Méo mó khu dân cư, khu đô thị ở Thái Nguyên

Những năm gần đây, các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên “nở rộ” và được “vẽ” ra rất hoành tráng. Đó là: đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cảnh quan đẹp. Nhưng trên thực tế thì ngược lại…

Hầu hết các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đều kéo dài thời gian thi công, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hầu hết các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đều kéo dài thời gian thi công, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

1/Khu đô thị Picenza ở phường Đồng Bẩm, được coi là kiểu mẫu tại TP Thái Nguyên, hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước, cây xanh tạo cảnh quan bước đầu được đầu tư. Nhưng người dân mua đất, làm nhà tại đây đã nhiều năm vẫn thấp thỏm lo âu bởi tình trạng cấp điện, nước không ổn định, có thời điểm mất điện, nước ba, bốn ngày liên tục.

Hay tại Khu dân cư số 4, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, dù đã bán đất nền cho người dân xây nhà ở, nhưng đã hàng chục năm mà hạ tầng kỹ thuật chưa được hoàn thiện. Người dân đã nộp toàn bộ tiền mua đất mà chưa được cấp “sổ đỏ” nên không thể chuyển nhượng, thế chấp vay vốn sản xuất, kinh doanh…

Dự án (DA) khu đô thị (KĐT) Kosy ở phường Thắng Lợi, TP Sông Công được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép đầu tư cho Công ty CP Kosy từ nhiều năm trước, diện tích lên đến 38,7 ha với mục đích tạo đất ở đô thị, sắp xếp lại dân cư trong phạm vi DA. Diện tích KĐT này gồm hai phần, đất ruộng và nhà ở, đất thổ cư của người dân. Thời gian qua, Công ty CP Kosy đã thu hồi, đầu tư hạ tầng, phân lô bán nền trên diện tích đất ruộng bởi giá đền bù rẻ, dễ làm. Còn phần diện tích nhà cửa, đất thổ cư của người dân thì chủ đầu tư không giải phóng được mặt bằng, vì giá thu hồi của người dân thấp, sau đó DA bán với giá cao nên người dân không đồng thuận. “Lối ra” cho khúc mắc này là Công ty CP Kosy xin điều chỉnh quy mô DA KĐT từ 38,7 ha xuống còn 25,6 ha. Như vậy, KĐT này ban đầu được phê duyệt rất hoành tráng, nhưng trên thực tế đã điều chỉnh giảm quy mô, kéo theo hạ tầng thay đổi, thiếu đồng bộ, tính kết nối không cao. 

Hay ở KĐT số 4, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, có diện tích quy hoạch hơn 6,3 ha, sau đó điều chỉnh còn 4,3 ha. Và còn nhiều DA khu dân cư, KĐT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thực hiện đều điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh giảm quy mô do khó giải phóng mặt bằng, giá bồi thường cao. Phổ biến nhất là điều chỉnh thời gian kéo dài thực hiện DA, khiến cho hạ tầng không đồng bộ, thiếu kết nối, DA bị méo mó, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. 

Điển hình là DA KĐT hồ Xương Rồng ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên được tỉnh Thái Nguyên cấp phép đầu tư để trở thành KĐT kiểu mẫu. Đến nay, việc đầu tư xây dựng đã hơn mười năm, nhưng xây dựng hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa xong giải phóng mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng thuận. Tại các khu dân cư, KĐT, hệ thống cáp quang không được đầu tư lắp đặt, có khu được lắp đặt thì rất lạc hậu, không thể kết nối được. 

2/Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhà đầu tư năng lực yếu, không chuyên nghiệp; chính quyền địa phương dễ dãi chiều theo nhà đầu tư trong việc xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh kéo dài thời gian đầu tư. Việc này khiến cho các KĐT, khu dân cư trên địa bàn trở nên biến dạng so quy hoạch ban đầu.

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý các DA có vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các khu dân cư, KĐT trên địa bàn nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương, biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ kiểm tra để rà soát, tháo gỡ bất cập, tham mưu xử lý vi phạm tại các DA khu dân cư, KĐT. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tỉnh sẽ rà soát, siết lại, tuân thủ đúng quy định của pháp luật đối với những DA có vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là KĐT, khu dân cư, kiên quyết xử lý các DA vi phạm, DA chậm triển khai sẽ hủy bỏ, thu hồi”. 

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: Nhà đầu tư nào cũng có mối quan hệ, nhưng trong quá trình thực hiện rà soát, xử lý vi phạm, không ai được can thiệp để cơ quan chức năng kiên quyết chấn chỉnh những bất cập thời gian qua.