Chạy đua với thời gian

Hơn 10 ngày qua, Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, hàng triệu người dân đang đối diện mức độ lây nhiễm phức tạp chưa thể truy vết F0 của dịch bệnh, khi các ca mắc mới liên tục được phát hiện. Tất cả mọi người đều tuân thủ cách ly xã hội, tự thích nghi để đối diện và vượt qua dịch bệnh.

Kiểm tra thân nhiệt phòng, chống Covid-19.
Kiểm tra thân nhiệt phòng, chống Covid-19.

Thành phố nhiều đêm không ngủ

Đêm 2-8, đêm đầu tiên hơn 400 hộ gia đình trong thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) không ngủ. Bà con buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, thích nghi nhịp sống cách ly. Mọi giao tiếp hằng ngày đều phải thực hiện nghiêm giãn cách, đeo khẩu trang 24/24 giờ. Đây là khu vực thứ sáu trên toàn thành phố thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly hoàn toàn từ đêm mồng 2 đến 16-8, khi phát hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2. 

Dịch bệnh đã bùng phát và lan rộng về vùng xa nhất của Đà Nẵng, người dân không ai bảo ai, đều tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa, bình tĩnh chuẩn bị nhu yếu phẩm và thực hiện bốn tại chỗ, ở yên trong nhà khi không có việc cần thiết phải ra ngoài. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phạm Nam Sơn cho biết, trước khi phong tỏa, địa phương đã tuyên truyền đến từng hộ dân về chủ trương của thành phố và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bà con một lòng thực hiện nghiêm, đã từng trải qua đợt phòng, chống Covid-19 trước đây, nên hiện tại, địa phương kích hoạt lại các quy trình phòng, chống dịch, phối hợp y tế dự phòng phun hóa chất khử trùng, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm...

Tại bốn khu vực đầu tiên được phong tỏa từ hơn 10 ngày nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, người dân đã bình tĩnh đón nhận nhịp sống mới. Đây là khu vực dân cư tập trung, liên quan đến ba bệnh viện lớn gồm Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Ba BV phong tỏa và người dân khu vực này nằm trong diện nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Hàng nghìn mẫu bệnh phẩm, mẫu xét nghiệm đã được thực hiện trong mấy ngày qua. Đã qua rồi nỗi sợ hãi ban đầu khi Đà Nẵng có ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng, cũng trải qua hơn 10 ngày sống trong vùng phong tỏa, gia đình chị Đinh Song Bách Xuân (trú đường Hải Phòng, đối diện BV C) ở yên tại chỗ, đóng quán cơm, tuân thủ nghiêm quy định giãn cách, cách ly. Chị thành thật, đêm đầu tiên (28-7), cả nhà hầu như không ngủ, cứ trong tâm trạng chập chờn. Nhưng, chị ngẫm lại, khi được khoanh vùng, là sẽ được an toàn, được lấy mẫu xét nghiệm sớm và an tâm. Chính sự tự giác chấp hành của mỗi người là góp phần để những người ở tuyến đầu an tâm, đủ sức chăm lo cho sức khỏe nhiều người. 

Khu vực phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, trưa 2-8, đã đồng loạt được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Lực lượng y tế dự phòng chia thành nhiều ngả, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Người dân đều bình tĩnh và tích cực phối hợp. “Phải bình tĩnh, đọc thông tin chính thống, nghe loa phường thông báo từng giờ, không có gì phải sợ hãi lúc này cả. Xét nghiệm nhanh xem mình có bị nhiễm bệnh hay không, đó mới là quan trọng. Phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, mới mong an toàn cho gia đình và cả người dân Đà Nẵng những lúc nước sôi lửa bỏng như thế này”, anh Phạm Văn Long, trú phường An Hải Đông, chia sẻ.

