Bài toán quy hoạch điểm đỗ xe tại Hà Nội

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, thành phố hiện đang có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên ra vào. Lưu lượng xe không ngừng tăng nhanh không chỉ dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông (ATGT) mà còn gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông (HTGT) tĩnh như điểm đỗ vốn mới chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu.

Vỉa hè bị chiếm dụng trông giữ xe, người dân phải đi bộ dưới lòng đường.
Vỉa hè bị chiếm dụng trông giữ xe, người dân phải đi bộ dưới lòng đường.

Kỳ 1: Áp lực lớn lên hạ tầng giao thông

Kiểm tra là ra vi phạm

Gần đây, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội cùng đoàn công tác liên ngành đã tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố. Bên cạnh điểm sáng về khai thác các bãi đỗ xe cao tầng, ứng dụng công nghệ trong quản lý thì HTGT tĩnh còn nhiều bất cập. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hình thành những bãi đỗ xe trái phép, không bảo đảm an toàn, thu phí cao nhiều lần giá quy định…  vẫn phổ biến. Trong khi đó, nỗ lực xử lý vi phạm của lực lượng chức năng (LLCN) chỉ như… “bắt cóc bỏ đĩa”.

Điển hình như bãi trông xe trên phố Triệu Quốc Đạt, trước cổng Bệnh viện Phụ sản T.Ư được cấp phép cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tuyết (trú tại số 908 phố Trương Định, quận Hoàng Mai). Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tuyết được sử dụng tạm thời 350 m² vỉa hè để trông giữ xe đạp, xe máy. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra (9 giờ ngày 15-5), bãi trông giữ này đã sử dụng vượt diện tích, xếp xe tràn kín vỉa hè. Người dân phải đi bộ dưới lòng đường, trong khi lượng phương tiện qua lại đông đúc khiến con phố luôn trong tình trạng lộn xộn. 

Dù gây mất ATGT, ảnh hưởng mỹ quan đô thị nhưng để xử phạt những bãi xe như trên là cả một vấn đề. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác liên ngành phải đợi gần ba giờ, đại diện hộ kinh doanh mới xuất hiện. Điều đáng nói, điểm trông giữ xe này đã nhiều lần bị xử phạt về hành vi vi phạm tương tự. 

Theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, sau khi LLCN rút quân, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè ở địa điểm này lại tiếp tục diễn ra. Có thời điểm chủ bãi xe còn lấn chiếm cả lòng đường, tự ý cơi nới dựng một hàng xe để trông giữ.

Ông Nguyễn Hùng Lâm, Đội Thanh tra giao thông cơ động của Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, thông thường các bãi đỗ xe quanh khu vực bệnh viện, các tòa nhà cao tầng... hay mắc lỗi trông xe quá diện tích cấp phép. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm của LLCN thường xuyên gặp phải khó khăn từ cả phía chủ bãi xe và khách gửi khi nhiều người né tránh, không hợp tác hoặc lôi các mối quan hệ đằng sau ra gây áp lực. Có những bãi xe mất cả ngày trời mới tuyên truyền, xử phạt được.

Tình trạng thiếu điểm đỗ xe không chỉ phổ biến ở bốn quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) mà còn đặc biệt bức xúc trong khu vực từ vành đai 3 trở vào. 

Liên tục tái diễn, khó xử lý triệt để

Được thành lập cách đây 15 năm, quận Hoàng Mai khi đó chỉ có 170 nghìn dân nhưng đến nay tổng số dân đã tăng lên khoảng 600 nghìn người. Trong giai đoạn phát triển nóng, rất nhiều chung cư được xây dựng nhưng không quan tâm tới việc đồng bộ hạ tầng, đặc biệt không có tầng hầm để xe cho cư dân. Hệ quả là đến nay, hàng loạt bãi đỗ xe trái phép tự phát hình thành trên địa bàn. Theo báo cáo mới nhất của UBND quận Hoàng Mai, trong tổng số 168 điểm trông giữ phương tiện tại quận thì chỉ có 21 điểm được cấp phép hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Cường, Đội phó Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai cho biết, thời gian qua, lực lượng Thanh tra GTVT đã phối hợp kiểm tra các bãi đỗ xe, lập biên bản xử lý hàng loạt bãi đỗ xe trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, việc giải tỏa các bãi đỗ xe trái phép gặp rất nhiều khó khăn.

