung giờ cao điểm. Siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đã chủ động phát phiếu hẹn giờ cho khách. Không chỉ yêu cầu khách hàng khai báo y tế và sát khuẩn ngay cổng vào, siêu thị còn bố trí chỗ ngồi và mời mỗi lượt 10 khách vào mua sắm, bảo đảm an toàn phòng dịch. Theo đó, mỗi khách sẽ có nhiều nhất 40 phút cho một lượt mua sắm. Các siêu thị tiện lợi cũng áp dụng việc phân bố 5 - 7 khách vào mua sắm/lần, khuyến khích đặt hàng trực tuyến, nhận hàng tại nhà. Đại diện một số siêu thị cho biết, khi việc vận chuyển hàng hóa về TP Hồ Chí Minh đỡ vất vả hơn, thời gian giao các đơn trực tuyến đã được rút ngắn. 

Hai tuần qua, nhu cầu mua sắm trực tuyến tại Cửa hàng Đặc sản sạch BakaFood (quận 1) tăng gấp 5 lần. Nếu như bình thường chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp thì giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa hàng mở rộng đối tượng phục vụ nhằm giảm áp lực cho hệ thống siêu thị. Bà Đặng Thiên Thư, đại diện BakaFood cho biết, cái khó lớn nhất là khâu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về nhưng đến nay mọi chuyện đã khá hơn: “May mắn là trước giờ chúng tôi không lấy hàng ở các chợ đầu mối mà tự làm việc với các nhà vườn trồng nông sản ở khu vực phía nam, các doanh nghiệp chuyên về thịt cá sạch nên không bị đứt nguồn hàng. Nói thật, mấy ngày nay, cửa hàng bán chạy nhưng chúng tôi lời rất ít, thậm chí có mặt hàng phải bù lỗ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong thời điểm khan hiếm nhu yếu phẩm. Thay vì bán lẻ như trước, giai đoạn này, chúng tôi thiết kế nhiều combo rau củ, combo chanh sả gừng tăng sức đề kháng, nhập thêm các loại thịt cá tươi để khách hàng dễ chọn lựa. Nhờ vậy mà mức giá được kéo xuống rất nhiều. Không đợi lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, từ cuối tháng 6, cửa hàng đã chuyển sang hình thức giao tận nhà”.

Tăng thêm nguồn cung

Bên cạnh danh sách bán hàng lưu động, TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khác tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm trong giai đoạn hiện nay. Mấy ngày qua, gần 70 điểm bán của Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 150 điểm bán hàng của hệ thống Con Cưng… đã bày thêm gian hàng rau, củ phục vụ người mua trước cửa hàng của mình tại các quận, huyện với mức giá vừa phải. Các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee cũng đẩy mạnh mặt hàng rau, củ, thịt cá giao tận nhà phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Cũng là một kênh kinh doanh thực phẩm, mới ra đời chưa đầy một tuần, mỗi ngày, Foodshare Market - Siêu thị thực phẩm sẻ chia đã bán ra khoảng 100 tấn rau, củ, trứng gà, thịt heo... cho gần 3.000 đơn hàng giao khắp TP Hồ Chí Minh. Hàng ở đây được bán với mức giá bình ổn: 35.000 đồng/kg cho mặt hàng rau, củ, quả, 130.000 đồng/kg cho các loại thịt; 30.000 - 35.000/vỉ đối với trứng gà… “Chúng tôi gấp rút thành lập siêu thị này để giải quyết nhu cầu cấp thiết về mua sắm thực phẩm cho một bộ phận người dân đang gặp khó khăn, đặc biệt là các khu phong tỏa, cách ly. Do đó, chúng tôi ưu tiên các đơn hàng hộp thực phẩm tầm 20 - 30kg cho nhóm 3 - 5 người với mức giá rẻ nhất có thể. Đồng thời, đây cũng là kênh kết nối nhằm kịp thời tiêu thụ các loại nông sản đang tắc đầu ra của bà con nông dân một số tỉnh phía nam. Vấn đề xe cộ khá khó khăn trong thời điểm này nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực đàm phán các bên để duy trì mức giá tốt nhất cho người mua, đặc biệt là các đơn số lượng lớn”, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Trưởng ban điều hành Foodshare Market cho biết thêm. 

Khi cả thành phố chỉ còn gần 50 trên tổng số 234 chợ truyền thống mở cửa, sự đa dạng của các loại hình kinh doanh thực phẩm trên thị trường, đặc biệt là kênh trực tuyến đã và đang phần nào giúp người dân hạn chế ra ngoài mà vẫn có đủ nhu yếu phẩm trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tại cuộc họp gần đây, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã vận động, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ hàng hóa thiết yếu để đem hàng hóa, thực phẩm bình ổn đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chợ đầu mối Hóc Môn và một phần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức được hoạt động trở lại chắc chắn sẽ giải quyết phần lớn lượng rau củ cho người dân trong những ngày tới. 

Trong khi mở rộng mạng lưới cung cấp thực phẩm, TP Hồ Chí Minh cũng tính toán các phương án để “khởi động” lại hệ thống chợ truyền thống với các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. UBND TP Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản khẩn đến UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và một số sở, ngành liên quan về việc tổ chức lại hoạt động các chợ truyền thống bảo đảm an toàn. Theo đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được yêu cầu khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động.

Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình, rà soát tổng thể để có phương án điều tiết phù hợp, bảo đảm thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn. Các địa phương cần tính toán phương án phát phiếu vào chợ, bố trí vách ngăn, mua bán xen kẽ, hàng hóa đóng gói sẵn, khuyến khích bán hàng trực tuyến, qua điện thoại nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong mùa dịch.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện phải tranh thủ từng ngày để siết chặt quy trình phòng, chống dịch. Tập trung xét nghiệm ở những nơi nguy cơ cao, tách F0 ra cộng đồng với phương châm rõ, nghiêm, nhanh, chắc và hiệu quả. Về cung ứng hàng hóa, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hạn chế lương thực trong các khu phong tỏa. Nếu gặp khó khăn về lương thực, địa phương phải kết nối nhanh với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để tìm nguồn hàng. Tuyệt đối không để bà con thiếu đói.