Lắp camera giám sát hành trình còn chậm

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa (31/12/2021) là đến hạn cuối xe ô-tô kinh doanh vận tải (xe ô-tô khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container) phải hoàn thành việc lắp camera giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ phương tiện thực hiện vẫn còn rất thấp.

Lắp và kiểm tra hoạt động của camera giám sát trên xe khách.
Lắp và kiểm tra hoạt động của camera giám sát trên xe khách.

Ngóng lùi thời hạn

Nghị định 10 quy định, trước ngày 1/7/2021, ô-tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Tuy nhiên, qua bốn đợt bùng phát dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách gần như rơi vào tình trạng “đóng băng” không có doanh thu. 

Để tháo gỡ, Nghị quyết số 66 của Chính phủ đã cho phép hoãn thời hạn xử phạt từ 1/7 đến ngày 31/12. Tuy nhiên, tính đến tháng 11, số lượng phương tiện lắp camera vẫn còn rất thấp. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mới có hơn 25 nghìn trên tổng số 200 nghìn phương tiện phải lắp camera, đạt chỉ hơn 12%.

Bên cạnh khó khăn về kinh doanh và nguồn tiền, một số ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp vận tải còn e ngại câu chuyện minh bạch hành trình tham gia giao thông và đang “ngóng” việc tiếp tục lùi thời hạn xử phạt. Tuy nhiên, đây là tình huống khó khả thi bởi Bộ Giao thông vận tải vừa tiếp tục ra văn bản lần thứ tư yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc việc lắp camera trên xe ô-tô kinh doanh vận tải. Bộ cũng yêu cầu thanh tra giao thông xử lý nghiêm các trường hợp không lắp camera trên xe sau ngày 31/12. 

Trong tình huống bắt buộc phải lắp camera, một số doanh nghiệp vận tải cũng rơi vào tình cảnh khó chọn thiết bị do trên thị trường trăm hoa đua nở. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trong ngành vận tải đang có ba loại camera lắp trên xe ô-tô. Một là camera đã lắp trước khi có Nghị định 10 và Thông tư 12 để đáp ứng nhu cầu quản lý của doanh nghiệp. Loại camera này chưa phù hợp và phải nâng cấp lên đáp ứng khả năng truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý.

Loại thứ hai là các camera phù hợp tiêu chí theo Nghị định 10 và Thông tư 12 nhưng không tích hợp với thiết bị giám sát hành trình. Các camera này vẫn có thể tiếp tục sử dụng và phải truyền dữ liệu về máy chủ của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do dùng hai thiết bị nên hại ắc quy, dùng hai sim nên tốn phí duy trì. Sắp tới, nhà mạng cắt sóng 2G, doanh nghiệp vận tải phải một lần nữa mất phí nâng cấp thiết bị giám sát hành trình lên 4G. 

Loại thứ ba là thiết bị tích hợp camera với thiết bị giám sát hành trình theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 4/11 vừa qua. 

Lựa chọn công nghệ

Ủng hộ chủ trương lắp đặt camera, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu lựa chọn giải pháp về công nghệ làm sao cho phù hợp, tối ưu và tiết kiệm nhất. Các đơn vị vận tải vẫn có thể chọn camera theo tiêu chí của Nghị định 10 và Thông tư 12, tuy nhiên lắp camera theo TCVN-13396 sẽ tối ưu và tiết kiệm lâu dài, bởi được tích hợp thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G, chỉ cần duy trì một simcard, giảm tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu cũng như chi phí truyền dẫn dữ liệu. Ngoài ra, sắp tới nhà mạng cắt 2G thì không bị ảnh hưởng. Như vậy, vừa lắp được thiết bị, vừa nâng cấp được camera. 

Ông Quyền cho rằng, bấy lâu nhiều doanh nghiệp vận tải chờ tiêu chuẩn rồi mới lựa chọn. Ngày 4/11 vừa qua, sau khi có Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-13396, các doanh nghiệp sẽ yên tâm và lắp camera đúng hạn trước 31/12 như Chính phủ quy định. Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam đã có văn bản nhắc các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera và khuyến cáo camera phải đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-13396.

Đặc biệt hiện nay, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, một số đơn vị cung cấp camera lớn đã đưa ra chính sách ghi nợ, hoãn thời gian thanh toán chi phí lắp đặt camera. Đây là một động thái cùng chung tay, đồng hành để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Phạm Quang Thiều, Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm Công ty TNHH phát triển công nghệ điện tử Bình An cho biết: Giá lắp đặt thiết bị phần cứng hiện nay đã giảm từ 10-12 triệu đồng/xe xuống khoảng 3-5 triệu đồng/xe.