Cấp bách giải quyết ô nhiễm không khí

Không khí tại TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người dân. Chính quyền, sở, ngành liên quan cần đưa ra nhiều giải pháp nhằm đối phó hiệu quả với tình trạng này.

Lượng phương tiện tham gia giao thông quá tải là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Kẹt xe trên quốc lộ 13, quận Thủ Đức.Ảnh: A
Lượng phương tiện tham gia giao thông quá tải là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Kẹt xe trên quốc lộ 13, quận Thủ Đức.Ảnh: A

Mức độ ô nhiễm không ngừng tăng

Theo ghi nhận tại vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) gần đây, tình trạng sương mù xuất hiện khiến việc tham gia giao thông lúc cao điểm buổi sáng bị ảnh hưởng. Đây là nút giao thông phức tạp bởi hằng ngày có hàng chục nghìn lượt xe tải, xe container ra vào cảng Cát Lái thường xuyên nên lượng khói xả từ các phương tiện này rất lớn.

Anh Hồ Văn Nam, chạy xe ôm khu vực này cho biết, tháng 9 và 10 hằng năm, người dân thường phải chứng kiến hiện tượng sương mù dày đặc trong không khí vào buổi sáng sớm. “Anh em chạy xe ôm phải đeo khẩu trang và kính, nhỏ mắt để hạn chế phần nào khói bụi”, anh Nam cho hay.

Theo thông tin từ Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), việc quan trắc chất lượng không khí được triển khai tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày/tháng vào hai khung giờ từ 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút sáng và từ 15 giờ - 6 giờ chiều. Kết quả cho thấy, ô nhiễm không khí chín tháng năm 2019 được thể hiện với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Nồng độ các chất ô nhiễm tại vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương (quận 12) và ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức) thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vòng xoay Mỹ Thủy có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc.

Ông Cao Tùng Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường cho biết, thành phố hiện có khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố. Bên cạnh đó, do có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến đông đảo người dân đô thị. Ngoài ra, hoạt động xây dựng diễn ra khắp nơi trong thành phố và hầu như suốt ngày đêm, gây ra ô nhiễm không khí và tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh nhận định thêm, sự gia tăng phức tạp của các phương tiện cơ giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và không khí. Các loại phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cấp bách giải quyết ô nhiễm không khí ảnh 1

Hình ảnh ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh ngày 22-10. Ảnh: Zing

Phải giám sát chặt chẽ nguồn thải

Về giải pháp, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, trước hết, cần từng bước kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng với phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch; triển khai lắp camera, hệ thống quan trắc tự động để theo dõi giám sát các công trình xây dựng nhà cao tầng, hạ tầng giao thông và công khai thông tin để mọi người cùng theo dõi; triển khai phí khí thải, đăng ký nguồn thải, kiểm kê khí thải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát nguồn thải; đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như: năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp…

Theo PGS, TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), dự báo mức tăng phát thải vào năm 2025 là gần 40% cho các chất (trừ SO2 và TSP có mức tăng chậm hơn với 30% và 28% tương ứng). Năm 2030 dự báo sẽ tăng từ 40 - 50% cho các chất (đối với NMVOC và CO đến 65%). Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng thành phố cần định kỳ 5 năm cập nhật số liệu phát thải khí thải. Đồng thời, kết hợp mô phỏng chất lượng không khí để xác định khu vực có nồng độ cao và tải lượng phát thải khí thải cao. Từ đó, đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi một số giải pháp kiểm soát cho phù hợp thực tế.

Cũng theo các chuyên gia môi trường, thành phố cần tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải, đặc biệt là với các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí.

Ngoài ra, cần tập trung kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng như: Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các công trình, dự án xây dựng. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, bảo đảm mật độ cây xanh trong xây dựng và quy hoạch; thực hiện giãn mật độ dân số; tăng cường các mảng xanh, hồ nước…, nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.

Tới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, ông Cao Tùng Sơn cho hay, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng ra khuyến cáo đối với người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa, cần hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm. Sở cũng khuyến khích người dân thường xuyên nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý; tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống; hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.