Nhiều thử thách cho đường bay thẳng Việt - Mỹ

Đường bay thẳng thương mại thường lệ Việt - Mỹ là câu chuyện hàng không Việt Nam đã theo đuổi nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ từ hàng rào thủ tục pháp lý, an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới mà còn nằm ở vấn đề lợi nhuận.

Bamboo Airways vừa thực hiện thành công chuyến bay thẳng Việt - Mỹ đầu tiên.
Bamboo Airways vừa thực hiện thành công chuyến bay thẳng Việt - Mỹ đầu tiên.

Cuộc đua sát nút 

Tối 25/9, tàu bay Boeing 787-9 Quy Nhon City của Bamboo Airways đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), hoàn thành nhiệm vụ bay kiểm chứng quan trọng, mở đường cho các chuyến bay thẳng tới Mỹ của hãng. Từ nay đến tháng 11, Bamboo Airways sẽ tiếp tục thực hiện 11 chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ đã được Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) cấp phép. Với tham vọng bắt đầu bay thẳng thường lệ Việt - Mỹ từ đầu năm 2022, hiện hãng này đã xúc tiến nhiều hoạt động dọn đường như ra mắt tổng đại lý tại thị trường Mỹ, ký kết bản ghi nhớ hợp tác với sân bay quốc tế San Francisco (SFO) và chuẩn bị các thủ tục về mặt kỹ thuật.

Về phía Vietnam Airlines, đến nay đã thực hiện được 17 chuyến bay thẳng chặng Việt - Mỹ để đưa đón công dân về nước. Ngoài các chuyến bay tới bờ Tây, Vietnam Airlines cũng thực hiện chuyến bay thẳng tới Washington ở bờ Đông nước Mỹ, sau đó qua một điểm dừng ở bang Alaska (Mỹ) rồi về Việt Nam. Từ cách đây hơn 20 năm, Vietnam Airlines cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco nhằm xây dựng hệ thống bán và tiếp cận các nguồn khách hàng. Ở giai đoạn này, hãng cũng bắt đầu hợp tác liên danh với một số hãng hàng không nội địa Hoa Kỳ như American Airlines, Delta Air Lines...  để thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. 

Đường bay thẳng Việt - Mỹ là một trong những mục tiêu có từ rất lâu của hàng không Việt Nam, được mong chờ sớm chính thức đưa vào khai thác trong tương lai không xa.

Còn nhiều thử thách
 
Tiềm năng thị trường hàng không Mỹ - Việt Nam được các chuyên gia đánh giá ở mức dồi dào, với khoảng hơn 800 nghìn lượt khách đi lại mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, bay từ Việt Nam đi Mỹ phải quá cảnh ở một nước thứ ba nên sẽ mất từ 18 giờ trở lên nếu đến bờ Tây, và từ 21 giờ trở lên nếu đến bờ Đông. Nếu có đường bay thẳng, thời gian bay sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 13 - 14 giờ.

Tại một hội thảo về đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường từng nhận định đây là thị trường rất lớn và tiềm năng. Năm 2017, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt trên 8%/năm. Trong khi đó, thị trường chỉ cần khoảng 30 nghìn khách/năm là có thể mở được đường bay ngắn. Đáng nói hơn, có đường bay, thị trường lại tiếp tục được mở rộng ra. 

Tuy nhiên, khai thác hiệu quả đường bay thương mại thường lệ Việt Nam - Mỹ không phải là việc dễ. Trước đây, United Airlines đã bay đến TP Hồ Chí Minh từ năm 2007, sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta AirLines cũng đã bay tới TP Hồ Chí Minh và cũng phải đóng đường bay rất nhanh sau đó. Xét về mặt hiệu quả kinh doanh, Mỹ không phải là một thị trường tiềm năng về lợi nhuận. Đường bay thẳng đến Mỹ dài hơn bay đến châu Âu khoảng 4 giờ bay, trong khi giá vé chênh lệch không đáng kể, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn. Vietnam Airlines đã từng công bố tính toán của hãng này trên đường bay Việt - Mỹ. Theo đó, trong giai đoạn 2005 - 2006, nếu hãng này bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm Vietnam Airlines có thể lỗ khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác hai dòng máy bay siêu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và B787-9, mức lỗ có thể giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm trong thời gian đầu khai thác.

Các chuyên gia hàng không cũng nhận định, cần khoảng 5 - 10 năm, các hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay thẳng Việt - Mỹ. Ngoài hàng rào kỹ thuật, để mở được đường bay thẳng thương mại thường lệ Việt - Mỹ, các hãng hàng không sẽ phải đối diện rất nhiều thử thách, từ việc cạnh tranh giá vé máy bay, tiếp cận khách hàng, đặc biệt nhóm đối tượng sẵn sàng trả giá vé cao, kèm với đó là chiến lược kích cầu du lịch trong nước và quốc tế. Bởi vậy, để khai thác hiệu quả, các hãng cần phải xây dựng được một chiến lược tốt và có tiềm lực tài chính vững vàng. 

Cho đến nay, Việt Nam chưa có hãng hàng không nào có giấy phép của TSA và Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) để mở đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ - tức là chuyến bay được thực hiện đều đặn theo lịch bay công bố, mở bán vé rộng rãi và không hạn chế đối tượng hành khách.