Nghỉ Tết, đừng lơ là với SARS-CoV-2!

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết, người dân về quê, mua sắm Tết rồi vui chơi, đi chúc Tết và các lễ hội tại địa phương. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Địa phương và người dân cần làm gì?

Trong dịp Tết, người dân đi lại nhiều làm tăng nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Ảnh: MINH KHIẾU
Trong dịp Tết, người dân đi lại nhiều làm tăng nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Ảnh: MINH KHIẾU

Không để dịch lây lan mạnh

Hiện tại, số ca mắc Covid-19 vẫn không giảm, đã phát hiện những ca nhiễm biến thể Omicron ngoài cộng đồng. Đặc biệt, biến thể Omicron có khả năng lây lan gấp bảy lần so Delta và vaccine phòng Covid-19 lại ít có hiệu lực với biến thể này. Điều này gây không ít lo ngại vào dịp Tết. 

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay tỷ lệ tiêm đã đạt ở mức cao. Nhưng cũng không được chủ quan lơ là, luôn phải cảnh giác, không để dịch lây lan quá mạnh, bùng phát dịch quá nhanh. 

Mặc dù tỷ lệ người mắc Omicron diễn tiến không nặng. Nếu như chủng Delta, tỷ lệ người nhiễm nặng là 10% - cứ 10 người mới có 1 người. Còn với biến thể Omicron, dù tỷ lệ nhiễm nặng chỉ có 1% thôi nhưng để nhiễm nhiều thì 100 người mắc cũng có 1 người chuyển nặng và như vậy, tỷ lệ chuyển nặng bằng nhau và số tử vong cũng bằng nhau. PGS Trần Đắc Phu lưu ý vấn đề quá tải hệ thống y tế khi số nhiễm cao lên, trong đó, cũng có những trường hợp quá tải hệ thống y tế ảo. Nghĩa là khi số ca nhiễm tăng, người dân lo lắng, chính quyền, cơ sở y tế không điều tiết được nên số nhẹ lại vào viện, trong khi số nặng lại không vào viện được. Nếu người nhiễm không được tư vấn, can thiệp y tế kịp thời, sẽ gây chuyển nặng và gây tử vong. 

Trong dịp Tết, người dân đi lại nhiều, về quê ăn Tết, tham dự các hoạt động tập trung đông người…, đều có nguy cơ cao gia tăng các ca nhiễm. Vì thế, nhiều ổ dịch có thể tăng lên. Đặc biệt rất lo ngại nếu thực hiện không tốt tất cả các biện pháp phòng bệnh.  Điều này dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, cũng trong dịp nghỉ Tết, mặc dù có cán bộ trực, có phân công người tham gia chống dịch nhưng chắc chắn có sự phân tán hơn ngày thường. Do vậy, các địa phương cần hết sức lưu ý về nhân lực, trang thiết bị y tế, không để thiếu những trang thiết bị thiết yếu như oxy…

Địa phương cần chủ động kịch bản

Để tránh quá tải và giúp F0 dễ dàng tiếp nhận cơ sở y tế trong thời điểm nghỉ Tết, các chuyên gia lưu ý, phải điều tiết sao cho hợp lý, khuyến khích lực lượng như học sinh, sinh viên, những cán bộ đã nghỉ hưu tham gia tư vấn để hình thành nên hệ thống tư vấn trực tuyến Bác sĩ đồng hành. Hệ thống này kết hợp y tế cơ sở ở tất cả các địa phương, là vô cùng quan trọng vì địa bàn nào cũng có thể có người về quê ăn Tết và đều có nguy cơ xuất hiện F0. Các địa phương cần phải biết được tất cả các địa chỉ những người đã về và phải cung cấp cho họ những địa chỉ của cán bộ y tế. Bên cạnh những cán bộ trực, cần có những cán bộ dự bị để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời khi số ca F0 tăng. Cần đặc biệt quan tâm sau dịp Tết, rất cảnh giác khi người dân về quê ăn Tết nên không có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp sẽ rất dễ dẫn đến bùng phát dịch sau Tết.

Để tránh quá tải tuyến y tế cơ sở khi số ca F0 tăng nhanh ngoài cộng đồng, trạm y tế online đầu tiên ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã ra đời. Với lực lượng là cán bộ phường, nhân viên y tế trạm, tình nguyện viên tham gia chia làm bốn tổ từ tiếp nhận thông tin đến chăm sóc điều trị, hỗ trợ nhu yếu phẩm và các nhu cầu khác. Ngoài ra sẽ có các bác sĩ thuộc Bệnh viện Phổi T.Ư hỗ trợ về chuyên môn cho trạm. Dù mới hoạt động trong thời gian sớm nhất nhưng trạm đã tiếp nhận gần 2.000 lượt tương tác và theo dõi kịp thời tư vấn và hỗ trợ chuyển tuyến cho nhiều trường hợp mắc Covid-19 có chuyển biến nặng. Mô hình này sẽ  chia sẻ áp lực với trạm y tế phường trong tình hình dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, bảo đảm F0, F1 được chăm sóc chu đáo, kịp thời, rút ngắn khoảng cách giữa không gian, thời gian của người dân, bệnh nhân mắc Covid-19 với cán bộ y tế, cán bộ UBND phường.