Bắt nhịp bình thường mới

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội hiện nay đã tương đối an toàn với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn so nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, thành phố có thể cân nhắc cho phép thêm một số loại hình dịch vụ hoạt động trở lại. 

Xe bus, taxi, xe công nghệ được phép hoạt động trở lại. Ảnh: NGUYỆT ANH
Xe bus, taxi, xe công nghệ được phép hoạt động trở lại. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nới lỏng có kiểm soát

Hà Nội đã chống dịch theo Chỉ thị 16 với gần 60 ngày giãn cách và thêm ba tuần thực hiện theo Chỉ thị 15, được đánh giá là phù hợp diễn biến phức tạp trên cả nước nhằm khống chế sự lây lan của biến chủng Delta. 

10 giờ sáng 12/10, trên phố Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), điểm trung chuyển xe bus Cầu Giấy vẫn vắng hoe. Những hàng ghế chờ xe bus vắng người. Xe khách, xe bus, xe công nghệ xếp hàng dài nhiều tháng nay không hoạt động. Anh Lê Văn Thành (ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) lái taxi đỗ tại bến này nay phải chuyển sang giao hàng. Anh tâm sự, khi chạy xe máy, nhiều người nhờ anh chuyển giúp hàng hóa nhưng anh phải từ chối vì tuân thủ quy định của thành phố. Còn anh Nguyễn Văn Hạnh (ở Thạch Thất), lái xe grab cũng ở khu vực này mong chính quyền thành phố nới lỏng thêm, cho xe ôm hoạt động để người dân đi lại cho dễ.

Chị Đỗ Thị Luân (Láng Thượng, Đống Đa) có công việc ở một trang trại trồng hoa ở ngoại thành. Thường ngày chị đi xe bus đi làm nhưng thời gian qua cũng không thể đi vì khoảng cách quá xa. Chị chuyển sang túc tắc bán đồ ăn ngay cạnh nhà cho người qua đường. Chị cho biết: “Tôi nghỉ cũng đã lâu lắm rồi, từ 27/4 tới giờ, cũng gần sáu tháng rồi nên cuộc sống rất khó khăn!”.

Phố Chùa Láng, quận Đống Đa vốn được coi là vùng xanh của thành phố Hà Nội từ ba tháng nay. Dọc con phố này, những tấm biển: “Bán mang về” từ quán ăn đến cà-phê treo khắp nơi. Chị Nguyễn Thị Hiền bán đồ ăn sáng trên phố này đã 10 năm nay. Tuy nhiên, đây là năm đặc biệt nhất chị phải đóng cửa hàng ngót nửa năm, thu nhập giảm 70%. Từ khi nới lỏng theo Chỉ thị 15, chị thu hẹp mặt hàng, chỉ còn bán mỗi bánh mì kẹp. Chị cũng không thể thuê nhân viên mà tự làm mọi việc.

Dọc đường Láng Hạ, quận Đống Đa có rất nhiều nhà hàng, quán xá lớn bán đồ ăn và bia hơi. Dù được phép bán mang về nhưng do đặc thù kinh doanh, nên cũng rất ít người mua. Thậm chí số tiền thuê nhân công bán mang về cũng thấp hơn so tiền lãi. Doanh thu ít, không đủ trả tiền nhà, tiền công cho nhân viên nên các cửa hàng vẫn cửa đóng then cài, duy nhất, chỉ còn những người bảo vệ là còn làm việc. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội đang từng bước được kiểm soát nên việc nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh là phù hợp. Hiện tại, Hà Nội đã tiêm hơn 8,43 triệu mũi vaccine. Trong đó, hơn 5,9 triệu mũi 1 (đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi), hơn 2,53 triệu mũi 2 (đạt 42,1% dân số trên 18 tuổi).

Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt

Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết hướng đến mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Quan điểm đặt ra là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Cùng với đó, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

Nghị quyết cũng đưa ra bốn cấp độ dịch. Điều nổi bật là trong cả bốn cấp độ dịch, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh vẫn được hoạt động; cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19…

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng: “Nới lỏng một cách có kiểm soát là những hoạt động nào liên quan tới làm ăn kinh tế, liên quan tới phát triển kinh tế trọng điểm, liên quan tới đi lại của người dân, liên quan tới các địa phương với nhau, chúng ta nên nới lỏng. Việc nới lỏng thực hiện linh hoạt với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19!”.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công điện số 21-CĐ/UBND ngày 13/10 về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, từ 6 giờ ngày hôm nay 14/10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường xong vẫn khuyến khích làm việc trực tuyến. Xe bus, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn. Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm hai mũi vacine phòng Covid-19. Tất cả các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm 5K, yêu cầu khách hàng quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố.