“Loạn” ứng dụng giải bài tập

Bạn đọc viết:

Đào Gia Phong (Quận 4, TP Hồ Chí Minh)

Nếu sở hữu một thiết bị thông minh hoặc máy tính cá nhân, bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm ra hàng loạt ứng dụng giải bài tập dành cho học sinh chỉ trong vài giây. Không chỉ có các môn thuộc khối tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, những ứng dụng nói trên còn rất phong phú, đầy đủ cả Ngữ văn, ngoại ngữ... 

Nếu như với những loại sách tham khảo “thời xưa”, học sinh sẽ phải bỏ thời gian ngồi tra cứu, tìm kiếm đáp án, thì với những ứng dụng “thần kỳ” đó, người dùng chỉ cần thông qua thao tác quét bằng máy ảnh của thiết bị di động là được trả đáp án gần như ngay lập tức. Khỏi phải nói, cũng có thể thấy được sự tiện lợi của việc “chuyển đổi số” này đối với học sinh, sinh viên. Thế nhưng, kéo theo đó là tình trạng ỷ lại, thậm chí gian dối trong quá trình học tập, rèn luyện đối với một bộ phận bạn trẻ. Nhà tôi có hai con nhỏ, thì cháu lớn hiện đã có biểu hiện lười tư duy, ỷ lại vào các ứng dụng giải bài tập. Đối với cháu nhỏ, đây cũng là tấm gương không hề đẹp, nhưng vợ chồng tôi cũng không thể cả ngày ngồi “canh” con mình có mở ứng dụng giải bài tập hay không. 

Thực tế, câu chuyện “sách giải công nghệ” còn một mặt trái khác, đó là nguồn gốc, tính tin cậy. Tôi nhớ rằng, trước đây, đã có không ít loại sách tham khảo trôi nổi, khi đến tay người dùng còn gây đủ thứ hệ lụy vì kiến thức bị in sai lệch, thiếu căn cứ. Thì hiện tại, việc các ứng dụng ồ ạt xuất hiện như nấm sau mưa cũng đang làm dấy lên lo ngại về những sai sót “có trời mới biết”. Đó là chưa kể việc sẽ có những trường hợp các ứng dụng trên được một bộ phận học sinh không muốn học bằng thực lực dùng như công cụ gian lận. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan quản lý cần nhanh chóng vào cuộc, rà soát thật kỹ những ứng dụng tương tự, đang được quảng cáo, chào bán đầy rẫy trên môi trường internet.