Tăng số hóa việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Từ đây, đã và sẽ có nhiều thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số được hưởng lợi trực tiếp. 

Trẻ em người dân tộc thiểu số. Ảnh: Plan International Vietnam
Trẻ em người dân tộc thiểu số. Ảnh: Plan International Vietnam

Thiếu hiểu biết nên nhiều rủi ro

Lai Châu và Hà Giang là hai địa bàn “nóng” về mua bán phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số ra nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chính tăng rủi ro mua bán người chính là tục tảo hôn. Hủ tục này khiến sinh kế của phụ nữ và trẻ em trở nên khó khăn hơn. Họ buộc phải tìm đường ra nước ngoài lao động nhưng lại thiếu kiến thức về lao động hợp pháp và an toàn, dễ trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo, buôn bán người. 

Đó cũng là lý do ra đời nền tảng kỹ thuật số “Em Vui” thuộc dự án EMPoWR, do phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ, được Viện ISDS phối hợp tổ chức Plan International tại Việt Nam và Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thực hiện. Dự án đã triển khai tại 11 huyện, 52 xã của bốn tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong ba năm từ 2020 đến 2023. Nền tảng “Em Vui” đã kịp thời hỗ trợ các nam nữ thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) tiếp cận không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội, các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người và các dịch vụ hỗ trợ.

Tính tới tháng 3/2022, dự án đã hoàn thành báo cáo khảo sát đầu kỳ và con số thực tế là rất đáng lo ngại. Chị Hoàng Bích Ngọc, cán bộ ISDS cho biết: “Khảo sát 1.725 em từ 10-24 tuổi, chỉ có 28% các em được trang bị để phòng tránh rủi ro về tảo hôn và chưa đầy 1% hiểu biết đầy đủ về các rủi ro mua bán người cũng như cách phòng tránh. Đối với không gian mạng, 91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh nhưng chỉ có 10% chia sẻ là có hiểu biết về an toàn trực tuyến. Hiện tại, địa phương không có chương trình tập huấn bài bản nào cho các em về an toàn trực tuyến”. 

Hướng tới giải quyết những thiếu sót này, nền tảng “Em Vui” đã đăng tải sổ tay an toàn mạng cùng ba video hướng dẫn chi tiết; bốn tập phim trong chuỗi 12 phim truyện tranh “Hành trình của Mỉ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng chống mua bán người… Các sản phẩm này đều đã được dự án đăng tải trên nền tảng “Em vui”, ghi nhận hàng nghìn lượt xem, đọc và tải về. 

Tiềm năng cho những diễn đàn thân thiện

Ngày 5/5 mới đây, Plan International tại Việt Nam đã phối hợp Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức hội thảo trực tuyến truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số phòng, chống tảo hôn và phòng, chống mua bán người, kết nối đến các điểm cầu Hà Giang, Lai Châu và Quảng Trị. Hội thảo ghi nhận rất nhiều ý kiến đáng chú ý, đề xuất thực tế nhằm hoàn thiện dự án.

Phóng viên Phương Trinh, Đài phát thanh truyền hình huyện Hướng Hóa, Quảng Bình chia sẻ: “Đặc thù trẻ em ở vùng biên giới, bên cạnh việc học thì các em vẫn phải phụ bố mẹ mưu sinh. Không ít phụ huynh cũng từng chính là nạn nhân của nạn tảo hôn. Bởi vậy, không chỉ các em mà bản thân phụ huynh cũng cần thay đổi tư tưởng, tâm lý. Rất mong dự án sắp tới có thêm các thông điệp vận động phụ huynh song hành để thay đổi hủ tục này”.

Trong khi đó tại địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang), “công tác tuyên truyền chống tảo hôn và buôn bán người còn gặp khó khăn do những khác biệt về ngôn ngữ, cụ thể đồng bào dân tộc thiểu số có người biết tiếng phổ thông, nhưng cũng có người chưa hiểu hết ý nghĩa. Bởi vậy, nguồn tài nguyên từ dự án nếu được dịch ra tiếng dân tộc sẽ rất hữu ích”, anh Chu Minh Quang, đại diện trung tâm văn hóa truyền thông địa phương cho hay.

Em Hồ T. N., người Vân Kiều ở Quảng Bình, chia sẻ: “Em và nhiều bạn đang sử dụng ứng dụng “Em Vui” hơn hai tháng qua. Những phim truyện tranh trên “Em Vui” rất hay, dễ hiểu, giúp chúng em dễ dàng học các kiến thức về phòng, chống tảo hôn, mua bán người và nhiều kiến thức bổ ích khác”. 

Những nền tảng như “Em Vui” cho thấy khả năng xây dựng thành các diễn đàn thân thiện, tin cậy. Nó không chỉ cung cấp kiến thức cho trẻ em dân tộc thiểu số về phòng, chống tảo hôn, nạn buôn bán người, kỹ năng mềm… mà còn là “cầu nối” đưa tiếng nói của các em đến với các cơ quan quản lý trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ phụ nữ, trẻ em của Nhà nước và địa phương.