Chất lượng được quan tâm hàng đầu

Trước thực tế, nhiều cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe thông báo xét tuyển bổ sung dẫn đến nghi ngại về chất  lượng đầu vào, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định, chất lượng đào tạo tại các trường khối ngành khoa học sức khỏe phải được quan tâm hàng đầu. Các cơ sở đào tạo phải bảo đảm về chất lượng đầu vào và đáp ứng yêu cầu trong quá trình đào tạo; đặc biệt về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đào tạo thực hành.

Giờ thực hành của sinh viên ngành khoa học sức khỏe. Ảnh: TTXVN
Giờ thực hành của sinh viên ngành khoa học sức khỏe. Ảnh: TTXVN

Mở nhiều hơn

Nhìn chung, trong mùa tuyển sinh 2021, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe giữ ổn định. Cụ thể, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2021 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm ba bài thi/môn thi như sau: 22 điểm với ngành Y khoa và Răng hàm mặt; 21 điểm với ngành Dược và Y học cổ truyền; 19 điểm đối với các ngành khác gồm: Điều dưỡng, Y dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng.

Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nhằm bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh.

Quyết định giữ ổn định mức điểm sàn như năm 2020 nhận được sự đồng thuận của phần lớn các trường trong Hội đồng Tư vấn xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề năm 2021. 

GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội phân tích, năm nay, bên cạnh phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 tương đương năm ngoái, thì số thí sinh xét tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm do một số trường y xét tuyển bằng học bạ. Vì vậy, việc giữ ổn định điểm sàn như năm 2020 hợp lý, nhằm bảo đảm chất lượng nguồn tuyển và chất lượng đào tạo. 

Tuy nhiên, sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, từ cuối tháng 10, nhiều cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe thông báo xét tuyển bổ sung. Đơn cử, Trường đại học Y Dược Hải Phòng chính thức thông báo xét tuyển bổ sung thí sinh trên cả nước ngành Y khoa trình độ đại học hệ chính quy năm 2021. Số lượng xét tuyển là 40 chỉ tiêu. Trường đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) cũng thông báo xét tuyển bổ sung ngành Bác sĩ đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ và Điều dưỡng đa khoa. Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) thông báo xét tuyển đợt 2 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 với 110 chỉ tiêu.

Trong khi đó, năm 2021 cũng được coi là nở rộ khối ngành đào tạo sức khỏe. Như Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng mở tới tám ngành mới liên quan lĩnh vực sức khỏe, gồm: Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khỏe răng miệng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu và quản lý bệnh viện. Trường đại học Hoa Sen cũng mở bốn ngành mới liên quan lĩnh vực sức khỏe là Răng hàm mặt, Dược, Kỹ thuật y sinh và Quản lý bệnh viện...

Quản cũng chặt hơn

Theo lãnh đạo Trường đại học Duy Tân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải xét tuyển bổ sung là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên nhiều thí sinh có tâm lý không muốn xác nhận nhập học. Ngoài ra, với việc thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng tới ba lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, hầu hết thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học ngay từ đợt 1. Số thí sinh xác định xét tuyển bổ sung không nhiều, nhất là với ngành y khoa, vì nếu đạt được ngưỡng điểm để xét tuyển bổ sung, thì các em cũng trúng tuyển vào nhiều ngành, trường khác. Vì vậy, một số em không đủ kiên nhẫn để đợi xét tuyển bổ sung.

PGS, TS Ngô Minh Xuân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Để được xét tuyển thí sinh phải đạt được ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo và trường quy định. Ngoài ra, điểm trúng tuyển lần sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Do đó, ở góc độ nào đó, chất lượng đầu vào ít nhất là bằng, thậm chí còn nhỉnh hơn so xét tuyển đợt 1.

GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, để duy trì được chất lượng đào tạo nhóm ngành sức khỏe, ngoài việc các cơ sở tự mình nâng cao chất lượng, phải có sự vào cuộc giám sát mạnh mẽ của các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan quản lý, xã hội vì tại nhiều nơi, nhiều trường, tính tự giác học thuật chưa được đề cao. 

Ông Trịnh Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Cục đang rà soát thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả tuyển sinh của các trường. Việc tuyển sinh bổ sung vẫn phải bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn như: Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, điểm chuẩn phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1.