“Ăn đong” vì thiếu giáo viên

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, cũng là lần đầu môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc; ở lớp 10, môn nghệ thuật (gồm hai phân môn âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào là môn học tự chọn. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên dạy các môn mới kể trên khá trầm trọng nên khó tránh khỏi 
tình trạng “ăn đong”.

Việc thiếu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gây nhiều khó khăn trong phân công giảng dạy. Ảnh: KHIẾU MINH
Việc thiếu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gây nhiều khó khăn trong phân công giảng dạy. Ảnh: KHIẾU MINH

Loay hoay đã bốn năm

Dù chỉ còn khoảng hơn bốn tháng nữa bắt đầu vào năm học mới nhưng với nhiều điểm trường tiểu học cách xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, việc bố trí đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học vẫn là một bài toán nan giải.

Ông Tô Quang Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần (Hà Giang) cho biết, huyện Xín Mần cũng giống như các huyện vùng núi, hải đảo đang thiếu rất nhiều giáo viên tiếng Anh, Tin học. Cụ thể, hiện nay 5/20 trường tiểu học trên địa bàn huyện Xín Mần có giáo viên tiếng Anh, trong năm trường đó mỗi trường có một thầy/cô dạy tiếng Anh. 

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai mới đây, dự kiến năm học 2022-2023, tỉnh sẽ có 284 trường tiểu học, trong đó có 210 trường tiểu học và 74 trường phổ thông có cấp tiểu học. Để triển khai dạy tiếng Anh và Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 bắt đầu từ năm học tới, toàn tỉnh cần bổ sung 132 giáo viên dạy học hai môn này.

Không chỉ các trường ở vùng khó khăn, TP Hồ Chí Minh cũng lọt vào­­­­ danh sách các địa phương thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh, Tin học theo thống kê của ngành giáo dục. Sơ bộ, trên cả nước, nơi còn thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh là TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Cao Bằng… Bên cạnh đó, có huyện không có giáo viên tiếng Anh do trước đây tập trung giáo viên tiếng Anh cho cấp học khác (thí dụ huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có 15 trường tiểu học “trắng” giáo viên tiếng Anh). Hiện có hơn 100 trường không thể bố trí được giáo viên dạy Tin học tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Gia Lai, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào đầu tháng 4, các địa phương đều cho rằng, dù chương trình ban hành từ năm 2018, tức là đã có ít nhất ba đến bốn năm chuẩn bị nhưng hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, tiếng Anh (tiểu học); môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp THPT.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục phổ thông nhưng do trước đó việc sáp nhập nhiều trường tiểu học dẫn đến nhiều điểm trường có khoảng cách xa, khó khăn cả về quản lý lẫn đầu tư cơ sở vật chất. Một số trường tiểu học chưa có giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh, Tin học. Đối với bậc THCS, THPT, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới dẫn đến mất cân đối đội ngũ, thừa thiếu cục bộ (học sinh THPT chỉ chọn 5/10 môn). Các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật lớp 10 chưa hề có giáo viên dạy học.

Còn ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết, hai năm qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ dự tuyển, khi phỏng vấn chỉ có vài ba người. Sở cũng đã làm việc với Trường đại học Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương, tuy nhiên, với ngành học như âm nhạc, mỹ thuật khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn về miền núi dạy học nên sinh viên không lựa chọn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022-2023, nguồn tuyển rất khó khăn, tỉnh thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh ở tiểu học, cấp THPT thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Trừ ba trường phổ thông liên cấp, còn lại 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. 

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang còn thiếu 185 giáo viên dạy Tin học lớp 3 cho năm học 2022-2023. Tỉnh này cũng chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ở cấp THPT, địa phương này chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, đó là chưa kể đến việc lựa chọn tổ hợp các môn học theo chương trình mới đối với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 còn nhiều bỡ ngỡ. 

Ngay tại Hà Nội, cho dù cận kề năm học mới, nhiều trường THPT vẫn chọn giải pháp “lỡ hẹn” với một số môn tự chọn do thiếu giáo viên. 

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, ngay từ năm học 2022-2023, nhà trường chưa có được đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật. Do vậy, việc trước mắt là trường sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các môn học này. Việc dạy tổ hợp các môn nghệ thuật sẽ được nhà trường thực hiện trong năm học tiếp theo, khi sắp xếp được giáo viên. 

Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho biết, do thiếu giáo viên nên tạm thời năm học tới, trường không tổ chức môn nghệ thuật trong chương trình học chính khóa. Bù lại, trường sẽ đẩy mạnh câu lạc bộ các môn nghệ thuật để học sinh sinh hoạt, thể hiện năng khiếu.

“Ăn đong” vì thiếu giáo viên -0
Thiếu giáo viên đứng lớp là tình trạng chung của nhiều địa phương. Ảnh: LÊ MINH

Khó khăn trong công tác giảng dạy

Nói về tình trạng thiếu giáo viên dạy môn học mới, lý do được chỉ ra là một số địa phương chưa tính đến giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trong định mức phân bổ số lượng người làm việc; thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học cho cấp tiểu học. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các địa phương đã phải lùi thời gian, thay đổi hình thức... dẫn đến chậm tiến độ. Một số địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Đặc biệt, việc ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm, dẫn tới nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động này.

Theo nhận định của đại diện Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc thiếu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy. Đối với cấp tiểu học, nhiều nơi không tính đến giáo viên tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong định mức phân bổ số lượng làm việc nên khó khăn cho việc tuyển dụng. Sử dụng đội ngũ giáo viên Tin học, tiếng Anh, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và Tin học cho cấp tiểu học, đặc biệt giáo viên tiểu học vừa có trình độ tiếng Anh, Tin học vừa có nghiệp vụ sư phạm. 

