Xét nghiệm theo hướng tiến công

Để khoanh vùng các ổ dịch một cách nhanh nhất, buộc phải tăng tốc xét nghiệm. Hiện, công suất xét nghiệm nhằm phát hiện các ca dương tính với  SARS-CoV-2 ở nước ta đã tăng 2 - 3 lần so thời kỳ cao điểm của đợt dịch trước ở Đà Nẵng. Trước diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Chính phủ chỉ đạo, phải tăng cường năng lực xét nghiệm hơn nữa.

Lấy mẫu bệnh phẩm tại KCN Quang Châu đêm 15-5. Ảnh: ĐỒ NGHỆ
Lấy mẫu bệnh phẩm tại KCN Quang Châu đêm 15-5. Ảnh: ĐỒ NGHỆ

Linh hoạt phương pháp xét nghiệm

Theo bản tin sáng 16-5 của Bộ Y tế, trong 12 giờ qua, Việt Nam có thêm 127 ca mắc Covid-19, riêng Bắc Giang là 98 ca. Đáng lưu ý, ổ dịch bùng phát ở Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và Quang Châu lan nhanh ở môi trường nhà máy, nơi hàng nghìn công nhân làm việc, ăn cùng nhau. Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, với năng lực xét nghiệm ở Bắc Giang, chỉ 1.500 mẫu/ngày là chậm, khó khăn trong việc sớm khoanh vùng, cách ly kịp thời.

Ngay trong đêm 15-5, từ Quảng Ninh đến chi viện, 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã thâu đêm lấy hơn 11 nghìn mẫu bệnh phẩm gửi đi làm xét nghiệm. Đoàn đang tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm cho khoảng 3.500 công nhân KCN Quang Châu.

Trong đợt dịch này, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cũng như phát hiện nhanh các ca dương tính, Bộ Y tế đã thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19; áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh, cho phép các cơ sở như các KCN, nhà máy, dịch vụ lưu trú, những nơi tập trung đông người xét nghiệm thường xuyên, chuyển từ thế chạy theo xét nghiệm sang tiến công.
  
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã thực hiện được hơn 3,5 triệu mẫu PCR. Đây là một trong hai phương pháp xét nghiệm được triển khai song song trên thế giới gồm xét nghiệm tìm gien virus (Real-time PCR) và xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên (quick test). Phương pháp PCR có độ chính xác cao nhưng thời gian cho kết quả từ 4 - 6 tiếng, chi phí cao và đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Còn phương pháp quick test tìm kháng nguyên thời gian cho kết quả ngắn, chỉ từ 15 - 20 phút, vận hành đơn giản, không đòi hỏi thiết bị hiện đại kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót cao.

PGS, TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: “Sau khi sàng lọc bằng test nhanh, nếu kết quả dương tính, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện bằng phương pháp PCR để khẳng định. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ kết quả PCR, chúng ta có thể khoanh vùng ngay và có phương án ứng phó những mẫu bệnh phẩm mà dương tính với quick test”. 

Bệnh viện lớn phải có phòng xét nghiệm

Hiện cả nước có 169 phòng xét nghiệm có khả năng sàng lọc SARS-CoV-2, trong đó có 114 đơn vị đủ các tiêu chuẩn để khẳng định các ca bệnh dương tính. Cùng đó, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn cho các loại hình xét nghiệm, cho các tình huống, trong đó có tình huống toàn quốc có 30 nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2. Theo Bộ Y tế, năng lực xét nghiệm và công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2 - 3 lần so các đợt dịch trước đây. Hiện, các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100 nghìn mẫu đơn/ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5, 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...).

Theo PGS, TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, phương pháp gộp mẫu mang lại kết quả tốt, tiết kiệm được sinh phẩm, nguồn lực cũng như rút ngắn được thời gian chẩn đoán. Tuy nhiên, khi áp dụng việc gộp mẫu cũng có những quy định rõ ràng. Như đối với các ca bệnh F0, F1, chúng ta không áp dụng việc gộp mẫu. Nhưng khi thực hiện điều tra trong cộng đồng, hay đối với các F2, chúng ta sẽ áp dụng chiến lược gộp mẫu.

Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho một số sinh phẩm xét nghiệm do các nhà khoa học của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất nhằm hạ giá thành xét nghiệm. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tất cả các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm khẳng định; giao Cục Y tế dự phòng tiếp tục có công văn gửi các cơ sở về tăng cường năng lực xét nghiệm. 

Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 15-5 nhận định, dù đã khoanh vùng các ổ dịch nhanh chóng, kịp thời nhưng năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết nên thời gian dập dịch, kiểm soát dịch bệnh bị kéo dài. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã lập đoàn chuyên gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ 4.000 test nhanh cho tỉnh Bắc Giang, đồng thời chi viện lực lượng y tế ở tỉnh Hải Dương về hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang xây dựng bệnh viện dã chiến tập trung.