Lao đao nghề biển

Gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nghề cá tại Quảng Bình nói riêng, các tỉnh miền trung nói chung bị ảnh hưởng lớn. Nhiều tàu cá của ngư dân đã phải nằm bờ và thu nhập trong vụ cá bắc vì thế cũng rất thấp. 

Hiện có khoảng 70% số tàu thuyền tại Quảng Bình ra khơi.
Hiện có khoảng 70% số tàu thuyền tại Quảng Bình ra khơi.

Neo bờ vì dịch bệnh

So các tỉnh trong khu vực thì Quảng Bình có nghề biển tương đối phát triển với đội tàu xa bờ khá hùng hậu. Toàn tỉnh hiện có 6.790 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó 1.207 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 24 nghìn lao động trực tiếp trên biển. Năm nay, ngư dân trong tỉnh được mùa cá nam nên bước vào vụ cá bắc với tinh thần hăng hái, song dịch Covid-19 xảy ra đã gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Cũng như nhiều tỉnh miền trung, dịch Covid-19 khởi phát từ các cảng cá và chợ cá, cuối tháng 8, một ngư dân vào Cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới bán hải sản thì dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, dịch bệnh lan ra diện rộng toàn tỉnh. Hàng trăm ngư dân thành F0. Nhiều địa phương vùng biển phải cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, hàng nghìn tàu cá phải nằm bờ, nhiều cảng cá nằm trong vùng phong tỏa, cách ly nên tàu cập cảng, tiêu thụ sản phẩm khai thác khó khăn hơn. 

Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch Hồ Đăng Chiến nhớ lại: Chỉ hai ngày sau khi dịch Covid-19 khởi phát từ Cảng cá Nhật Lệ, ngư dân trong xã bị nhiễm rồi cứ thế dịch bệnh lan theo cấp số nhân, Đức Trạch với đội tàu xa bờ gần 400 chiếc trở thành xã “vùng đỏ” của huyện. Người bị nhiễm Covid-19 đi điều trị nhưng tàu neo bờ đâu đã yên bởi các cơn bão nối nhau vào miền trung vào thời điểm đó. Chiếc tàu cá trị giá nhiều tỷ đồng, là tài sản rất lớn của gia đình ngư dân không thể để mặc được. Xã phải chọn ra 30 ngư dân khỏe mạnh, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mang gạo, mì ăn liền và chăn màn ra khu neo đậu tàu thuyền Cảng Gianh cùng tổ công tác biên phòng để bảo vệ hàng trăm tàu cá đang được neo ở đây. 

Lao đao vì dầu tăng giá

Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, ngư dân Phạm Văn Hiến ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch chia sẻ, nhiều tháng liền tàu cá của gia đình anh phải nằm bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay lại ra khơi thì giá dầu tăng kéo theo chi phí tăng cao nên thu nhập sẽ bị giảm sút. “Chuyến biển này của tôi đi 15 ngày hết gần 6.000 lít dầu, tiền mua gần 100 triệu đồng, tàu câu được hơn 1 tấn mực, thêm ít cá nữa bán hơn 150 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ thanh toán các chi phí và trả tiền công cho các bạn thuyền. Nếu với giá dầu như hiện nay, riêng tiền dầu tăng gần 40 triệu đồng nữa thì không có lãi”, anh Hiến nói. 

Không gặp may như anh Hiến, một số chủ tàu cá khác ở Đức Trạch doanh thu chuyến biển gần đây không đủ chi phí. Còn ngư dân Phạm Văn Phong ở xã Bảo Ninh cho biết, nghề biển hiện nay gặp khó không chỉ là giá dầu tăng làm đội chi phí mà giá hải sản giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa biết khi nào tăng trở lại. Bên cạnh đó, là việc thiếu bạn thuyền do thu nhập từ nghề biển thấp không đủ hấp dẫn nhiều lao động trẻ. Nhiều tàu xa bờ công suất lớn, cần 12-15 người mới xuất bến thì nay cũng chỉ có được 7-8 bạn nên công việc trên tàu khá vất vả. Vì thế, nhiều tàu ở Bảo Ninh neo bờ trong thời gian dài. 

Theo ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh, nghiệp đoàn nghề có 250 đoàn viên, với 150 tàu đánh cá có công suất từ 150-800CV. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các tàu cá hoạt động hiệu quả không cao, nhất là khi giá hải sản xuống thấp mà giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều tàu làm nghề lưới vây trên địa bàn phải nằm bờ. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình cho biết, thời gian gần đây, do giá xăng dầu liên tục tăng cao, giá bán hải sản còn thấp, thiếu bạn thuyền và thời tiết bất lợi nên có khoảng 30% tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh tạm thời nằm bờ. 

Ngư dân trong tỉnh mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ một phần tiền dầu để yên tâm bám biển khai thác hải sản. Bên cạnh đó, cần có biện pháp, chính sách nâng giá hải sản để bảo đảm thu nhập cho lao động nghề biển. Có như vậy, nghề biển mới từng bước vượt qua khó khăn để tiếp tục sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo ông Lê Ngọc Linh, trước diễn biến còn phức tạp của dịch tại địa phương và các tỉnh trong khu vực, chi cục thành lập sáu tổ kiểm soát Covid-19 tại các cửa biển với sự tham gia của bộ đội biên phòng, nhân viên y tế, đại diện chính quyền địa phương… để kiểm soát tàu thuyền ra, vào.