Tận dụng camera kiểm soát vận tải Tết

Với tỷ lệ xe ô-tô kinh doanh vận tải (xe ô-tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container) đã hoàn thành việc lắp camera giám sát hành trình tăng lên đáng kể, hoạt động vận tải Tết có thêm một phương tiện kiểm soát hiệu quả. Dữ liệu từ các xe sẽ được dùng làm căn cứ phạt nguội trường hợp vi phạm.

Kiểm tra hoạt động vận tải hành khách dịp cận Tết.
Kiểm tra hoạt động vận tải hành khách dịp cận Tết.

1/ Để chuẩn bị cho tuần lễ cao điểm vận tải Tết, ngay từ đầu tháng 1/2022, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra giám sát. Bên cạnh các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện quy định phòng, chống dịch thì năm nay còn có thêm nội dung kiểm tra việc lắp đặt camera đối với xe kinh doanh vận tải.

Có mặt tại bến xe Gia Lâm, tuy lượng khách qua lại đìu hiu nhưng đa phần các nhà xe đều thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn giao thông, trong đó có cả việc lắp đặt camera. Ông Nguyễn Văn Toàn, Hợp tác xã vận tải Thanh Sơn (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết: Đơn vị đã lắp camera và tuân thủ đầy đủ quy định phòng, chống dịch như chuẩn bị nước sát khuẩn, yêu cầu hành khách khai báo y tế, đeo khẩu trang... khi lên xe. Thực hiện quy định mới, xe chỉ nhận chở tối đa 50% số hành khách mỗi chuyến.

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera và lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy hơn 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách. Đây được coi là phương tiện hỗ trợ trong công tác quản lý hoạt động vận tải, đặc biệt là dịp cao điểm phục vụ Tết.

Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: Camera giám sát vừa giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý được lượng hành khách lên xuống xe trong suốt quá trình hoạt động, vừa là dữ liệu để các cơ quan chức năng dựa vào đó xử lý được vi phạm. Về phía bến xe, chúng tôi cũng hy vọng sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào dữ liệu từ các xe hợp đồng trá hình để xử lý trường hợp vi phạm.

2/ Qua kiểm tra từ 1/1, thanh tra giao thông vận tải Hà Nội chỉ phát hiện một trường hợp xe vận tải lưu thông trên đường chưa lắp camera, còn đa phần các xe đã chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số nhà xe điều chỉnh hướng thu hình ảnh của camera chưa chuẩn, một số khác đối phó bằng cách tắt camera, không truyền dữ liệu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở) cho biết: Với những xe chưa lắp camera theo Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xử phạt và không cho lưu thông đến khi chấp hành đầy đủ quy định. Một số trường hợp lắp không đúng quy định chúng tôi yêu cầu lái xe cũng như doanh nghiệp khắc phục bảo đảm truyền dữ liệu hình ảnh về trang chủ của các doanh nghiệp và Sở Giao thông vận tải các tỉnh chủ quản. Tất cả các dữ liệu sẽ được dùng làm căn cứ phạt nguội sau này.

“Việc lắp camera có hai tác dụng, trực tiếp quản lý lái xe, quản lý xe trong suốt quá trình hoạt động. Về quản lý nhà nước, giúp cơ quan chức năng biết được xe hoạt động có đúng hành trình vận tải hay không, trên xe có chấp hành đúng công tác về kiểm soát dịch, công tác sắp xếp hành khách ngồi theo đúng quy định và có dừng đón trả khách đúng quy định để làm căn cứ phạt nguội, yêu cầu các doanh nghiệp nhắc nhở lái xe chấp hành”, ông Tuấn Anh cho biết.

3/ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, cả nước đã có 103.000/205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, theo Nghị định số 10 của Chính phủ đã lắp camera giám sát, đạt tỷ lệ hơn 50%. Các tỉnh đạt tỷ lệ cao gồm Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu hơn 90%.

Qua theo dõi cho thấy, từ ngày 1/1/2022, các xe có hoạt động kinh doanh vận tải đã thực hiện quy định lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ. Kết quả thống kê cũng cho thấy, số lượng phương tiện ngừng hoạt động và chưa thực hiện lắp camera chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 38%.

Để bảo đảm công tác lắp đặt camera đúng theo quy định tại Nghị định số 10/2020, Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Thông tư số 12/2020 của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ tiếp tục có văn bản gửi các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch lắp đặt camera để bảo đảm lắp đặt đầy đủ và duy trì hoạt động trước khi đưa phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định.