Nguy cơ nhiễm Covid-19 với bệnh nhân chạy thận

Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, các bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối càng sống trong âu lo. Họ phải thường xuyên đến bệnh viện để lọc máu chu kỳ, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, hiện chưa có quy định cũng như những hỗ trợ cụ thể để xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên cho các bệnh nhân này.

Nhân viên y tế sát khuẩn máy chạy thận sau các ca lọc máu. Ảnh: ĐẶNG LUÂN
Nhân viên y tế sát khuẩn máy chạy thận sau các ca lọc máu. Ảnh: ĐẶNG LUÂN

1/Hà Nội đang giãn cách xã hội, xóm Chạy thận ở ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) càng đìu hiu. Cư dân ở đây chủ yếu là bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài những khó khăn khi sự sống hằng ngày phải duy trì bằng thuốc và hỗ trợ của máy móc, nay, họ đang tiếp tục phải đối mặt những nỗi lo do dịch bệnh. Đây là các bệnh nhân ngoại trú không thuộc nhóm đối tượng được bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19. Ngoài ra, việc xét nghiệm cũng chưa được thực hiện thường xuyên tại một số bệnh viện. 

Chị Nguyễn Thị Tươi, quê ở Yên Bái cho biết: “Từ đợt dịch thứ tư, chúng tôi được xét nghiệm Covid-19 hai lần. Một tuần, ba lần, tôi vẫn phải đến Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Thuê nhà trọ gần nên tôi chỉ đi bộ sang. Tuy nhiên, bệnh viện lúc nào cũng đông người đến khám và điều trị. Đợt dịch này, virus lại lây lan nhanh. Cơ thể tôi yếu, sức đề kháng kém nên tôi luôn lo lắng mình bị nhiễm Covid-19”. Còn anh Lê Văn Bài, quê Thái Nguyên nói: “Xét nghiệm Covid-19 bây giờ là yêu cầu bắt buộc nhưng bệnh nhân chạy thận chúng tôi khó khăn lắm”. 

Theo báo cáo của Hội Lọc máu Việt Nam, tại Việt Nam, ước có khoảng 30 nghìn người bệnh suy thận cần lọc máu, chiếm 0,031% dân số. Cả nước hiện có 5.126 máy thận nhân tạo với hơn 400  đơn vị lọc máu, cùng 500 bác sĩ và hơn 5.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên lọc máu. Hiện tại, mô hình lọc máu tại Việt Nam chủ yếu thực hiện trong bệnh viện, không có các trung tâm lọc máu độc lập, không có mô hình lọc máu tại nhà. 

2/TS, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, bệnh nhân chạy thận thuộc nhóm bệnh nhân điều trị ngoại trú nên sẽ rất nguy hiểm cho cả bệnh viện nếu không may có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nhưng hiện không phải bệnh viện nào có bệnh nhân chạy thận cũng duy trì được xét nghiệm SARS-CoV-2 một tuần/lần như Bệnh viện Bạch Mai. Theo các bác sĩ đầu ngành tại đây, cần có quy định riêng cho nhóm bệnh nhân này. Trong đó, quan trọng là bệnh nhân phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, nhóm bệnh nhân lọc máu và chạy thận nhân tạo đang gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19. Đây là nhóm bệnh nhân nặng, có rất nhiều bệnh kèm theo, bệnh nhân lại phải lọc máu theo đúng chu kỳ, tuần phải lọc máu ba lần nên phải đi về. Chính vì vậy, nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo không quản lý theo hình thức bốn tại chỗ được. Đặc thù nữa là bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo ca, nhân viên quản lý nhóm bệnh nhân này theo kíp nên nếu có vấn đề gì xảy ra thì cả ca, cả kíp đều ở trong nhóm nguy cơ. Vì vậy, an toàn cho bệnh nhân chạy thận cũng là an toàn cho nhân viên y tế và những người chung quanh. 

Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ người Việt Nam bị suy thận mạn tính đang gia tăng. Đặc biệt, số bệnh nhân trẻ phải chạy thận nhân tạo cũng tăng lên đáng kể.  Điều này rất nguy hiểm vì cả đời bệnh nhân sẽ gắn chặt với máy chạy thận để lọc máu chu kỳ. Trước nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 ngay trong hiện tại, rất cần cơ chế hỗ trợ, phối hợp từ ngành y, bệnh viện và địa phương nơi tạm trú của bệnh nhân chạy thận, để quy trình điều trị, di chuyển được an toàn hơn, giữ gìn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, điều dưỡng… Xa hơn, nếu giảm nguy cơ bị suy thận, người dân cũng bớt được những khả năng lây nhiễm, mang theo hai, ba, nhiều bệnh trên người khi phải điều trị trong bối cảnh bệnh dịch bùng phát; hay sống tạm bợ ở những khu vực kém về điều kiện vệ sinh, môi trường…