Cách làm hay ở nước ngoài

1/Thường xuyên chịu thiên tai khắc nghiệt, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong quy định và quản lý các hoạt động từ thiện. Sau “đại địa chấn” 7,3 độ richter ở phía tây Nhật Bản vào tháng 1/1995, hoạt động của các nhóm tình nguyện đã thu hút sự chú ý của xã hội, dẫn đến việc ban hành Đạo luật thúc đẩy các hoạt động phi lợi nhuận cụ thể (Luật NPO) của Nhật Bản. Luật có hiệu lực vào năm 1998 và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy các chương trình hành động xã hội. 

Nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài tham gia hoạt động từ thiện. Ảnh: GETTY
Nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài tham gia hoạt động từ thiện. Ảnh: GETTY

Hệ thống pháp luật liên quan vận hành, tổ chức hoạt động từ thiện ở Nhật Bản được quy định nghiêm ngặt nhằm bảo đảm thật sự “hoạt động phi lợi nhuận” và những người tổ chức không thể trục lợi từ hoạt động nhân đạo. Bản sửa đổi toàn diện của Luật NPO đã được thông qua vào tháng 12/2008.

Thảm họa động đất - sóng thần vào tháng 3/2011 đánh dấu bước ngoặt trong đời sống xã hội ở đất nước mặt trời mọc, bao gồm cả lĩnh vực từ thiện. Theo Reuters, trong một tháng sau trận động đất, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản quyên góp được gần 1,3 tỷ USD, tăng đột biến so số tiền quyên góp cho hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ nạn nhân trận động đất - sóng thần những năm trước đó. Chính phủ và Hội Chữ thập đỏ nhanh chóng thành lập một ban điều phối nhằm phân phối tiền cứu trợ trực tiếp tới các nạn nhân. 

Năm 2014, báo cáo của Trung tâm các tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản (JNPOC) về Xu hướng quyên góp ở Nhật Bản cho thấy, thống kê sơ bộ tổng số tiền quyên góp cá nhân cho hoạt động từ thiện trong nước ở Nhật Bản tương đương 0,2% GDP. Ước tính cứ hai người Nhật trên 15 tuổi thì có một người đã quyên góp tiền hoặc hiện vật cho hoạt động từ thiện.

2/Hiện nay có sáu hình thức tổ chức từ thiện cơ bản được công nhận ở Nhật Bản, khác nhau ở quy mô đăng ký và mức độ tài chính cam kết. Ngoài ra còn có các tổ chức thành lập đặc biệt như công ty phúc lợi xã hội, quỹ của trường tư thục… Cá nhân hay tổ chức có nhu cầu thành lập quỹ từ thiện có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhưng phải được cơ quan chức năng thông qua và đáp ứng yêu cầu như: mức chi phí cam kết đóng góp; giới hạn đối với các hoạt động được phép thực hiện theo luật và quy định hiện hành; chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và quan trọng nhất là đáp ứng các quy tắc kiểm toán, kế toán và báo cáo chặt chẽ. 

Nếu muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động, quỹ đó phải đủ điều kiện để thay đổi trạng thái thành “tổ chức từ thiện” hoặc “hiệp hội từ thiện”. Một tổ chức như vậy phải đáp ứng 18 yêu cầu được pháp luật quy định. Như bảo đảm thực hiện vì mục đích lợi ích cộng đồng; có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để hoạt động vì lợi ích cộng đồng; không sử dụng tài sản vào mục đích riêng.

3/Tại Anh, mọi cá nhân, tổ chức (hiệp hội, quỹ hoặc công ty từ thiện) có tổng thu nhập hằng năm từ 5.000 bảng Anh (khoảng 154 triệu Việt Nam đồng) trở lên, phải đăng ký với Ủy ban từ thiện quốc gia. Khi một tổ chức từ thiện độc lập đạt “thu nhập” đến ngưỡng này, tổ chức đó sẽ phải đăng ký vào năm tài chính tiếp theo. Biểu mẫu đăng ký trực tuyến của Ủy ban từ thiện Anh yêu cầu người nộp đơn xác nhận rằng thu nhập của họ trên 5.000 bảng, nhằm chứng minh tài chính đủ “dư dả” để hoạt động với mục đích vì cộng đồng. Khi tổ chức từ thiện đã đăng ký, họ có khả năng nhận tài trợ từ các nhà hảo tâm, ngoài ra cũng có thể xin miễn giảm thuế đối với một số loại thuế kinh doanh tại cơ sở của mình. Tổ chức từ thiện đã đăng ký phải tuân theo các quy tắc của Ủy ban từ thiện, đặc biệt là kiểm toán hằng năm và báo cáo kế toán công khai của tổ chức đó.