Sức mạnh của sự đồng lòng

Đà Nẵng đang dốc toàn sức lực để chạy đua với thời gian, hạn chế thấp nhất số ca bệnh tử vong do SARS-CoV-2. Mọi công việc được tiến hành cuốn chiếu, khẩn trương. Tăng cường truy vết, ngừa lây trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực dân cư mà các bệnh nhân SARS-CoV-2 sinh sống, thường trú và các địa chỉ mà các ca bệnh này đã từng đến trong lịch trình dịch tễ. Y tế địa phương dốc hết sức lực, trang thiết bị và con người. Các đoàn công tác đặc biệt, các chuyên gia đầu ngành, các ê-kíp tinh nhuệ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có mặt kịp thời. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đêm 30-7, Bộ Y tế thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này. Hiện, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đã được chuyển ra BV T.Ư Huế, BV Phổi Đà Nẵng và BV dã chiến huyện Hòa Vang. BV Đà Nẵng và BV C Đà Nẵng là hai cơ sở y chủ lực, điều trị các bệnh nhân có bệnh lý nặng.

BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu) với quy mô 700 giường bệnh đang được gấp rút xây dựng. Trong trường hợp tình hình dịch phức tạp, BV này có thể nâng lên 1.000 giường. Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, trang thiết bị để hoàn thành BV. BV dã chiến thứ hai tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đã được triển khai, tiếp nhận điều trị các ca mắc SARS-CoV-2, giảm áp lực cho BV Đà Nẵng. 

Những ngày trong tâm bão khi dịch bệnh hoành hành tại Đà Nẵng, hàng loạt hàng rào cách ly, chốt chặn, phong tỏa được dựng lên. Hầu hết, lực lượng chức năng đã điều động 100% quân số, chia thành nhiều đội, bảo đảm trực chiến phòng, chống dịch 24/24 giờ. Tình người, hơn bao giờ hết, lại đong đầy trên thành phố biển lúc này. Những ngày qua, tại các chốt phong tỏa, hàng trăm chuyến hàng liên tiếp nối nhau từ khắp mọi ngả đường thành phố,  sẵn sàng tiếp ứng cho những con người đang quên mình trên tuyến đầu chống dịch. 

Người dân Đà Nẵng, trong hoạn nạn, dịch bệnh, càng thể hiện tình tương thân, tương ái, giúp nhau từng điều nhỏ nhất. Cảm động với hình ảnh những người dân vội vã đến các chốt phong tỏa, mang theo vài chai nước muối, vài cuộn dây, vài ly cà-phê… Rồi những chuyến xe tải chất đầy nước uống, sữa, nước rửa chén… Nhiều người trao tặng rồi đi ngay, có những người vừa trao tặng xong lại tình nguyện làm người vận chuyển hàng vào khu vực cách ly. Tiếp sức cho những người tuyến đầu, bằng tất cả trách nhiệm của người dân trong khi thành phố nguy cấp vì dịch bệnh, nhiều hình ảnh không thể ghi lại được, chỉ có thể thu nhận bằng trực giác, bằng thấu cảm và sẻ chia. 

Chuỗi nhà hàng tiệc cưới lớn trên đường 2-9 Đà Nẵng do ông Phạm Lê Vân Long quản lý, rồi hệ thống nhà hàng của Công ty Cổ phần Amomi - Ẩm thực xèo Đà Nẵng của anh Nguyễn Tấn Vũ… đã nấu hàng nghìn suất cơm, phở… để chuyển vào tiếp sức cho các y, bác sĩ tuyến đầu. Nhiều người dân cảm động với những đôi mắt nhiều đêm không ngủ tại các chốt chặn. Trời mưa lớn, hay khi nắng rát da, nhiều người rớm nước mắt khi thấy nhiều nữ y tá, bác sĩ cắt tóc ngắn lại cho gọn gàng để thuận tiện, vệ sinh hơn trong chăm sóc người bệnh. Rồi hình ảnh các nhân viên dịch tễ trong bộ đồ bảo hộ bức bí, đến từng nhà, đi từng ngõ phố, truy vết, kê khai y tế… Từ tâm dịch Đà Nẵng, những ngày này, trong cuộc chiến gam go với dịch bệnh, sự đồng lòng, góp sức đang truyền thêm sức mạnh cho tất cả mọi người.

Cả nước đang bước vào cuộc chiến mới với dịch Covid-19. Với chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố, địa phương và đông đảo nhân dân, chúng ta đã bước đầu kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Với TP Đà Nẵng, tinh thần chung là: Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên cả nước đang ráo riết chạy đua với thời gian, đồng loạt xét nghiệm những người về từ Đà Nẵng, kịp thời phát hiện các ca mắc mới, tiến hành cách ly, khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát tình hình. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc SARS-CoV-2 như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thái Bình… đang triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.