Tín hiệu vui cho nghề giáo

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2021 - 2022, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp. Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới cần đòi hỏi đội ngũ giáo viên có chất lượng. Vì thế, năm học 2021 - 2022, điểm chuẩn đầu vào tăng cao ở khối ngành sư phạm được coi là tín hiệu vui cho nghề giáo.

Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng dạy học.
Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng dạy học.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí

Việc các trường đại học (ĐH) vừa công bố điểm chuẩn cho thấy, năm 2021 có tới 64 ngành của các trường sư phạm tăng từ 5 điểm trở lên so năm 2020. Tăng điểm tới mức ngạc nhiên là ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. 

Điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cũng cao ngang các trường kinh tế. Theo đó, điểm trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; thí sinh muốn vào các ngành sư phạm toán (dạy bằng tiếng Anh) và giáo dục chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,25. Với mức điểm này, thí sinh dù đạt điểm hai môn 9 và một môn 10 vẫn nằm ngoài cuộc đua. Còn ngành sư phạm công nghệ của Trường ĐH Sư phạm 2 cũng có điểm chuẩn là 32,5/40 - tăng tới 7,5 điểm so năm 2020.

Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, nhưng cũng ở 27,6 đối với ngành sư phạm tiểu học; 25,65 đối với sư phạm toán và khoa học tự nhiên; 25,55 đối với sư phạm ngữ văn, lịch sử và địa lý. 

PGS, TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) lý giải nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn tại khối các ngành sư phạm tăng là do năm nay chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên mà Bộ GD&ĐT giao cho các trường ĐH sư phạm giảm hơn so năm trước. Thí dụ, Trường ĐHSP Hà Nội 2, chỉ tiêu năm 2020 là gần 4.000; đến năm 2021 là dưới 1.500 chỉ tiêu. Đáng nói là  năm học 2021 - 2022, Nghị định 116/2020/NĐ-CP mới ban hành về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tạo bước ngoặt mới khiến các thí sinh nô nức ứng thi tuyển vào các khoa, trường sư phạm. Theo đó, tân sinh viên sư phạm sẽ không chỉ được miễn học phí như các khóa trước đây mà còn được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng. Như vậy, chỉ tính riêng tiền hỗ trợ phí sinh hoạt, sau bốn năm học, sinh viên sư phạm có thể nhận được hỗ trợ lên đến 142,5 triệu đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình trong điều kiện khó khăn về dịch bệnh hiện nay. 

Đáp ứng yêu cầu mới

Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho rằng, để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới từ năm học 2019 - 2020 đã đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới đối với các giáo viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các giáo viên trực tiếp đứng lớp không chỉ cần có chuyên môn giỏi như nắm chắc, hiểu sâu về nội dung chương trình, làm chủ các kỹ năng dạy học để truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất. Giáo viên còn cần có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Ngoài ra, cần trau dồi thêm năng lực giao tiếp, tuyên truyền, vận động, đánh giá trong giáo dục. “Để có được những năng lực này, đội giũ giáo viên cần phải có năng lực toàn diện và việc có được những thí sinh giỏi vào học các trường sư phạm mới đáp ứng được yêu cầu này”. 

PGS, TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cũng cho rằng: “Có thể nói chất lượng đầu vào tăng sẽ là một trong số các yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế, giáo viên là nghề đặc thù. Sản phẩm lao động của giáo viên là phẩm chất, năng lực của con người.  Vì thế, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt trái của kinh tế thị trường nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, vị thế của nhà giáo vẫn được khẳng định trong xã hội. Bên cạnh đó, sự ra đời của hàng loạt trường quốc tế, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và mức lương cao, đã góp phần tăng thêm sức hút với nghề giáo”.

Nhiều nhà giáo tâm huyết cùng chia sẻ: “Dù là phương pháp truyền thống hay đổi mới, việc hiểu sâu kiến thức, nắm chắc kỹ năng của đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn nắm giữ vai trò chủ đạo, quyết định thành bại của quá trình dạy học”. Quy định thu hút thí sinh khá giỏi vào ngành sư phạm có thể nói là thay đổi đột phá, thể hiện ý chí của người lãnh đạo coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Từ đó, xã hội sẽ phải  loại bỏ định kiến một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.