Lấy thí dụ về điểm trông giữ xe trái phép tại bãi đỗ xe CC2 (Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt), ông Cường cho biết, bãi xe không phép này đã tồn tại một năm nay và cũng nhiều lần bị LLCN lập biên bản xử phạt nhưng vẫn tái diễn vi phạm. Trần tình về sai phạm của mình, ông Trương Đình Hậu, đại diện điểm trông giữ xe tại CC2 cho rằng, đây là đất dự án của Công ty xây lắp điện nước nhưng do chưa triển khai xây dựng nên bà con quanh đây đến gửi xe nhờ trông. Nếu không nhận, bà con cũng chả biết đem xe đi đâu gửi…

Được biết trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có bốn khu đô thị (KĐT) gồm: bán đảo Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp với hơn 80 khu chung cư. Tuy nhiên, hiện chỉ có hai tòa nhà có tầng hầm để xe. Vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay bất cứ khoảng đất trống nào ở đây cũng đều bị biến thành nơi trông giữ phương tiện và thực hiện thu phí mỗi nơi một kiểu. 

Theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, dù không có bất cứ phương tiện bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ nhưng giá trông giữ xe đều từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ô-tô/tháng. Tại nhiều bãi xe, việc trông giữ chỉ là thỏa thuận miệng giữa chủ bãi xe và người gửi. Dù biết rủi ro luôn tiềm ẩn nhưng người dân vẫn phải đành chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Nhằm lập lại trật tự hoạt động trông giữ xe, tháng 6-2019, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND để xử lý giải tỏa 97 điểm trông giữ phương tiện không phép, trái phép. Tuy nhiên, không hiểu sao sau một năm, trên địa bàn quận vẫn tồn tại và tiếp tục phát sinh, nâng tổng số các điểm trông giữ xe không phép lên con số 147 (?). 

Về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị UBND quận Hoàng Mai cho biết, tới đây sẽ đề xuất cấp phép tạm thời cho 41 điểm trông giữ phương tiện, còn lại dứt khoát giải tỏa 106 địa điểm không bảo đảm an toàn. 

Ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND quận Hoàng Mai cũng thẳng thắn: “Việc xử lý các bãi đỗ xe không phép chỉ là giải pháp tình thế bởi bản chất vẫn là không giải quyết được việc tìm bãi đỗ xe cho người dân theo đúng quy định. Mỗi lần ra quân, giải tỏa bãi xe này, người dân lại tràn sang bãi xe trái phép khác để gửi. Quan điểm của quận là muốn giải tỏa thì phải cấp phép, có điểm trông chính quy thì người dân mới đến. Tuy nhiên, do HTGT chưa đồng bộ nên những vị trí đáp ứng được tiêu chuẩn trên địa bàn không nhiều…”.

“Vướng” về chính sách, buông lỏng trong quản lý

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc rà soát, thống kê toàn bộ các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn, Thanh tra Sở GTVT sẽ tham mưu, đề xuất Sở GTVT TP Hà Nội thu hồi giấy phép các điểm có nhiều bất cập về tổ chức giao thông, không bảo đảm an toàn hoặc vi phạm nhiều lần. Đồng thời, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, chống tái lấn chiếm tại các điểm mà Thanh tra Sở đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu giải tỏa, dừng hoạt động trông giữ trái phép.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ xe cho người dân như hiện nay, ông Cường cho rằng, cần có cuộc rà soát tổng thể để xem xét, cấp phép cho các tổ chức, cá nhân tạm thời trông giữ phương tiện tại các khu đô thị, khu đất trống, đất DA chậm triển khai… bảo đảm các điều kiện về trật tự, ATGT và phòng, chống cháy nổ. Việc này không chỉ giải quyết được nhu cầu điểm đỗ cho người dân mà còn giúp thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước.

Thực tế, theo phân cấp quản lý tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường do Sở GTVT cấp phép sử dụng, còn UBND các quận, huyện cấp phép sử dụng điểm đỗ trên vỉa hè. Điều này cũng đồng nghĩa việc chấn chỉnh vi phạm, lập lại trật tự các điểm trông giữ xe phải có sự tham gia thống nhất của nhiều LLCN. Hiện nay, rất nhiều vị trí đất trống, đất dự án chưa triển khai đang được tận dụng làm bãi đỗ xe một cách trái phép. Việc xử lý, giải tỏa các địa điểm trên không dễ dàng nhưng cấp phép cũng khó tương tự bởi phần lớn đều rất khó xác định chủ nhân thật sự hoặc đang trong tình trạng tranh chấp… 

Ngoài vướng về chính sách thì vẫn còn có câu chuyện buông lỏng quản lý từ cấp chính quyền cơ sở. Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải lập lại trật tự tại các điểm trông giữ xe. Nếu không giải quyết triệt để, chủ tịch các quận, huyện, thị xã phải có hình thức xử lý nghiêm đối với chủ tịch phường, xã và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trên thực tế, đã có những lãnh đạo bị kỷ luật, tuy nhiên câu chuyện quản lý các điểm trông giữ xe vẫn nan giải.

(Còn nữa)

Sáu tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 172 điểm trông giữ xe vi phạm, phạt tiền hơn 852 triệu đồng. Trong đó có 120 trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện và 52 trường hợp tự ý tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cấp phép.