Khuyến khích chăm sóc sức khỏe từ xa

Nhiều bệnh viện (BV) trên cả nước đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh (KCB) như đặt lịch khám, hẹn khám... KCB từ xa giúp giảm tiếp xúc, thực hiện giãn cách, là biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: ĐINH HẰNG
Bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: ĐINH HẰNG

Sử dụng nền tảng KCB từ xa

Chị Nguyễn Mai Lan sống ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh) thời điểm hiện tại ngại đến BV vì dịch Covid-19. Khi đau ốm, chị thường trực tiếp kết nối với các bác sĩ qua ứng dụng VOV BACSI24 để được chẩn đoán tình trạng bệnh. Chị Lan cho hay: “Từ khi có dịch Covid-19 xảy ra tới nay, tôi vừa tuân theo chỉ thị của Bộ Y tế là hạn chế tụ tập đông người, lại ngại tới BV vì đó là môi trường dễ nhiễm bệnh. Được bạn bè chia sẻ, tôi đã cài ứng dụng (app) VOV BACSI24. Từ đó, tôi hạn chế đến BV và đăng ký khám bệnh tại đây”.

Để tiết kiệm thời gian và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội mà vẫn được tư vấn y tế trực tuyến kịp thời, chị Hoàng Thu Hà ở quận Bình Thạnh thực hiện KCB trên VOV BACSI24. Với bệnh thông thường, chị được bác sĩ tư vấn kịp thời mà có thể chưa phải dùng đến thuốc. “Dùng app VOV BACSI24 tôi thấy rất hiệu quả bởi vì gặp những vấn đề về sức khỏe thông thường, tôi sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ tại đây. Những bác sĩ trên app này đều có kinh nghiệm và đang đảm nhiệm chức vụ trưởng, phó khoa tại các BV nên tôi cũng cảm thấy an tâm”. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ứng dụng VOV BACSI24 là một kênh quan trọng để giúp người dân tiếp cận nền y tế hiện đại, các bác sĩ đầu ngành mà không cần phải đến BV. Trước đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký kết hợp tác nền tảng VOV BACSI 24 để KCB từ xa. Theo đó, mỗi BV sẽ cử ít nhất một bác sĩ trực 24/24 giờ để tư vấn trực tuyến cho người dân. PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng CNTT (Bộ Y tế) cho biết: “Mỗi ngày, bình quân có khoảng 200 - 500 cuộc gọi đến app này nên tôi cho là rất hiệu quả”. 

Trả kết quả xét nghiệm trực tuyến

Chỉ cần gọi điện thoại, đặt lịch khám tại BV Đại học Y Hà Nội trước một hôm, chị Nguyễn Thu Mai (Đống Đa, Hà Nội) đã được hẹn lịch khám. Nhờ cập nhật thông tin đầy đủ từ trước nên khi đến BV, ngoài việc khai báo y tế, đến lượt là chị được vào khám ngay. Chị Mai nói: “Mình đặt lịch qua tổng đài, biết lịch của bác sĩ khám ngày nào, đặt đúng ngày đó, lấy số khám luôn mà không phải chờ”.

Do đau đầu kéo dài, anh Lê Chiến Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đăng ký khám qua đặt lịch trước tại BV Đại học Y Hà Nội. Sau khi khám, bác sĩ chỉ định chụp CT não. Chụp xong, bác sĩ đưa vào hệ thống, sau đó, bệnh nhân được cấp một đường dẫn (link), mã số riêng, truy cập vào là xem được kết quả ngay. Anh Thắng cho biết: “Trước đây, tôi đi khám nhiều BV, có nhiều phim, để một thời gian nó cũng hỏng nên khi nhận kết quả phim qua link tôi thấy tiện, nhanh và gọn”. Theo các bác sĩ (BS), kết quả này có thể xem trực tuyến trong 36 tháng và lưu trữ lâu dài trong trường hợp bảo mật thông tin. Riêng việc không in phim, mỗi năm cũng tiết kiệm cho BV hàng tỷ đồng và góp phần bớt xả thải ra môi trường. 

TS, BS Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, BV Đại học Y Hà Nội cho biết: “Thông thường, bệnh nhân đã giảm được một giờ thời gian chờ đợi lấy kết quả. Chúng tôi có thể truy cập lấy kết quả cũ của bệnh nhân để đối chiếu, so sánh giúp nâng cao rất nhiều giá trị chẩn đoán”. 

Tuy thuận lợi nhưng do thói quen, số người đến khám có đặt lịch trước tại BV Đại học Y Hà Nội vẫn chỉ hơn 20% và thường dồn vào buổi sáng. PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: “Bệnh nhân có thể xếp hàng dài cả hàng trăm mét nếu đến BV vào buổi sáng. Trong khi nếu đến vào buổi chiều thì lại vắng. BV đang triển khai, tạo nhiều ưu đãi cho người bệnh nếu đặt lịch khám buổi chiều. Việc này không chỉ có lợi cho người bệnh mà cho cả hệ thống. Các ứng dụng từ triển khai hình ảnh lưu trữ không phim hay đăng ký khám trực tuyến đều giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần bảo đảm an toàn giãn cách cho người đi khám bệnh, đặc biệt là bước hiệu quả góp phần triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hướng tới mô hình BV thông minh”. 

Theo các chuyên gia y tế, trong giai đoạn dịch Covid-19 đang phức tạp thì người dân, nhất là người dân ở vùng dịch nên sử dụng các nền tảng KCB từ xa để giúp cho việc phòng dịch được tốt hơn, trừ những trường hợp bệnh nặng, phải cấp cứu mới nên đến BV.