Nhiều nhưng kém hiệu quả

Bạn đọc viết:

Nguyễn Thái Bảo (quận 1, TP Hồ Chí Minh)

NCOVI, Bluezone, COVID-19, SYT TPHCM, Hotline Bộ Y Tế, Y tế HCM, Tiêm chủng, Y Tế Trực Tuyến… là những “gương mặt” nổi trội nhất trong số hàng chục ứng dụng thông minh được các cơ quan chức năng khuyến cáo cài đặt hiện nay. Ứng dụng thì nhiều, nhưng hiệu quả lại chưa rõ nét, nhất là trong trường hợp người dùng muốn giấu hoặc không quan tâm. Đơn cử như trong việc khai báo y tế trực tuyến, có nơi thì yêu cầu sử dụng Bluezone, chỗ lại đòi hỏi ứng dụng của Sở Y tế tại địa phương, cũng có địa điểm chỉ chấp nhận khai báo qua Google Form bằng cách quét mã QR.

Cũng như nhiều người dân khác ở TP Hồ Chí Minh, trong những ngày này, tôi đã tuân thủ các khuyến cáo và cài “kha khá” ứng dụng như đã nêu vào thiết bị di động cá nhân. Tuy nhiên, việc có quá nhiều ứng dụng đang khiến nhiều người dân, đặc biệt là người già rơi vào “ma trận” thông tin. Chức năng của các ứng dụng quá chung chung, không có điểm nhấn, một số tính năng thừa thãi, thí dụ như lịch ngày tháng. Trong khi đó, ứng dụng lại không được thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng hiện đại, hữu ích mà nhiều quốc gia trong khu vực đã triển khai như mã QR thay cho giấy chứng nhận đủ điều kiện di chuyển, cảnh báo tiếp xúc với đối tượng thuộc diện nghi nhiễm bệnh theo thời gian thực, lưu trữ quá trình và kết quả xét nghiệm, đánh dấu địa điểm của ca bệnh trên bản đồ… 

Tóm lại, ứng dụng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang phát triển theo bề ngang và kém về chiều sâu. Nước ta có nhiều thời gian và đầy đủ các điều kiện về mặt bằng công nghệ thông tin để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, nhưng hiện trạng nêu trên đã cho thấy dấu hiệu tụt hậu trong chống dịch bằng công nghệ cao, gây lãng phí cả về thời gian và nguồn lực đầu tư.