Các cơ sở đào tạo mã ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học không nhiều cũng là một phần nguyên nhân khiến việc đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học gặp nhiều khó khăn. 

Đối với cấp THPT thì hầu hết các trường chưa có giáo viên dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc, gây ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tổ hợp môn học lựa chọn. Nếu không giải quyết được bài toán này, nhiều học sinh có nhu cầu học Mỹ thuật và Âm nhạc sẽ mất đi cơ hội học phát triển năng khiếu trong năm học tới đây. 

“Ăn đong” vì thiếu giáo viên -0
 Cần xây dựng chính sách cho giáo viên dạy liên trường. Ảnh: TTXVN

Giải pháp trước mắt

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn về việc tổ chức dạy học môn tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học, cho phép điều động, biệt phái giáo viên dạy liên trường, liên cấp từ năm học tới. 

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng theo hướng dẫn về việc chuẩn bị đội ngũ nhằm bảo đảm đủ số lượng giáo viên dạy học theo lộ trình. Thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn học. Có phương án hỗ trợ khi điều động, biệt phái giáo viên dạy liên trường, liên cấp phù hợp thực tế của địa phương. 

Bộ cũng cho phép các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Thậm chí, giáo viên có thể dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến khi bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền. 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, bố trí dạy liên trường, cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường, xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường... Đồng thời, lưu ý các địa phương tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử... 

“Ăn đong” vì thiếu giáo viên -0
Thiếu giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới xảy ra ở nhiều tỉnh. Ảnh: TTXVN 

Giao chỉ tiêu đào tạo những ngành còn thiếu giáo viên

Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và  Đào tạo) cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và  Đào tạo giao chỉ tiêu tối đa cho các trường sư phạm đào tạo những ngành còn thiếu giáo viên.

Theo đó, trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu giáo viên, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Tức là trường đăng ký bao nhiêu chỉ tiêu, Bộ sẽ giao tối đa để đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, mới đây Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (địa phương) về việc đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ 2020 đến 2022. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và năng lực đào tạo của trường, Bộ Giáo dục và  Đào tạo đã xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên các năm 2020, 2021 cho các cơ sở đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của Bộ.

Để bảo đảm nhu cầu giáo viên mà các địa phương đã đề xuất đến năm 2022 và các năm tiếp theo (từ 2023 đến 2025) sát với nhu cầu sử dụng, số lượng giáo viên cần tuyển sinh, đào tạo theo đề xuất của các địa phương là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ Giáo dục và  Đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. Mặt khác, để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của các địa phương đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và  Đào tạo đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên của năm 2022 và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên các năm từ 2023 đến 2025.

Tán thành với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo “mở cửa” tuyển sinh với các ngành còn thiếu giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) đề nghị: Bộ cần sớm giao chỉ tiêu để các trường chủ động tuyển sinh, đào tạo. Ngoài ra, Bộ cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn; đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo liên thông cho học sinh, sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, tổ chức đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; mở mã ngành liên môn/bổ sung tín chỉ cho sinh viên đang học tại trường để dạy liên môn.

Hiện, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã mở một số ngành mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Ngoài các ngành sư phạm truyền thống, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Theo đó, sinh viên được đào tạo theo hướng tích hợp để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Từ mùa tuyển sinh năm 2019, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường này tuyển 43 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Lịch sử-Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên là 160 sinh viên và ngành Sư phạm Lịch sử-Địa lý là 190 sinh viên. Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với chỉ tiêu lần lượt qua các năm 2019, 2020, 2021 là: 50, 100, 120 sinh viên.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng đã tích cực chuyển hướng đào tạo. PGS, TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh việc mở các chuyên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Lịch sử-Địa lý, trường bổ sung kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học tại trường; để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới. Ngoài ra, sinh viên của trường còn được bồi dưỡng giống như giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổng số giáo viên tiếng Anh hiện có trên cả nước là 30.548, trong đó giáo viên biên chế là 25.561 (83,67%); giáo viên hợp đồng là 4.987 (16,33%); số giáo viên còn thiếu là khoảng hơn 3.600 người. Số giáo viên Tin học trong biên chế là 8.890; giáo viên hợp đồng là 4.085 người;  số giáo viên còn thiếu là 4.402 người. 

Theo dự báo, đến năm 2025 khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học; hơn 5.300 giáo viên nghệ thuật ở cấp THPT. 

Tránh tình trạng “ăn đong” 

Trước thực tế thiếu giáo viên, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có được chỉ tiêu; rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, tránh tình trạng “ăn đong” như hiện nay, ông Sơn đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.

Kết nối chặt chẽ giữa trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tán thành việc tăng cường các trường thực hành nhưng cho rằng cách triển khai nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới thì không phải chỉ ở trường thực hành là đủ, mà việc kết nối giữa trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông là cực kỳ bức thiết. Đặc biệt, các trường cần điều chỉnh tăng mạnh đào tạo giáo viên khối nghệ thuật vì đây là khối hiện đang có nhu cầu giáo viên rất lớn. Việc đào tạo cũng cần khảo sát, dự báo, tính toán nhu cầu, tránh bị mất cân đối. Cùng với đó, với khó khăn của các trường đào tạo giáo viên với các ngành nghệ thuật do thiếu đội ngũ có trình độ tiến sĩ, cần có giải pháp vĩ mô về chính sách để tháo gỡ chung cho các trường trong đào tạo khối ngành này.