Chia sẻ gánh nặng học phí

Dự kiến học phí tăng tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng gấp đôi và từ năm học 2022-2023, học phí tại nhiều trường đại học công lập cũng đồng loạt công bố tăng giá…

Mức học phí tăng tạo áp lực cho nhiều gia đình.
Mức học phí tăng tạo áp lực cho nhiều gia đình.

Hà Nội dự kiến tăng học phí

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố dự thảo Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026.

Mức học phí được phân chia theo bốn vùng thay vì ba vùng như năm ngoái. Trong đó, vùng 1 gồm trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Vùng 2 là địa bàn thị trấn thuộc các huyện của thành phố Hà Nội. Vùng 3 bao gồm xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện của thành phố Hà Nội (trừ các xã miền núi). Vùng 4 gồm các xã miền núi thuộc các huyện của thành phố Hà Nội. Với các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên, học phí vùng 1 và vùng 2 dự kiến 300.000 đồng/tháng trong năm học 2022-2023. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4). Riêng bậc tiểu học được miễn học phí.

Như vậy, năm học tới học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022, học phí tại các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên với lớp mẫu giáo 5 tuổi và THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS đóng 155.000 đồng/tháng ở vùng thành thị, 75.000 đồng/tháng ở vùng nông thôn và 19.000 đồng/tháng ở miền núi.

Mức học phí này được đánh giá sẽ tạo gánh nặng không hề nhỏ với các bậc phụ huynh, đặc biệt những gia đình thu nhập thấp. Bởi năm nay thu nhập của nhiều người vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong khi rất nhiều mặt hàng trên thị trường đã tăng giá. Bên cạnh đó, cứ đến đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, các khoản thu phí đầu năm,... 

Ở góc độ quản lý, hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ với khó khăn và áp lực mà những gia đình thu nhập thấp đối mặt khi học phí tăng. Tuy nhiên, bà cho rằng những gia đình này đã được Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách miễn, giảm học phí, nên gánh nặng đã nhẹ phần nào. Với những phụ huynh có thu nhập trung bình khá trở lên, bà nhận định mức tăng không gây nhiều khó khăn, vì “mức chi cho việc học thêm của con cao hơn nhiều so với học phí”. Bà đánh giá việc tăng học phí là cần thiết, đúng lộ trình nhằm tăng chất lượng giảng dạy trong các nhà trường, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. 60% học phí sẽ được dùng cho các hoạt động của trường, từ chuyên môn đến những sửa chữa nhỏ liên quan tới cơ sở vật chất; 40% trích lập quỹ lương cho giáo viên. 

Tuy nhiên, điều mà rất nhiều phụ huynh quan tâm là học phí tăng có đi kèm với chất lượng hay không. “Học phí tăng nhưng bên cạnh những yếu tố khách quan, chất lượng đào tạo cũng cần được nâng lên. Đồng lương của giáo viên được cải thiện, thầy cô giáo có thêm động lực gắn bó tâm huyết, cống hiến cho nghề. Học sinh được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, không còn cảnh chạy xô tham gia các lớp học thêm ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt,  phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường… Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng, dù khó khăn, tất cả phụ huynh đều đồng thuận với câu chuyện tăng học phí”, anh Nguyễn Văn Mạnh, phụ huynh có con học cấp THCS tại Hà Nội bày tỏ quan điểm. 

Đại học công lập đồng loạt tăng học phí

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí các khối ngành: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật là 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); Y Dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng)...

Như vậy, so với năm học 2021-2022, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 10,2 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng hai lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Nghị định 81 cũng quy định, cơ sở giáo dục đại học trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, lộ trình tăng học phí và dự kiến cho cả khóa học.

Đến thời điểm này, trong đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, nhiều trường đại học từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đều có điều chỉnh theo hướng tăng học phí. Theo thông báo của Đại học Y Hà Nội, mức học phí của một số chuyên ngành đào tạo sẽ tăng mạnh trong năm học 2022-2023.

Cụ thể, các ngành răng-hàm-mặt và khối ngành y dược của trường gồm: Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng sẽ có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng; khối ngành sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng sẽ có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, so với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại Đại học Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.

Mức học phí dự kiến trong năm học 2022-2023 của Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là 42 triệu đồng/năm, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng/năm, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng/năm và năm học 2025-2026 lên 48 triệu đồng/năm. Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường tăng thêm 24%.

Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí năm 2022-2023 của chương trình đào tạo chuẩn dao động trong khoảng 22-28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH nằm trong mức 40-45 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin Việt - Pháp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí 50-60 triệu đồng/năm; chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế 45-50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế 55-65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm…

Giảm thấp nhất tác động

Trước việc nhiều trường đại học công lập sẽ tăng học phí ngay trong năm học 2022-2023, nhiều học sinh, phụ huynh có điều kiện kinh tế trung bình và khó khăn đã bày tỏ sự lo lắng khi cơ hội học tập sẽ bị thu hẹp. Thực tế cho thấy, để tăng cơ hội học đại học cho học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo.

Đặc biệt, từ ngày 19/5, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên đã được điều chỉnh tăng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, quy mô của chương trình này còn hạn chế vì nguồn vốn có hạn, đối tượng được thụ hưởng chỉ dừng ở học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn đều tăng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn thu học phí là một trong những điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc học phí cao quá khả năng chi trả của nhiều gia đình lại nguy cơ gạt đi cơ hội học đại học của những học sinh không đủ khả năng tài chính. Thông thường, tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường được tính từ ba nguồn: Chi phí hỗ trợ từ Nhà nước và các nguồn tài trợ; học phí; vay tín dụng. Do đó, chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nếu chỉ dựa chủ yếu vào học phí của người học là không ổn. Vì vậy, bên cạnh những chính sách học phí, cần phải có các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thấp nhất sự bất công trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục đại học do học phí gây ra. Trường đại học công lập không nên chỉ chăm chăm vào thu học phí để trang trải cho mọi chi phí mà cần tăng thu và quản lý hiệu quả các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho xã hội. Nhà nước cũng nên có chính sách đầu tư tài chính cho cả trường đại học tư, vì giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và của Nhà nước. Những học phần nào thuộc chương trình vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cho cả trường công và trường tư nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng học phí cho người học.