“Chìa khóa” đầu tiên là pháp luật

1/Khi hoạt động thiện nguyện ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc cần phải có sự định hướng đúng nguồn lực ấy, tránh những thất thoát hoặc tiêu cực như trong thời gian qua.

Những năm qua, Chính phủ đã có Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 quy định “Về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Nghị định 64 trước hết đã góp phần giảm tải khó khăn cho ngân sách nhà nước cho những hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng gây ra. Cũng nhờ đó, Nhà nước huy động được nguồn vốn từ xã hội, qua đó khắc phục được ngay các hậu quả và kịp thời cứu trợ được rất nhiều đồng bào gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo TS, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị định 64 được ban hành từ năm 2008, khi đó mạng xã hội chưa phát triển; hoạt động internet, kết nối toàn cầu vẫn còn hạn chế, chưa có dịch vụ chuyển tiền qua mạng internet. Thời điểm ban hành nghị định này chưa có khái niệm làm từ thiện online, cũng chưa có cá nhân nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, chưa phát sinh những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội từ hoạt động từ thiện tự phát của các cá nhân. Bởi vậy, khi ban hành nghị định này thì cơ quan chức năng chưa hình dung được tình huống là có thể có cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện được một số tiền lớn đến hàng trăm tỷ đồng như thời gian gần đây. 

2/Có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa có quy định khung pháp lý về hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân, đặc biệt là hoạt động kêu gọi từ thiện trên không gian mạng. Đã đến lúc cần phải có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện online, hoạt động kêu gọi, tiếp nhận từ thiện của tổ chức và đặc biệt là cá nhân. Trước những ý kiến và bức xúc của dư luận, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. 

Đây là động thái kịp thời và cần thiết, để mở rộng các đối tượng được phép kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát hàng, quà từ thiện. Tuy nhiên, theo phân tích chuyên môn, đi kèm với đó, cần quy định rõ chủ thể, điều kiện của chủ thể đứng ra kêu gọi từ thiện. Thí dụ như những người có nhân thân tốt, có đạo đức và phải đăng ký hoạt động kêu gọi từ thiện với chính quyền địa phương. Cần phải quy định về nội dung kêu gọi từ thiện như đối tượng kêu gọi, đối tượng hưởng thụ, tài sản cần quyên góp, cụ thể số lượng, thời gian quyên góp và thời gian giải ngân… Ngoài ra, vai trò giám sát của bên thứ ba hoặc của cơ quan chức năng bảo đảm sự công khai minh bạch cũng rất quan trọng. 

Để làm được việc này, luật sư Cường cho rằng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải quản lý được số người đứng ra kêu gọi, vận động, tiếp nhận hàng, quà từ thiện. Những người này phải có trách nhiệm, phải lập sổ sách theo dõi, có hóa đơn chứng từ để báo cáo khi cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi những người góp tiền vào đó có ý kiến. Trường hợp phát hiện ra sai phạm thì cần phải áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý nghiêm minh.

Báo cáo tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Hiện, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định rõ: “Ngoài các tổ chức, đơn vị như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.